| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh không thể thiếu thú y cơ sở

Thứ Năm 05/10/2023 , 18:29 (GMT+7)

Ông Võ Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng 5 cho rằng, thú y cơ sở là tai, mắt, đôi chân của ngành thú y, nhưng chế độ chưa tương xứng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tương đối tốt, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, việc xây dựng và nhân rộng những cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên khắp cả nước nói chung, Tây Nguyên nói riêng là đòi hỏi cấp thiết, từ đó tạo nền tảng hướng tới xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật đến các thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như: Lực lượng thú y cơ sở mỏng, một số cơ chế, chính sách còn những lỗ hỏng nhất định, chưa tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư cũng như có chiến lược dài hơi, quy mô chăn nuôi chủ yếu vẫn ở hình thức nông hộ, nhỏ lẻ…

Tây Nguyên đang tồn tại song song hai mô hình, một là chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hai là theo hướng tự cung tự cấp. Ảnh: Hồng Thắm.

Tây Nguyên đang tồn tại song song hai mô hình, một là chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hai là theo hướng tự cung tự cấp. Ảnh: Hồng Thắm.

Hiện nay, tại khu vực Tây Nguyên đã có một số doanh nghiệp chăn nuôi chủ động đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong khi đó, các trại tư nhân, nông hộ chưa thực sự quan tâm do giá cả thị trường không ổn định, giá bán sản phẩm từ cơ sở an toàn dịch bệnh chưa có sự khác biệt nhiều so với các sản phẩm bình thường...

Bàn giải pháp gỡ khó, ông Võ Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng 5 (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT) cho hay, tại các tỉnh Tây Nguyên đang tồn tại song song hai mô hình, một là chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hai là theo hướng tự cung tự cấp, quy mô nhỏ.

Theo đó, việc tuyên tuyền, vận động, có những chính sách phù hợp để đưa các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tập hợp thành hợp tác xã, tổ hợp tác là hướng đi cần thiết.

Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, muốn khống chế được dịch bệnh phải xây dựng được vùng đệm, trong đó cũng có những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và phải có những chính sách để bảo vệ được các cơ sở an toàn dịch bệnh.

“Sản phẩm động vật khi xuất khẩu yêu cầu đầu tiên buộc phải đáp ứng là phải xuất phát từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh và đánh giá cả vùng đệm. Chúng ta đang dừng lại ở bước xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh và động vật nằm trong cơ sở đó thôi, còn vùng đệm chưa động chạm gì tới", ông Cường nói thêm.

Hơn nữa, sản phẩm muốn vươn tới xuất khẩu một số nước yêu cầu rất khắt khe. Đối với bệnh, họ yêu cầu giám sát lưu hành mầm bệnh chứ không giám sát bằng vacxin.

Ví dụ, gà của Công ty An Phú (Lâm Đồng) nằm trong chuỗi liên kết xuất khẩu qua Nhật Bản yêu cầu phải đảm bảo an toàn với bệnh cúm gia cầm nhưng không được dùng vắc xin.

5 tỉnh Tây Nguyên hiện chưa có sự đồng nhất về hệ thống thú y, cần phải kiện toàn lại. Ảnh: Hồng Thắm.

5 tỉnh Tây Nguyên hiện chưa có sự đồng nhất về hệ thống thú y, cần phải kiện toàn lại. Ảnh: Hồng Thắm.

Còn theo ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk, để xây dựng và nhân rộng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thứ nhất cần đồng bộ bộ máy.

Thứ hai khuyến khích các cơ sở tham gia, thực hiện đúng quy định của Nhà nước về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo tinh thần xã hội hóa là chính. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có một số hỗ trợ cần thiết như tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ cho thú y viên cơ sở bởi đây là lực lượng chính trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Thứ ba, trong tương lai, kiểm dịch động vật cần phải đồng bộ với xây dựng các nhà máy giết mổ, sơ chế, chế biến sâu, thậm chí cấp đông, logistics... theo quy mô đàn từng vùng tương thích với công suất của nhà máy.

Thứ tư, từng bước giảm dần việc vận chuyển động vật sống từ tỉnh này qua tỉnh khác để tiêu thụ với mục đích giết mổ, trừ động vật làm giống.

“Đề nghị cả hệ thống chính trị, trong đó chính quyền các cấp, ủy ban nhân dân cấp xã, huyện cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện, tuyên tuyền tổ chức thực hiện Luật Thú y, đồng thời có những chế tài đủ mạnh để tổ chức, cá nhân tuân thủ hiến pháp và pháp luật”, ông Sơn kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Cường cho rằng, cần kiện toàn hệ thống thú y, 5 tỉnh Tây Nguyên hiện chưa có sự đồng nhất; đồng thời cũng cần có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung.

“Hệ thống thú ý cũng là một bài toán khó, thú y cơ sở là tai, mắt, đôi chân của ngành thú y nhưng hiện nay chế độ chưa tương xứng, làm sao có thể chỉ hô khẩu hiệu mà làm được”, ông Cường nói.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.