| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu bền vững ở Thừa Thiên- Huế

Thứ Sáu 31/12/2021 , 12:39 (GMT+7)

Tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện lồng ghép nhiều chương trình trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu bền vững giai đoạn 2021-2025.

Nông thôn mới "thông minh”

Xã Quảng Phú là một trong hai địa phương được huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế chọn xây dựng mô hình điểm Nông thôn mới (NTM) nâng cao, đến nay Quảng Phú đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Địa phương này thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tăng thu nhập cho người dân bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình theo chuỗi giá trị được hình thành; kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa trên địa bàn xã được xây dựng cơ bản hoàn thiện, theo hướng đa mục tiêu.

Sản xuất rau má sạch và Trà rau má (sản phẩm đạt OCOP 4 sao) ở HTX NN Quảng Thọ 2 (xã Quảng Thọ). Ảnh: Tiến Thành.

Sản xuất rau má sạch và Trà rau má (sản phẩm đạt OCOP 4 sao) ở HTX NN Quảng Thọ 2 (xã Quảng Thọ). Ảnh: Tiến Thành.

 “Qua rà soát Quảng Phú đạt 18/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Tiêu chí sắp cán đích là giao thông nội đồng đang được địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng, nếu được cấp trên hỗ trợ cộng với nguồn đối ứng của xã sẽ sớm hoàn thành tiêu chí này” ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho hay.

Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) Hoàng Công Phong, đến nay địa phương này đã cơ bản đạt các tiêu chí xây dựng NTM và 2 thôn kiểu mẫu với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 45 triệu đồng/người/năm.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, xã Quảng Thọ đã triển khai thí điểm mô hình "xã thông minh" (XTM)  từ tháng 3/2021. Để hỗ trợ người dân, xã đã đầu tư phòng quản lý điều hành thông minh, 7 điểm phát wifi miễn phí ở 8 thôn; lắp đặt gần 20 camera an ninh (trong đó có 3 camera thông minh) để giám sát trên các trục chính tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn và các cơ quan, trường học với nhiệm vụ kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ, hạ tầng toàn diện. Hiện Quảng Thọ có 800/1950 hộ gia đình đã sử dụng việc thanh toán các dịch vụ qua thẻ ngân hàng, thay cho thanh toán bằng tiền mặt trước đó.

Mô hình 'xã thông minh' ở xã Quảng Thọ. Ảnh: Tiến Thành.

Mô hình "xã thông minh" ở xã Quảng Thọ. Ảnh: Tiến Thành.

“Mô hình XTM bước đầu phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, giúp người dân chủ động được trong thiên tai, mưa bão; giám sát môi trường để phục vụ nuôi trồng thuỷ hải sản. Xã đang thực hiện chuyển đổi số tại các HTX nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản địa phương” ông Phong cho hay.

Đến nay, huyện Quảng Điền đã có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt 9/9 tiêu chí NTM. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt. Bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy. Tổng nguồn lực huy động từ năm 2010 đến nay đạt 4.661 tỷ đồng.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xem là nội dung cốt lõi trong chương trình xây dựng NTM ở Quảng Điền. Nhiều năm qua Quảng Điền đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp bình quân đạt 3,8%/năm. 

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay, thực hiện xây dựng NTM với việc xây dựng XTM nhằm hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn. Từ những hiệu quả bước đầu của mô hình XTM ở Quảng Thọ mang lại, huyện vừa đăng ký xây dựng thêm mô hình XTM tại 3 xã khác, gồm Quảng Thái, Quảng Lợi và Quảng Phú. Sau đó, huyện sẽ nhân rộng mô hình XTM đối với các xã, thị trấn trên toàn huyện.

Năm 2021 toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có 31 dự án của 31 chủ thể kinh tế đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Một số sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử đã có (sàn kinh tế hợp tác của Liên minh HTX tỉnh, sàn postmart.vn của Bưu điện Việt Nam) và trên các sàn thương mại điện tử khác tại Việt Nam; tổ chức kết nối quảng bá, bán hàng, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Đồng bộ giải pháp

Theo ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thừa Thiên- Huế, trên cơ sở kết quả của giai đoạn 2016-2020 của những mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tập trung, các địa phương đã chủ động tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng và xây dựng mô hình xã NTM thông minh thí điểm tại hai xã Quảng Thọ và Vinh Hưng.

Tỉnh Thừa Thiên- Huế đang tập trung xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu bền vững. Ảnh: Tiến Thành.

Tỉnh Thừa Thiên- Huế đang tập trung xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu bền vững. Ảnh: Tiến Thành.

Đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn, tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu theo bộ tiêu chí hiện hành, đồng thời chủ động xác định nội dung, giải pháp bảo đảm duy trì và đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025; tập trung xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn cho các xã, huyện theo hướng xanh - sạch - sáng và đẹp; các khu dân cư, thôn, bản kiểu mẫu, nhất là các xã NTM nâng cao, kiểu mẫu tiến tới hình thành các vùng quê đáng sống.

Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có 63/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Mục tiêu năm 2022, có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu và có ít nhất 20% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM.

Các địa phương huy động, lồng ghép, bố trí các nguồn lực cho xây dựng NTM để đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Bên cạnh nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, cần ưu tiên bố trí ngân sách và huy động lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Việc huy động đóng góp của người dân phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với khả năng.

Ngoài các chỉ tiêu chính trên xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chương trình, Đề án của Trung ương như, thực hiện Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Chương trình OCOP; Đề án môi trường và cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025; Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá trong xây dựng NTM; Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.

Địa phương cũng đang đề xuất Trung ương nghiên cứu ban hành cơ chế lồng ghép (tổ chức chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch, lồng ghép kinh phí...) 3 chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, gồm chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất