| Hotline: 0983.970.780

Xín Mần trồng rau xuất khẩu sang Nhật

Thứ Sáu 11/02/2022 , 07:05 (GMT+7)

HÀ GIANG Khí hậu ở Xín Mần (Hà Giang) rất phù hợp với trồng các loại rau màu ôn đới, đặc biệt thời tiết mùa hè mát mẻ. Đây là lợi thế ít nơi nào có được.

Tiềm năng rau ôn đới

Xín Mần là huyện biên giới, vùng cao của tỉnh Hà Giang, có địa hình phức tạp với độ cao trung bình từ 1.200 - 1.600m so với mực nước biển, vì vậy vào mùa hè nhiệt độ nơi đây mát mẻ, nhưng mùa đông rất lạnh giá, nhiệt độ thường xuyên xuống dưới 5 độ C, xuất hiện băng tuyết, hoặc mưa phùn kết hợp với sương mù bao phủ. Tuy nhiên, điều kiện tưởng chừng như khắc nghiệt ở Xín Mần lại trở thành lợi thế của huyện vùng cao này, thích hợp với việc trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao phát triển, đặc biệt là vào mùa đông.

Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, ông Phạm Duy Hiền bên mô hình củ cải xuất khẩu đi Nhật Bản. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, ông Phạm Duy Hiền bên mô hình củ cải xuất khẩu đi Nhật Bản. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Phạm Duy Hiền, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết, huyện Xín Mần có điều kiện thời tiết ủng hộ cho việc trồng rau màu có giá trị cao, điều kiện về thổ nhưỡng cũng rất tốt do không bị tàn phá và nhiễm chất độc của bom đạn, chiến tranh.

Vì vậy chất lượng rau màu huyện Xín Mần hoàn toàn đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính và đưa vào các siêu thị lớn, hệ thống bán lẻ thực phẩm trên cả nước. Huyện Xín Mần xác định xây dựng các vùng trồng chuyên canh, đảm bảo thành hàng hóa và kết nối với các doanh nghiệp lớn trên cả nước để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Một trong những thành công đó, có thể kể đến việc huyện Xín Mần phối hợp với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI triển khai trồng thử nghiệm 2 ha giống củ cải F1-VQ001 tại xã Xín Mần, với 11 hộ dân tham gia. Kết quả thu hoạch đạt năng suất 43 tấn/ha, doanh nghiệp thu mua toàn bộ củ tươi cho bà con với giá 2.000 đồng/kg, tương đương với thu nhập trên 85 triệu/ha chỉ sau 2 tháng canh tác.

Ông Ngô Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần đánh giá: Đây là cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt giúp người dân có thu nhập cao so với canh tác thông thường. Đồng thời, khẳng định mô hình là sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân trong việc phát triển kinh tế nông hộ tại địa phương.

Từ thành công đó, Công ty TNHH Việt Nam MISAKI đã nhân rộng từ 2ha vụ hè 2021 lên thành 4ha vụ đông năm 2021 - 2022 và tiếp tục phối hợp với địa phương trồng các loại cây khác là cây gừng trâu, cây kiệu. Do có sự hợp tác chặt chẽ, bao tiêu sản phẩm, đã đảm bảo tăng thu nhập cho bà con trên địa bàn huyện Xín Mần.

1ha củ cải thu được hơn 85 triệu đồng chỉ sau 2 tháng canh tác, giúp người dân Xín Mần thu nhập cao gấp 4 - 5 lần loại cây trồng khác. Ảnh: Hoàng Cảnh.

1ha củ cải thu được hơn 85 triệu đồng chỉ sau 2 tháng canh tác, giúp người dân Xín Mần thu nhập cao gấp 4 - 5 lần loại cây trồng khác. Ảnh: Hoàng Cảnh.

Rau màu của Xín Mần đi Nhật Bản

Theo đánh giá của huyện Xín Mần, qua 2 vụ liên kết trồng củ cải, người dân rất ấn tượng với mức thu nhập đem lại, cao gấp 4 lần so với trồng ngô, trồng lúa. Quá trình canh tác ít tốn công hơn và khả năng tái tạo, tạo mùn của đồng ruộng tốt hơn, hiệu quả hơn hẳn so với trồng cây lương thực khác.

Ông Phạm Duy Hiền, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần phấn khởi cho biết, việc sản phẩm nông sản của địa phương thông qua Công ty TNHH Việt Nam MISAKI được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, một thị trường khó tính đã khẳng định vị thế của nông sản Xín Mần, là tiền để xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác trên thế giới.

Cùng với hiệu quả kinh tế đem lại cho bà con, hiện người dân ở Xín Mần hoàn toàn tin tưởng vào việc sản xuất liên kết với các doanh nghiệp có uy tín và sẵn sàng tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất.

Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam MISAKI đánh giá, đến hết năm 2021, doanh nghiệp đã phối hợp với huyện Xín Mần trồng được 6ha củ cải. Trong đó 2ha vụ hè đã kết thúc từ đầu tháng 10/2021, còn 4ha vụ đông cũng đã cho thu hoạch. Qua 2 vụ trồng thử nghiệm cho thấy đất đai, khí hậu ở Xín Mần rất phù hợp với trồng các loại rau màu, đặc biệt là thời tiết vào mùa hè mát mẻ nên củ cải cũng có thể phát triển tốt. Đây là một lợi thế rất lớn của Xín Mần mà ít địa phương nào có được.

Các loại sản phẩm nông sản của huyện Xín Mần được chế biến thành phẩm trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Toán Nguyễn.

Các loại sản phẩm nông sản của huyện Xín Mần được chế biến thành phẩm trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cũng theo bà Lập, dự kiến trong năm 2022, Công ty TNHH Việt Nam MISAKI sẽ mở rộng thêm diện tích trồng các loại rau tại huyện Xín Mần và phối hợp triển khai các dự án phát triển vùng nguyên liệu. Huyện Xín Mần có tiềm năng trong tương lai sẽ trở thành vùng nguyên liệu trọng điểm cho Công ty MISAKI sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu.

Hiện các sản phẩm của huyện Xín Mần hợp tác với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI được đánh giá cao, toàn bộ xuất khẩu hoàn toàn sang thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh Công ty TNHH Việt Nam MISAKI, hiện Xín Mần cũng đã có một số đơn vị, doanh nghiệp khác đang tiến hành hợp tác trồng các loại rau chính vụ và trái vụ, từng bước tạo các vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, tập trung.

Với lợi thế có khí hậu thuận lợi, trung bình trong năm chỉ 22oC, các loại cây trồng đặc hữu, đặc trưng có giá trị kinh tế của huyện Xín Mần sinh trưởng và phát triển tốt. Qua đó, huyện Xín Mần đã xác định các chuyên đề phát triển nông nghiệp của địa phương theo hướng khoanh định các vùng cụ thể và thành lập các nhóm hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển bền vững trên cơ sở liên doanh, liên kết giữa nhà đầu tư với người nông dân theo chuỗi.

Hiện nay, qua những vụ liên kết thành công sản xuất rau xuất khẩu, người dân đã rất phấn khởi và mong chờ các định hướng cụ thể để tham gia liên kết với doanh nghiệp. Vì vậy, việc phát triển theo vùng sản xuất lớn tại huyện Xín Mần được đánh giá sẽ rất thuận lợi.

Huyện Xín Mần đã có chủ trương thu hút các doanh nghiệp lớn vào liên kết sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau màu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Huyện Xín Mần đã có chủ trương thu hút các doanh nghiệp lớn vào liên kết sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau màu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Triển vọng thị trường Trung Quốc

Ông Hoàng Nhị Sơn, Bí thư Huyện ủy Xín Mần cho rằng, địa phương có lợi thế để phát triển nông sản hàng hóa, đặc biệt là nông sản xuất khẩu. Đặc biệt, huyện có đường biên giới dài với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía nước bạn đã làm đường cao tốc ra tận cửa khẩu với Xín Mần. Trong thời gian tới, khi sân bay quốc tế Lào Cai đi vào hoạt động, cách Xín Mần có 80 km thì việc xuất khẩu qua đường hàng không là rất lợi thế.

Ông Hoàng Nhị Sơn cũng cho biết, huyện Xín Mần ngoài việc kết nối sản xuất với các doanh nghiệp trong nước cũng đã mời gọi các doanh nghiệp nước bạn liên kết bao tiêu sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên do dịch Covid-19 nên việc hợp tác thời gian qua bị tạm dừng, dự kiến sẽ được kết nối lại trong thời gian tới.

Huyện Xín Mần cũng sẽ mời gọi các nhà đầu tư đến xây dựng các nhà máy, xưởng sản xuất, chế biến nông sản nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu và nhân công tại địa phương. Từ đó xây dựng ngành nông nghiệp huyện Xín Mần là chủ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương, là hướng đi bền vững và đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.