| Hotline: 0983.970.780

Xem xét ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil

Thứ Tư 22/03/2017 , 09:35 (GMT+7)

Liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn bị phanh phui tại Brazil rúng động thế giới, Cục Thú y khẳng định đang chỉ đạo quyết liệt hệ thống thú y cả nước tăng cường kiểm soát...

Liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn bị phanh phui tại Brazil rúng động thế giới, Cục Thú y khẳng định đang chỉ đạo quyết liệt hệ thống thú y cả nước tăng cường kiểm soát thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ nước này, đồng thời sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét ngừng nhập khẩu.
 

Chưa phát hiện thịt bẩn

Cho đến nay, Brazil vẫn là quốc gia được Tổ chức thú y thế giới (OIE) đánh giá và công nhận kiểm soát tốt về dịch bệnh động vật. Do vậy, nhiều nước trên thế giới đã đánh giá, xem xét và cho phép nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ Brazil, như thịt gà, thịt lợn, thịt bò. Hiện tại, Brazil đã xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm tới 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.


Ảnh minh họa
 

Năm 2016, Brazil là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thịt bò với sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn thịt bò, đồng thời cũng là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thịt gà với sản lượng xuất khẩu trên 4 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu thịt từ Brazil chủ yếu sang châu Âu, Nga, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore,…

Đối với thịt và sản phẩm thịt từ Brazil để xuất khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu. Theo đó các nhà máy sản xuất thịt của Brazil phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt, nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil, chủ yếu vào các tỉnh phía Nam. Như vậy, lượng thịt nhập khẩu từ Brazil của Việt Nam là rất nhỏ so với tổng số gần 6 triệu tấn thịt từ Brazil xuất khẩu hàng năm tới các nước trên thế giới.

Tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu. Đến nay các cơ quan thú y vùng chưa phát hiện lô hàng nào không đạt.
 

Tăng cường các biện pháp kiểm soát

Cục thú y khẳng định, ngay sau khi có thông tin về việc phát hiện một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil sử dụng chất có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Cục đã tổ chức họp khẩn cấp để chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường hơn nữa việc kiểm soát thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil.

Ngày 20/3/2017, Cục Thú y đã ban hành Công văn số 485/TY-KD chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhất là các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam, trong đó có nội dung: Giao các Cơ quan Thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng tăng cường kiểm soát thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam. Nếu phát hiện sản phẩm của nhà máy giết mổ, chế biến thịt JBS SA và BRF SA thì niêm phong, cấm tiêu thụ, tạm ngừng nhập khẩu.

Đến nay đã có một số nước đã hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu thịt từ một số nhà máy giết mổ, chế biến thịt từ Brazil như Hàn Quốc, EU, Chile, Trung Quốc… Cục Thú y đang đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm giống như một số nước nêu trên.

Chưa có trường hợp tử vong hoặc mắc bệnh

Sau khi vụ bê bối thịt bẩn bị phanh phui, Chính phủ Brazil đã yêu cầu 21 cơ sở chế biến ngừng mọi hoạt động xuất khẩu thịt. Trước đó, cảnh sát Brazil đã tố cáo các hãng BRF SA và JBS SA cùng hàng chục Cty khác đã hối lộ các thanh tra viên và nhiều chính trị gia liên quan tới ngành công nghiệp chế biến thịt của nước này để họ phớt lờ quy trình kiểm định chất lượng. Giới chức Brazil cho biết hiện chưa phát hiện có trường hợp tử vong hoặc mắc bệnh nào liên quan đến lượng thịt ô nhiễm trong cuộc điều tra.

Thịt là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Brazil. Năm 2016, doanh thu xuất khẩu thịt của nước này đạt 13,9 tỷ USD.

Lấy mẫu tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil

Ông Bạch Đức Lữu - Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI cho hay, năm 2016 cơ quan đã xét nghiệm 193 mẫu đối với các sản phẩm động vật nhập khẩu và chỉ phát hiện 1 mẫu thịt bò từ Mỹ là vượt ngưỡng cho phép và đã báo cáo Cục Thú y xử lý.

"Ngoài công tác kiểm dịch thông thường theo quy định chúng tôi còn giám sát chất tồn dư. Sau khi có chỉ đạo của Cục Thú y, chúng tôi đã tăng cường tần suất kiểm tra, lấy mẫu. Hiện tại lô hàng nào cũng lấy mẫu. Đến nay chúng ta chưa biết các Cty của Brazil sử dụng những loại kháng sinh, chất cấm gì nên cũng khó khăn cho việc kiểm soát. Tuy nhiên với trang thiết bị máy móc hiện đại mới được nhà nước đầu tư chúng tôi sẽ sàng lọc kỹ càng kháng sinh và chất cấm trong thịt nhập khẩu từ Brazil", ông Lữu nói.

 

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.