| Hotline: 0983.970.780

Bắt tay xây dựng vùng ngô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên

Thứ Sáu 30/09/2022 , 21:15 (GMT+7)

Tập đoàn De Heus Việt Nam sẽ phối hợp với Tổ chức Agriterra xây dựng vùng ngô nguyên liệu lớn làm thức ăn chăn nuôi tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.

Cấp thiết xây dựng vùng ngô nguyên liệu lớn cho thức ăn chăn nuôi

Ngày 30/9, Tập đoàn De Heus Việt Nam và Viện Nghiên cứu ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã có buổi làm việc nhằm chuẩn bị các công tác triển khai dự án xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn gắn liền với mô hình HTX tại khu vực Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Viện Nghiên cứu ngô, hiện nay, Viện đang có gần 100 giống ngô, trong đó 30 giống đang được phối hợp để triển khai kinh doanh, sản xuất với các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước. Nhiều giống ngô ưu việt đã và đang được ứng dụng vào sản xuất trong vòng 30 năm nay.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô, trong quá trình nghiên cứu, chọn tạo, phần lớn các sản phẩm giống ngô của Viện đều được chuyển giao. Hàng năm, hàng chục giống ngô được công nhận lưu hành, đặc biệt là các giống ngô sinh khối năng suất cao.

Các giống ngô sinh khối mới xuất hiện vài năm gần đây dựa trên nhu cầu cao về thức ăn xanh, trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng. Các giống ngô sinh khối hiện nay là những giống có thân to, năng suất sinh khối lớn.

“Hiện nay, Viện đang nghiên cứu giống ngô sinh khối chuyên biệt để phục vụ các đơn vị, trang trại có nhu cầu sinh khối. Giống ngô sinh khối không chỉ có năng suất sinh khối cao mà còn cần chú trọng đến chất lượng, giúp phát triển tốt cho vật nuôi”, ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ 

Bên cạnh nhu cầu ngô hạt, nhu cầu ngô sinh khối cho chăn nuôi ngày càng lớn tại nước ta. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bên cạnh nhu cầu ngô hạt, nhu cầu ngô sinh khối cho chăn nuôi ngày càng lớn tại nước ta. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đó, ông Thắng nhấn mạnh cần phải xây dựng các vùng chuyên sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong quy hoạch cần xác định và duy trì sản xuất ngô tại các vùng có năng suất cao. Các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh và nhu cầu lớn về ngô nguyên liệu hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển, xây dựng vùng nguyên liệu như vậy. Bên cạnh đó, việc hợp tác phát triển, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô nguyên liệu cũng là mong muốn của Viện Nghiên cứu ngô.

Ông Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô cho biết, ngoài công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cán bộ Viện sẵn sàng tư vấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp từ giống, quy hoạch vùng trồng, các chương trình khuyến nông… để đồng hành cùng các đơn vị.

“Hiện nay, ngoài ngô lấy hạt, các giống ngô sinh khối đang được Viện đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển. Mặc dù là loại hình sản phẩm mới nhưng đây là các sản phẩm đã đạt được hiệu quả cao và các doanh nghiệp cũng có nhu cầu lớn. Đó cũng là hướng phát triển tiềm năng của cây ngô trong tương lai. Mấu chốt để phát triển ngô sinh khối là cần quy hoạch vùng sản xuất, triển khai cơ giới hóa đồng bộ và sự cam kết đảm bảo đầu ra từ phía doanh nghiệp”, ông Vương Huy Minh nhấn mạnh.

Ông Vương Huy Minh chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Vương Huy Minh chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cái bắt tay của doanh nghiệp với nhà khoa học

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn De Heus Việt Nam, hiện nay, nhu cầu về ngô của doanh nghiệp là khoảng 1,2 triệu tấn/năm, tương đương diện tích sản xuất lên đến 100.000ha. Thực tế, chi phí để doanh nghiệp nhập khẩu ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là rất lớn, trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn có thế mạnh để phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung và sản phẩm ngô nói riêng.

Ông Hiếu cho rằng, hiện nay Việt Nam có diện tích trồng ngô không lớn và những năm qua còn có xu hướng giảm về diện tích do giá ngô rẻ, đầu ra bấp bênh, chưa xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Ông Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ về chiến lược xây dựng vùng ngô nguyên liệu của Tập đoàn De Heus Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ về chiến lược xây dựng vùng ngô nguyên liệu của Tập đoàn De Heus Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong khi đó, hiện nay, nhu cầu ngô nguyên liệu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày thiếu hụt do ngô ngoài là thức ăn cho người, thức ăn chăn nuôi, còn được sử dụng làm xăng sinh học. Cùng với biến đổi khí hậu, nguồn cung ngô nguyên liệu của thế giới đã đến ngưỡng tối đa.

“Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại chiến lược phát triển thức ăn chăn nuôi nói chung và nguyên liệu ngô nói riêng để có thể đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, giảm phụ thuộc vào nguồn cung ngô nguyên liệu, tạo việc làm cho nông dân”, ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh.

Theo đó, trong thời gian tới, Tập đoàn De Heus Việt Nam sẽ phối hợp với Tổ chức phát triển HTX Hà Lan Agriterra xây dựng vùng ngô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên cơ sở phát triển các HTX tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.

Trong xu hướng phát triển, Tập đoàn cũng bày tỏ mong muốn cùng chung tay với Bộ NN-PTNT triển khai dự án để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời ổn định một phần nguồn cung ngô nguyên liệu cho doanh nghiệp...

Tập đoàn De Heus Việt Nam sẽ phối hợp với Tổ chức phát triển HTX Hà Lan Agriterra xây dựng vùng ngô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên cơ sở phát triển các HTX tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tập đoàn De Heus Việt Nam sẽ phối hợp với Tổ chức phát triển HTX Hà Lan Agriterra xây dựng vùng ngô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên cơ sở phát triển các HTX tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tập đoàn De Heus nêu 4 định hướng mong muốn hợp tác với Viện Nghiên cứu ngô trong thời gian tới.

Thứ nhất, Tập đoàn mong muốn Viện Nghiên cứu ngô tư vấn những loại giống phù hợp với vùng đất Tây Nguyên. Theo đó, Tập đoàn sẽ đề nghị các HTX sản xuất ngô nơi đây sử dụng giống mà Viện đưa ra để sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Thứ hai, Tập đoàn mong muốn Viện sẽ cùng song hành, phối hợp nghiên cứu các giống ngô mới phù hợp với khí hậu, vùng miền cụ thể trên cả nước, đồng thời cải thiện những yêu cầu về chỉ tiêu dinh dưỡng, tối ưu hóa công thức thức ăn chăn nuôi, giảm giá thành cho người chăn nuôi, giảm khối lượng chất thải, giảm ô nhiễm môi trường...

Thứ ba, Tập đoàn mong muốn Viện chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng trọt để đảm bảo năng suất, chất lượng đến những khâu cuối cùng để có ngô sấy thành phẩm, giảm hao hụt sau thu hoạch, giảm yếu tố có hại cho vật nuôi.

Thứ tư, Tập đoàn mong Viện sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với 20 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn hiện đang trải dài trên cả nước.

Ông Thái Hồng Lam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Thái Hồng Lam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Thái Hồng Lam, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Tổ chức phát triển HTX Hà Lan Agriterra cho biết, thông qua dự án, Bộ NN-PTNT và doanh nghiệp thể hiện mong muốn phát triển vùng nguyên liệu để từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn ngô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, đồng thời tạo sinh kế, thu nhập cho nông dân thông qua mô hình HTX.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất