| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Nghệ An

Thứ Ba 26/05/2020 , 16:45 (GMT+7)

Nguyên Chủ tịch Nghệ An Hồ Xuân Hùng đau đáu câu hỏi: Nghệ An nên tập trung phát triển ngành kinh tế nào? Sản phẩm nào là chính, cần ưu tiên?

Không ôm đồm

Phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp chủ lực sẽ là tiền đề phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn Nghệ An.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, năm 2014 tỉnh Nghệ An triển khai “Đề án phát triển cây con chủ lực”. Qua 6 năm thực hiện, bên cạnh một số kết quả đạt được là hàng loạt những vấn đề tồn tại, vướng mắc chưa tìm ra hướng tháo gỡ.

Nội dung này được các đại biểu, chuyên gia đánh giá, phân tích và mổ xẻ chi tiết tại Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh Nghệ An” vào sáng  26/5.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, tham mưu phù hợp cho giai đoạn mới. Ảnh: Việt Khánh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, tham mưu phù hợp cho giai đoạn mới. Ảnh: Việt Khánh.

Qua tìm hiểu, Đề án vạch ra 21 chỉ tiêu nhưng chỉ 11 chỉ tiêu đạt và vượt, 10 chỉ tiêu còn lại khó hoàn thành, gồm: sản lượng lạc, chanh leo, chè búp tươi, cao su mủ khô; diện tích cây dược liệu; tổng đàn hươu, đàn bò sữa; sản lượng sữa tươi, thịt lợn hơi và tôm.

Hàng loạt rào cản đã được các chuyên gia chỉ rõ. Về nguyên nhân khách quan, nhìn chung công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, bảo quản sau thu hoạch đối với một số cây, con chủ lực phát triển chậm, chưa đồng bộ, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế sẵn có. Phần lớn nông sản Nghệ An chỉ tiêu thụ trong nước, sức cạnh tranh chưa cao.

Hai nữa, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn giữ vai trò tác nhân chính, bởi vậy ruộng đất canh tác đa phần manh mún, điều này gây khó khăn cho quá trình ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa.

Xét đến yếu tố chủ quan, phải nhận thấy kế hoạch thực hiện đề án chưa thật cụ thể và nặng tính lồng ghép. Một số mô hình sản xuất bước đầu có hiệu quả nhưng việc nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các huyện miền núi.

Quan trọng hơn cả là nguồn lực triển khai vô cùng hạn hẹp, thậm chí đến hiện tại vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đầu tư và khuyến khích…

Lựa chọn quá nhiều sản phẩm không phải là phương án tối ưu. Ảnh: Việt Khánh.

Lựa chọn quá nhiều sản phẩm không phải là phương án tối ưu. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, nhấn mạnh: “Để phát triển bền vững trong giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cần xác định lại các sản phẩm chủ lực trong phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Phải xây dựng kế hoạch tập trung đầu tư phát triển gắn liền với tái cơ cấu ngành để từng bước nâng cao giá trị và đẩy nhanh tốc độ chất lượng tăng trưởng”.

Dựa trên các tiêu chí “cứng” (có khả năng cung cấp sản lượng lớn, an toàn, ổn định; gắn kết được giữa sản xuất với các cơ sở chế biến của tỉnh, của khu vực; chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản phẩm nông nghiệp…), ngành nông nghiệp địa phương đề xuất ưu tiên phát triển: lúa; ngô; mía; chè; nhóm cây rau, củ, quả và cây dược liệu; nhóm cây ăn quả tập trung; cây nguyên liệu gỗ; lợn; gia cầm; trâu; bò; tôm; cá.

Chung quan điểm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thành khẳng định việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nghệ An trong những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra sự bứt phá, chưa thúc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, chưa đóng góp rõ nét vào nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của tỉnh nhà.

Ông Thành cho rằng, Nghệ An xác định 12 cây, 8 con với 21 chỉ tiêu là quá rộng, trong khi Lâm Đồng chỉ gói gọn 4 đối tượng chủ lực, Quảng Trị hay Bắc Giang cũng chỉ lựa chọn 8 sản phẩm mà thôi.

Ôm đồm quá nhiều trong bối cảnh nguồn lực eo hẹp buộc quá trình đầu tư và hỗ trợ phải tiến hành dàn trải, thiếu tập trung, thiếu kết nối, đây là nguồn cơn dẫn đến khó thu hút doanh nghiệp.

“Dựa trên cơ sở thực tế, Nghệ An chỉ nên lựa chọn 6 đối tượng tham gia vào chuỗi sản phẩm chủ lực quốc gia là cây ăn quả, cây chè các loại, thịt và trứng gia cầm, tôm, thịt lợn, gỗ và sản phẩm từ gỗ”, ông Thành hiến kế.

Cây dược liệu cũng được đánh giá cao. Ảnh: Việt Khánh.

Cây dược liệu cũng được đánh giá cao. Ảnh: Việt Khánh.

Về phần mình, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Thế Trung “mổ xẻ” các vấn đề tồn đọng đang “bóp nghẹt” đà phát triển của cây trồng chủ lực trên địa bàn.

Ông Trung ghi nhận thương hiệu cam Vinh đã được người tiêu dùng khắp cả nước chấp nhận, tuy nhiên điểm mấu chốt là chưa xây dựng được hệ thống giống chất lượng, sạch bệnh. Về giống phải đánh giá, chọn tạo lại. Hiện giống cam Vinh quá nhiều hạt, yếu tố này không phù hợp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, ông Trung đề nghị chỉ trồng cam trên các vùng đất mới hoặc đất đã luân canh cây trồng khác sau một đến hai năm trở lên. Bên cạnh cây cam tỉnh có thể phát triển cây chanh không hạt, riêng cây chuối dù thị trường lớn nhưng dễ gãy đổ, do đó không phù hợp với các tỉnh phía Bắc, nhất là  Nghệ An.

Định hướng rõ ràng

Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam Hồ Xuân Hùng, người có nhiều năm gắn bó với tỉnh Nghệ An trên cương vị Chủ tịch UBND. Khi còn công tác tại địa phương, ông Hùng đau đáu: liệu Nghệ An có thể sớm thoát nghèo và giàu có được không, bằng cách nào? Nên tập trung phát triển ngành kinh tế nào? Sản phẩm nào là chính, cần ưu tiên?

Ông Hồ Xuân Hùng kiến nghị mặt hàng được chọn lửa phải đảm bảo tính cạnh tranh, có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Hồ Xuân Hùng kiến nghị mặt hàng được chọn lửa phải đảm bảo tính cạnh tranh, có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Quá trình theo dõi, ông nhận thấy địa phương đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng. Bước ngoặt chính là thời điểm Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên phạm vi cả nước, lúc này Nghệ An nhanh chóng rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh chính sách nhằm tạo ra bước đột phá lớn, vừa kế thừa vừa phát triển.

Điều này được thể hiện rõ nét qua việc hình thành vùng nguyên liệu mía tập trung, vùng chè chất lượng cao, hay rõ nét nhất là vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại Nghĩa Đàn, Thái Hòa.

Khác biệt hơn nữa, Nghệ An đã xác định được doanh nghiệp chính là nhân tố động lực tạo ra đột phá trong cơ cấu nông nghiệp sau quá nhiều năm thiên về kinh tế HTX. Chính sự góp mặt của TH, Vinamilk, Masan… đã thổi một luồng gió tươi mới, giúp gắn kết hiệu quả với các HTX và người nông dân.

Dù vậy những thành tựu thu về còn khá khiêm tốn, chưa đủ sức khỏa lấp những mặt hạn chế, mà quy hoạch “cây, con chủ lực” chính là thước đo.

Nhằm tránh dẫm vào vết xe đổ, ông Hùng kiến nghị Nghệ An phải xác định “Sản phẩm nông nghiệp chủ lực là sản phẩm mang tính cạnh tranh, đặc thù cao, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, có khả năng lan tỏa và thu hút các ngành nghề khác phát triển. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập và biến đổi khí hậu rõ rệt, nhất thiết phải gắn với tiêu chí xã hội và môi trường.

Phải làm rõ thêm mối quan hệ giữa sản phẩm chủ lực và sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc trưng, đặc sản để từ đó ban hành chính sách phù hợp, tránh trùng lặp, bỏ sót”.

Bò sữa là một sản phẩm điển hình. Ảnh: Việt Khánh.

Bò sữa là một sản phẩm điển hình. Ảnh: Việt Khánh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia mong muốn Nghệ An bạo dạn “đi tắt đón đầu” thông qua việc chủ động dự báo sản phẩm chủ lực trong lương lai, từ đó gợi mở cho nhà đầu tư hòa nhập với kế hoạch phát triển chung. Mía đường chính là ví dụ điển hình, đây thực chất là sản phẩm truyền thống nhưng thực sự vươn mình kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, tương tự là bò sữa sau cú đột phá đầy táo bạo của Tập đoàn TH…

Từ kết quả Hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Sở NN-PTNT xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đề án phát triển cây, con chủ lực giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT sẽ đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các cơ chế chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tham mưu ban hành các chính sách cụ thể.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.