| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới tại Hạ Long: Người dân vẫn còn 'tâm tư'

Thứ Năm 16/02/2023 , 19:39 (GMT+7)

QUẢNG NINH Một bộ phận người dân thành phố Hạ Long vẫn chưa hài lòng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại thành phố.

UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản gửi Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và UBND thành phố Hạ Long, về việc chỉ đạo khắc phục giải quyết các nội dung người dân chưa hài lòng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại thành phố Hạ Long.

Trước đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận thành phố Hạ Long hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2021. 

Qua tổng hợp kết quả lấy ý kiến người dân trên địa bàn thành phố Hạ Long, cho thấy phần lớn nhân dân hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố Hạ Long, tỷ lệ hài lòng các nội dung đều đạt từ 98,51% trở lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung có tỷ lệ người dân chưa hài lòng và kiến nghị. 

Xã Đồng Sơn, thành phố Hạ Long vẫn còn nhiều hộ dân khó khăn. Ảnh: Cường Vũ

Xã Đồng Sơn, thành phố Hạ Long vẫn còn nhiều hộ dân khó khăn. Ảnh: Cường Vũ

Nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hạ Long, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh kiến nghị với UBND tỉnh, UBND thành phố Hạ Long chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tiếp tục quan tâm, triển khai một số nội dung sau:

Rà soát toàn bộ các nội dung người dân chưa hài lòng; đặc biệt các thôn, xã có tỷ lệ chưa hài lòng cao cần có giải pháp cụ thể giải quyết những vấn đề còn tồn tại, những đề xuất kiến nghị để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đảm bảo các điều kiện trong tiêu chí về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng về giao thông tại các xã, thôn vùng sâu vùng xa để kết nối đồng bộ, liên thông với các khu vực trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, kết nối vùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các khu vực vùng sâu, vùng xa; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ điện, nước, trạm y tế, giáo dục góp phần thu hẹp khoảng cách và chênh lệch khu vực thành thị, nông thôn đặc biệt tại các xã Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Sơn Dương,...

MTTQ tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị các cấp chính quyền phối hợp Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thành phố Hạ Long tiếp tục quan tâm tuyên truyền vận động nhân dân một số khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, hình thức sản xuất phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng đời sống; thay đổi nếp sống, sinh hoạt, giữ gìn môi trường sống xung quanh; phát động, duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường, các mô hình thu gom, phân loại rác thải từ hộ gia đình, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi nilông, trồng cây xanh; các phong trào tự quản, đảm bảo an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư; phong trào văn hóa thể dục thể thao từ hộ gia đình, thôn, bản; giữ gìn, phát huy những bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc, địa phương... góp phần nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới.

Về nội dung kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng có ý kiến chỉ đạo, giao UBND thành phố Hạ Long nghiên cứu các nội dung mà Ban Thường trực - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã nêu; Khẩn trương rà soát có các giải pháp, biện pháp giải quyết cụ thể các tồn tại, hạn chế đối với các nội dung chưa hài lòng, đặc biệt tập trung giải quyết những nội dung có tỷ lệ chưa hài lòng cao của người dân; báo cáo kết quả khắc phục các nội dung trên về Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh trước ngày 25/02/2023 để báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Đối với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Bùi Văn Khắng yêu cầu Văn phòng hướng dẫn, đôn đốc UBND thành phố Hạ Long triển khai các biện pháp, giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế đối với các nội dung chưa hài lòng của người dân theo báo cáo của Ban Thường trực - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hạ Long, cho biết UBND thành phố đang dự thảo văn bản để chỉ đạo, giao việc cho các cơ quan, UBND các phường, xã tập trung chỉ đạo các hoạt động theo nội dung mong muốn, góp ý của nhân dân.

Theo Bộ Tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, điều kiện để thành phố Hạ Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 100% số phường đạt đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố đạt từ 90% trở lên; đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị trên địa bàn tối thiểu đạt 5m­­­2/người.

Trong 2 năm qua, từ nguồn vốn ngân sách của thành phố và các nguồn vốn lồng ghép khác, khu vực nông thôn của thành phố Hạ Long đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình điện đường, trường trạm. Trong đó đã xây dựng mới thêm 25 trường học đạt chuẩn, 7 nhà văn hóa; nâng cấp, làm mới gần 400km đường xã, thôn, xóm, 16 công trình nước sinh hoạt tập trung; nâng cấp sửa chữa 4 hồ chứa nước; kiên cố hóa gần 90km kênh mương. Đến hết năm 2021, các xã trên địa bàn thành phố Hạ Long đều đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập đầu người khu vực nông thôn đạt 61,6 triệu đồng/người/năm, không có hộ nghèo khu vực nông thôn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.