| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu bưởi Bạch Đằng

Thứ Tư 15/12/2010 , 10:16 (GMT+7)

Theo thống kê, hiện toàn xã Bạch Đằng có hơn 450 hecta đất trồng bưởi (chiếm trên 50% diện tích đất tự nhiên) với 2 giống chính là bưởi đường da láng và bưởi đường lá cam.

Cù lao Bạch Đằng thuộc xã Bạch Đằng (Tân Uyên, Bình Dương) nằm dọc hai triền sông Đồng Nai vốn nổi tiếng với nghề trồng bưởi chân truyền qua nhiều thế hệ. Vừa qua, Sở KH – CN và Sở NN - PTNT tỉnh Bình Dương đã triển khai dự án xây dựng thương hiệu bưởi Bạch Đằng nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng sản phẩm.

Theo thống kê, hiện toàn xã Bạch Đằng có hơn 450 hecta đất trồng bưởi (chiếm trên 50% diện tích đất tự nhiên) với 2 giống chính là bưởi đường da láng và bưởi đường lá cam. Đây là hai giống bưởi phát triển tốt, ít sâu bệnh và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xứ cù lao. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND phụ trách mảng kinh tế xã Bạch Đằng cho biết, bưởi Bạch Đằng có truyền thống từ bao đời nay. Cứ qua mỗi thế hệ, giống bưởi địa phương được cải tiến, lai tạo cho hiệu quả năng suất cao hơn, nhưng vẫn giữ được hương vị và nét đặc trưng riêng.

Xác định đây là cây trồng chủ lực, trong hai năm qua địa phương đã không ngừng mở rộng diện tích canh tác, hướng đến năm 2011 là trên 550 hecta trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. “Hàng tháng, Uỷ ban xã phối hợp với cán bộ nông nghiệp xuống tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, trồng mới cây bưởi cho các hộ nông dân. Qua ba mùa bưởi, năng suất và hiệu quả kinh tế đã tăng nhanh. Chúng tôi đang nỗ lực đưa cây bưởi trở thành cây xóa nghèo cho địa phương”, ông Long cho biết thêm.

Từ đầu năm 2008, Hội Nông tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Sở NN – PTNT và bà con nông dân đưa giống bưởi Bạch Đằng tham gia các hội chợ triển lãm như: Hội thi trái cây ngon, Triển lãm đặc sản trái cây vùng miền… Đây là một trong những hoạt động nhằm tạo thương hiệu và nâng cao vị trí của bưởi Bạch Đằng trên thị trường. Bưởi Bạch Đằng được du khách và người tiêu dùng đánh giá cao bởi chất lượng và vị ngọt đậm đà. Để xây dựng thành công thương hiệu bưởi Bạch Đằng, vừa qua Trung tâm Khuyến nông và Sở NN - PTNT Bình Dương đã đầu tư cây giống, vốn và chuyển giao KHKT cho nông dân nhằm thiết lập những vườn bưởi đặc sản.

Vị thế của bưởi Bạch Đằng đang ngày một nâng cao khi nhiều đầu mối cung cấp hoa quả ở Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai… đã tìm đến đặt hàng với số lượng lớn. Nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm đã phần nào được giải quyết. Nhưng người dân trồng bưởi vẫn băn khoăn vì giá cả thu mua chưa được cao. So với các giống bưởi khác như: Năm Roi, Phúc Trạch… thì giá bưởi Bạch Đằng vẫn đang ở mức thấp hơn. Nếu khẳng định được thương hiệu bưởi Bạch Đằng thì người dân xứ cù lao này sẽ yên tâm sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình.
Hiện Bạch Đằng đang triển khai hơn 30 hecta trong dự án trồng mới hơn 100 hecta bưởi. Hầu hết các vườn bưởi ở xứ cù lao đã già cỗi, cho năng suất thấp nên người dân đang dần chặt bỏ, thay thế bằng các giống mới năng suất cao hơn. Chương trình sản xuất bưởi theo mô hình VietGAP được coi là bước đi đầu tiên trong kế hoạch xây dựng vùng bưởi đặc sản Bạch Đằng. Thống kê của cán bộ nông nghiệp xã cho thấy có gần 50 hộ ở Cù lao đang tham gia vào dự án này.

Ông Ngô Minh Hùng (ấp Tân Trạch) - chủ vựa bưởi ở Bạch Đằng cho biết: “Năm 1992, tôi kế thừa vườn bưởi của cha ông để lại, chật vật xoay sở mãi tôi cũng vay được gần 2 triệu đồng để cải tạo vườn. Khởi đầu, để có thêm thu nhập, tôi trồng xen canh cây cà chua, cây hoa màu ngắn ngày. Sau 5 năm, chúng tôi bắt đầu thu hoạch vụ mùa đầu tiên, năm ấy trúng vụ lãi hơn 50 triệu. Hiện gia đình tôi có gần 2 hecta bưởi, trung bình mỗi vụ thu hoạch từ 400 – 500 triệu đồng, trừ chi phí vốn, phân bón vẫn lãi hơn nhiều loại cây trồng khác”.

"Muốn phát triển thương hiệu bưởi Bạch Đằng không thể chỉ dựa vào sức mình mà phải phối hợp với các đơn vị kỹ thuật, khuyến nông để sản phẩm đạt chất lượng, đúng quy định", ông Hùng nói thêm. Cùng thời với ông Hùng còn có nhiều “vua bưởi” khác như: ông Lựu (ấp An Cư), ông Hai Lớn (ấp Bình Chữ)… Các ông đã ứng dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm dân gian để phát triển vườn bưởi của mình. Theo ông Lựu, cây bưởi Bạch Đằng có được nét riêng bởi đất ở xứ cù lao được sông Đồng Nai bồi đắp hàng năm và thiên nhiên đã dành nhiều ưu đãi cho mảnh đất này.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm