| Hotline: 0983.970.780

Xe lăn gieo chữ xóm nghèo

Thứ Ba 10/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hơn hai mươi năm nay, lớp học tại nhà của cô Huỳnh Thị Xinh (50 tuổi) nằm ở xóm liền kề Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười của học sinh.

Chưa bao giờ được công nhận là nhà giáo, chưa một lần được đứng ở bục giảng trường học nhưng ở cái xóm nghèo đó, đi đâu, cô Xinh cũng được người ta gọi đầy kính trọng là cô giáo.

Giấc mơ dang dở

Đến xóm lao động nghèo Xuân Thiều nằm bên bờ biển Đà Nẵng chúng tôi hỏi thăm đường đến nhà cô giáo Xinh. Tất cả mọi người ở đây, từ người già đến mấy đứa trẻ ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường.

Một cậu bé chừng 8 tuổi đang chơi với bạn tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi. “Cô Xinh dạy học cho em đó. Nhờ cô dạy thêm mà em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Học thêm nhưng cô cũng nghiêm khắc lắm”, cậu học trò lém lỉnh nói.

Ngôi nhà cô Xinh nằm giữa dãy nhà liền kề Xuân Thiều. Đón chúng tôi là người phụ nữ trạc tuổi ngũ tuần đang ngồi trên xe lăn. Mời khách vào nhà, cô tự mình điều khiển xe lăn đi vào mà không cần sự giúp đỡ.

Từ lúc mới sinh ra, Xinh đã không được may mắn như những đứa trẻ khác. Hình hài, khuôn mặt, đôi tay của cô bé như người bình thường nhưng đôi chân cứ mềm oặt, không thể cử động được. Suốt những năm tháng tuổi thơ, Xinh phải chịu cảnh ngồi yên một chỗ, cha mẹ đặt đâu thì ngồi đó. Xinh thèm lắm cái cảm giác được tự do nô đùa, vui chơi với các anh chị, bạn bè hàng xóm.

Nhìn thấy các bạn cùng tuổi được đi học, Xinh nhất quyết đòi cha mẹ đưa mình đến trường. Bố mẹ Xinh từ chối vì sợ cô bị bị bạn bè bắt nạt không thể học được. Cô bé Xinh lúc đó mới 7 tuổi đã bỏ ăn, bỏ uống, chỉ nằm khóc trên giường, ai dỗ kiểu gì cũng không chịu nín. Trước quyết tâm của con gái, bố mẹ cô đưa con gái đến trường xin nhập học.

“Được đến trường là hạnh phúc lớn nhất của tôi kể từ khi sinh ra. Những ngày đầu đến trường tôi bị nhiều bạn bè trêu chọc khiến mình cảm thấy tự ti. Nhưng khi các bạn đã hiểu, họ rất thương tôi, luôn tranh nhau giúp tôi những việc trong lớp. Ở đó tôi được thầy cô dạy dỗ không chỉ kiến thức mà còn đạo lý làm người. Tôi có thêm những người bạn tốt mà họ vẫn còn giúp đỡ cho tôi đến tận bây giờ. Nếu ngày đó tôi không được đi học thì có lẽ cuộc đời đã đi sang một ngã rẽ khác không có nhiều niềm vui như bây giờ”, cô Xinh nói.

Đôi chân tật nguyền nhưng trong suốt 12 năm liền, Xinh luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi khiến bạn bè, thầy cô vô cùng ngưỡng mộ.

Cũng như bao cô cậu học sinh, Xinh mơ ước mình sẽ trở thành cô giáo để được dạy học. Vậy nhưng giấc mơ đó không thành hiện thực cũng vì đôi chân tật nguyền.

“Ngày đó chưa có quy định cho phép người khuyết tật được thi đại học. Tôi cầu cứu khắp nơi nhưng đành thất vọng trở về. Những ngày đó tôi chỉ nằm một chỗ, nước mắt đầm đìa. Các bạn tôi thi đỗ trường sư phạm cũng không ai dám ăn mừng vì sợ tôi buồn”, cô Xinh tâm sự.

Xe lăn gieo chữ ở xóm lao động nghèo

Dang dở ước mơ vào đại học bởi đôi chân tật nguyền nhưng cô Xinh chưa bao giờ ngừng mong muốn được làm một cô giáo. Cô Xinh xin theo những người bạn để học thêm nghiệp vụ sư phạm.

“Ngày đó, bạn bè tôi theo học sư phạm rất nhiều. Sau giờ học ở trường, họ đến nhà tôi chỉ dẫn lại những kiến thức học được ở lớp”, cô Xinh cho biết.

12-34-10_1
Cô giáo Xinh miệt mài bên sách vở

Không được đến trường nhưng ngày nào cô cũng chăm chỉ vào sách vở như chính những sinh viên thực thụ. Ngày bạn bè ra trường cũng là ngày những giờ học của cô Xinh với bạn bè kết thúc. Họ đùa vui “chẳng còn gì để dạy cho cô nữa”.

Bạn bè cô Xinh lại lần lượt xin được việc làm, trở thành giáo viên đứng trên bục giảng. Cô Xinh cũng làm hồ sơ xin dạy học, nhưng đi đến đâu cũng bị từ chối vì không có bằng đại học.

Không cam chịu số phận, cô Xinh bắt đầu “nghề giáo” theo cách riêng của mình bằng những buổi dậy chữ cho mấy đứa cháu trong gia đình.

Những tiếng ê a đánh vần trong căn nhà nhỏ của cô Xinh rồi cũng đến tai hàng xóm. Thấy cô ham học lại kiên trì, hàng xóm bắt đầu nhờ cô dạy cho con họ kiến thức ở nhà. Thế rồi bắt đầu từ đấy, cô trở thành cô giáo của xóm lao động nghèo.

Vì chưa một lần được đứng trên bục giảng nhà trường thực thụ nên cô đã cố hết mình tìm hiểu những kiến thức cần thiết của một nhà giáo. Hành trình trên chiếc xe lăn, cô lại đến từng nhà người bạn để học hỏi, cập nhật những kiến thức mới nhất cho kịp với chương trình giáo dục mới.

Lớp học ban đầu chỉ là vài đứa trẻ nhà hàng xóm từ lớp 1 đến lớp 5. Sau đó, cô Xinh nhận dạy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Học trò đến với cô Xinh cũng gắn bó với cô thời gian khá dài, từ khi bước chân vào lớp 1 đến lúc rời trường THCS. Với các em, cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn giống nhưng một người thân, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn.

“Xóm này chủ yếu là dân lao động phổ thông nên thời gian họ dành cho con cái rất ít. Phụ huynh không quan tâm đến các em ngay từ đầu nên khi bước vào lớp 1, sức học các em khá yếu. Chính vì thế ngoài truyền đạt kiến thức, tôi còn theo sát, bảo ban các em trong cuộc sống. Ban đầu nhiều người còn nghi ngờ tôi không biết dạy nhưng kết quả học tập của con em khiến họ tin vào tôi”, cô Xinh cho biết.

Một trong những học sinh cô giáo Xinh thương cảm nhất là Phạm Trần Phi Long, đã gắn bó với cô từ gần 7 năm nay. Hoàn cảnh của Long rất đáng thương vì mồ côi cha. Mẹ là lao động chính nuôi con bằng nghề lao công. Thế rồi trong một lần đi làm, mẹ Long bị tai nạn phải nằm nhà suốt thời gian dài, không làm được việc nặng. Từ đó, cô giáo Xinh vừa phải bên cạnh động viên Long, vừa là chỗ dựa cho cậu học sinh bất hạnh.

Biết học trò có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Xinh không lấy tiền học phí của các em học sinh nghèo. Phụ huynh nào có điều kiện khá giả, đưa học phí bao nhiêu cô nhận bấy nhiêu, chưa một lần đòi thêm.

Cứ thế, cô giáo Xinh luôn bên cạnh, an ủi và khỏa lấp đi nỗi bất hạnh của những học trò nghèo đáng thương. Với những em có ý định bỏ học, cô đem lời khuyên răn, tâm sự. Cái xóm nghèo rồi cũng có nhiều em vào đại học, cao đẳng, không còn bỏ học giữa chừng.

“Niềm vui của tôi là những lúc nhận được tin báo: Em đậu đại học rồi cô ạ”, cô Xinh rơm rớm nước mắt. Hạnh phúc với cô chỉ là những lúc như thế.

Mỗi buổi chiều, cô đẩy chiếc xe lăn ra cổng đón học trò vào lớp với nụ cười hiền hòa. Trong căn nhà nhỏ, nếu không có tiếng bi bô của những lớp học chắc có lẽ cô giáo Xinh sẽ không có những nụ cười như thế.

“Hạnh phúc lớn nhất đời tôi là được nghe học trò, được nghe phụ huynh ở đây gọi bằng cô giáo. Đi đâu, làm gì cũng được mọi người gật đầu chào”, cô tâm sự.

Có lẽ chính bởi niềm hạnh phúc giản đơn đó mà cô quên đi những khó nhọc trong cuộc sống, quên đi đôi chân thỉnh thoảng đau lên vì trái gió trở trời để đêm đến cô lại miệt mài bên những trang giáo án không tên. Gom góp tiền học phí, cô Xinh dành mua những món quà nhỏ, khi thì cây bút, quyển vở hoặc quần áo để làm phần thưởng cho các em. Học trò nào có sự tiến bộ trong học tập, được nhà trường khen ngợi thì cô giáo Xinh cũng sẽ trao phần thưởng cho các em.

Cô Xinh bảo: “Điểm 10 và điểm 0  đều nhận được phần thưởng. Điểm 0 sẽ thưởng một roi của cô”. Nói là như thế nhưng “roi” của cô giáo là lời nhắc nhở cho các em phải cố công học tập, vượt qua những khó khăn để trở thành người có ích.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm