| Hotline: 0983.970.780

Xi măng không phải chất cải tạo đất càng không phải phân bón

Thứ Hai 18/01/2016 , 06:19 (GMT+7)

Thành phần của xi măng bao gồm Ca, Si, Fe, Al... Nằm trong các khoáng C2S, C3S, C3A, C5AF... Hoàn toàn không tan trong nước và trong dịch rễ cây, nếu bón vào đất còn làm hại đất.

Thời gian gần đây ngành nông nghiệp rộ lên thông tin một số hộ nông dân tại tỉnh Đồng Tháp dùng xi măng thay cho phân bón tạo ra những tranh cãi nhất định. Nhân vụ việc này, một số chuyên gia có ý kiến giúp nông dân phân biệt được giữa xi măng, chất cải tạo đất và phân bón.

NGUY HIỂM KHÔN LƯỜNG

Tổng GĐ Cty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển, Hoàng Văn Tại khẳng định, xi măng là chất kết dính dùng trong xây dựng, hoàn toàn không liên quan đến phân bón và chất cải tạo đất. Nguyên liệu chính để sản xuất xi măng là đất sét, đá vôi và một số phụ gia khác.

Cũng theo ông Tại, thành phần của xi măng bao gồm Ca, Si, Fe, Al... Nằm trong các khoáng C2S, C3S, C3A, C5AF... Hoàn toàn không tan trong nước và trong dịch rễ cây nên không có tác dụng với cây trồng và cũng không có tác dụng cải tạo đất. Ngược lại nếu bón vào đất còn làm hại đất.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Mạnh Ninh, GĐ Cty CP Phân lân Ninh Bình cảnh báo, do là chất kết dính nên nếu nông dân bón xi măng xuống đồng ruộng, khi gặp nước các chất khoáng xi măng sẽ đóng rắn thành khối rắn chắc sẽ làm chai cứng đất, thoái hóa đất rất khó để cải tạo lại như cũ. 

“Phân bón là thức ăn cho cây và cũng có thể là chất cải tạo đất. Chất cải tạo đất thì có thể chỉ đơn tác dụng và cũng có chất đa tác dụng. Người nông dân phải đọc kỹ công dụng, thành phần và hướng dẫn trên bao bì để hiểu tác dụng chính”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa khuyến cáo.

Bổ sung chi tiết khoa học khẳng định xi măng không phải phân bón, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (Sở KH-CN TP.HCM) cho rằng, việc một số hộ nông dân ở Đồng Tháp dùng xi măng làm phân bón cho lúa và một số hộ nông dân ở Bình Định bón cho lạc (đậu phộng) rất nguy hiểm vì trong thành phần của xi măng có các thành phần làm ảnh hưởng tới sức khỏe của cây trồng và đất trồng.

Đáng kể nhất là 2 nguyên tố Al và Fe (có trong 3CaO.Al2O3 và 4CaO.Al2O3.Fe2O3) sẽ bị phóng thích ra khi pH đất xuống thấp (khi pH < 4) và trở thành 2 độc tố nguy hiểm cho cây sống trong điều kiện đất phèn vậy.

Do vậy, theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nếu sử dụng xi măng bón cho lúa và cho lạc như một số bà con nông dân đã bón có thể ở một hai vụ đầu thấy tốt, nhưng nếu tiếp tục bón vô cùng nguy hại đến sức khỏe của đất trồng.

 
14-22-34_cux145286797514-22-34_143c6bb09
Việc dùng xi măng thay phân bón sẽ khiến đất bị ngộ độc, suy thoái nặng nề (hình minh họa)


BẢN CHẤT CỦA CHẤT CẢI TẠO ĐẤT

Nhân việc người nông dân dũng xi măng bón cho lúa và lạc, Tổng GĐ Hoàng Văn Tại đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ giữa chất cải tạo đất và phân bón. Bởi phân bón là các sản phẩm chế biến chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng như N, P2O5, K2O, CaO, MgO, S, Fe, Zn, Cu, B, Mo... dưới dạng dễ tiêu mà khi bón vào đất cây cối dễ dàng hấp thụ để sinh trưởng.

Còn chất cải tạo đất gồm các sản phẩm sẵn có trong tự nhiên hoặc chế biến đưa vào đất nhằm mục đích cải tạo một số tính chất nào đó của đất. Ví dụ, để khử chua ta dùng vôi bột; để chống lầy thụt có thể dùng phốt phát hoặc apatit nghiền; để tăng độ mùn, xốp ta dùng xác thực vật hoai mục, trồng cây che phủ; để rửa mặn ta dùng nước ngọt "ém phèn tầng sâu, rửa phèn tầng mặt"...

Một trong những điều kiện để trở thành chất cải tạo đất là chúng có thể chứa các chất dinh dưỡng ở mức thấp chưa đến ngưỡng để đươc coi như là phân bón và không hoặc chứa rất ít các thành phần có hại cho đất như có thể phá huỷ kết cấu, chứa kim loại nặng độc hại...

“Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chất cải tạo đất khác nhau gồm chất khử chua phèn như vôi, đá vôi nghiền; chất khử kiềm như thạch cao...; chất giữ ẩm; chất tăng độ mùn hữu cơ như: mùn rác, rơm rạ, than bùn.... Nhưng xi măng không có bất cứ tài liệu nào liệt vào danh sách này cả. Việc dùng xi măng làm phân bón chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam mà thôi!”, ông Hoàng Văn Tại.

Tuy nhiên, nếu người nông dân dùng chất cải tạo đất sai mục đích, không phù hợp với loại đất và mục đích cải tạo; lạm dụng, sử dụng quá nhiều... sẽ lại gây hại cho đất và cây trồng.

Đặc biệt, gần đây những nhà quản lý nông nghiệp có sự nhầm lẫn xếp chất cải tạo đất vào cùng danh mục với các loại phân bón. Điều này cực kỳ nguy hiểm trong quản lý và cải tạo đất đai, đánh đồng phân bón với chất cải tạo đất và là nguyên nhân bùng phát các loại phân bón rởm giả, chất cải tạo đất đội lốt phân bón như lân vôi canxi, lân supe canxi, vôi lân canxi magie silic... Nhưng thành phần chỉ là nghiền đá đôlomit, đá secpentin, cao lanh, đá vôi chưa qua chế biến.

“Thực tế vừa qua báo chí phản ánh về các sản phẩm phân bón trung vi lượng đội lốt phân lân làm loạn Tây Nguyên nhưng thực ra chỉ là chất cải tạo đất. Bằng chiêu khuyến mại, chiết khấu cao đánh vào lòng tham các đại lý lừa nông dân để lãi nhiều.

Nếu nông dân chỉ mua sử dụng ít thì ảnh hưởng nhỏ, nhưng nhiều người tham rẻ sử dùng nhiều thì đúng là tiền mất, tật mang, vườn cây rụng lá, rụng quả, thậm chí chết cây và ruộng nương, đất đai thì hỏng, chưa biết bao giờ mới khắc phục trở lại.

Thực tế, khi một đơn vị quản lý nhà nước dự định xếp chất cải tạo đất vào cùng danh mục phân bón, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nhưng rồi điều tồi tệ này cuối cùng vẫn xảy ra nên giờ đây sẽ mất nhiều thời gian khắc phục lại sai lầm này”, ông Hoàng Văn Tại.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.