Ở nơi “tam giang tụ hội” tự bao đời đã xuất hiện huyền tích về dòng nước thiêng hư hư thực thực rất lạ kỳ.
I. Đền Bạch Hạc chỉ cách cầu cũ Việt Trì độ vài ba trăm mét được xây dựng theo hướng Tây Bắc nhìn ra một vùng sông nước mênh mông, nơi hợp lưu giữa sông Hồng, sông Đà và sông Lô. 5 giờ sáng. Làn mưa phớt nhẹ như bông, quyện vào nhau tạo thành màn sương bảng lảng phủ trắng bề mặt một vùng sông nước rộng bao la như biển.
Vết chân khổng lồ Bạch Hạc |
Từ bến sông trước cửa ngôi đền, ba người phụ nữ nổ máy con thuyền nhắm hướng ngã ba sông xé sóng lướt đi. Hai người ngồi trong khoang thuyền lỉnh kỉnh đồ lễ. Những hương, vàng mã, tiền âm, tiền dương, múi gạo... Người phụ nữ cầm lái, miệng liên tục lầm rầm như khấn, thỉnh thoảng ánh mắt liếc nhìn vào những chiếc bình mang theo như thể sợ rằng quên mất thứ vật dụng vô cùng quan trọng. Đó là họ đang bắt đầu cuộc hành trình đi xin nước thiêng ở ngã ba Bạch Hạc.
Không biết tự bao giờ, ở vùng đất Tam Giang này, nơi ba dòng sông lớn của miền Bắc là sông Hồng, sông Đà, sông Lô gặp nhau, truyền thuyết về nước thiêng xuất hiện. Mà hình như cũng chưa có công trình nghiên cứu hay ít ra là một kiến giải khoa học về mức độ linh thiêng của thứ nước được hòa quyện từ sự trong trẻo của dòng sông Đà, xanh biếc của sông Lô và chở nặng phù sa sông Hồng, nhưng từ người bản địa cho đến khách thập phương, vào những dịp lễ lạt hay gia đình có công lớn việc bé đều xem việc xin nước thiêng ở ngã ba sông thuộc địa phận thành phố Việt Trì như một phần không thể nào thiếu trong nghi lễ cúng bái.
Đến nỗi, làng Bạch Hạc (dù đã lên TP, nhưng người dân nơi đây vẫn quen gọi là làng) có hẳn rất nhiều người chọn nghề lái thuyền ra ngã ba sông xin nước thiêng để mưu sinh, từ trẻ con đến người già đều vanh vách những tích truyền về Bạch Hạc. Ly kỳ đến mức huyễn hoặc, khó tin, nhưng nghe nhiều lại rất thú vị. Những cách quảng bá có phần thái quá ở các khu di tích, đền đài miếu mạo cũng đã “phổ cập” đến ngôi làng ven sông mà cư dân vốn dĩ quanh năm chài lưới, thuyền bè.
Tất nhiên chẳng mấy ai tin về những điều quá ư huyễn hoặc. Duy chỉ có những vết tích về vùng đất này, những câu chuyện tâm linh là có thật.
Trước khi chúng tôi xuống thuyền ra ngã ba sông, ông Nguyễn Văn Cống, Ban quản lý đền Tam Giang (tên gọi khác của đền Bạch Hạc) dẫn xuống sát khu vực bến đò, ngước nhìn lên cổng đền, nơi những dấu tích trong các truyền thuyết như bàn chân khổng lồ, tượng đài danh tướng Trần Nhật Duật được phục dựng rất đầy đủ đọc dõng dạc hai câu đối mà ông khẳng định là được khắc trên ban thờ Cơ miếu Hùng Vương ở Đền Hùng: Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô Bách Việt non sông có Tổ. Núi sáng khí thiêng, cố cung thành miếu mạo, ba sông quất hướng chầu vua.
“Ba sông quanh quất ấy chính là khu vực ngã ba sông này. Tôi còn cho rằng, nguồn cơn của cái tên Việt Trì ngày nay cũng chính là xuất phát từ ngã ba sông này. Bởi rất có thể, từ ngày xưa các cụ cho rằng Trì là ao, Việt là nước Việt. Việt Trì chắc có lẽ là cái ao lớn ở đây chăng?”, ông Cống nói.
Đến cả những người lái đò già trên bến sông Bạch Hạc, bất cứ ai cũng có thể kể rằng, Bạch Hạc là một ngôi làng cổ ven sông, ngôi làng mà những bậc cao niên các thế hệ trước họ vẫn thường kể cho con cháu nghe rằng, nếu đem so với Phong Châu, mảnh đất có Đền Hùng, mảnh đất lâu đời nhất nước Việt thì tuổi của làng chài này cũng xấp xỉ chứ không thể kém hơn.
Tượng danh tướng Trần Nhật Duật án ngữ ngã ba sông Bạch Hạc |
Bằng chứng là trong ngôi đền Bạch Hạc hay những bức văn tự ở đình làng vẫn chép rằng, từ thuở Lạc Long Quân lập nước, đứng trên núi Nghĩa Lĩnh (nay là khu vực đền Hùng) nhìn ra xa xuôi về phía nam thấy một vùng bãi bồi rộng lớn màu mỡ, cây cối tốt tươi, dưới sông cá tôm quần tụ, nhân dân trong vùng hiền hòa chất phác, đời sống ấm no bởi phù sa của ba dòng sông lớn bồi lắng mà thành đã đặt tên cho vùng đất này là Bạch Hạc. Rồi cả tấm bia lớn ngự trong đền Bạch Hạc cũng trích ghi Dư địa chí Nguyễn Trãi nói rằng: Ở đó có cây chiên đàn cao ngàn nhận, chim hạc đậu trắng cả vùng ngã ba sông nên gọi đất ấy là Bạch Hạc.
Dài dòng một chút để chứng minh, tự bao đời nay, người Bạch Hạc đã xem dòng nước khu vực ngã ba sông hết sức thiêng liêng. Dần dà không chỉ họ mà khách thập phương cũng tìm đến rất đông. Nghề xin nước thiêng Bạch Hạc đã có từ độ hơn chục năm nay rồi.
II. Sau độ chừng 30 phút lướt sóng, chiếc thuyền máy của bà cụ Nguyễn Thị Xuân (70 tuổi), người làm nghề chở khách xin nước thiêng Bạch Hạc từ hơn chục năm nay chở hai người khách từ Hà Nội lên tắt máy giữa tứ bề mênh mông nước. Trời vẫn còn sáng sớm nên phải căng mắt lên mới thấy những bãi bờ phía xa xa. Đây chính là nơi linh khí của ba dòng sông lớn hội tụ. Dòng nước thiêng trong truyền thuyết, trong tâm linh ngay chính ở chỗ này. Chúng tôi thì chỉ thấy ngã ba sông mênh mông quá.
Có chăng, nhìn dòng nước từ những con sông vốn dĩ hung hãn xẻ núi, bạt rừng khắp gần hết các tỉnh miền núi phía Bắc khi gặp nhau ở đây lại tạo thành một vùng sông nước khá yên bình. Thuyền đã tắt máy từ lâu, chẳng cần neo mà cứ đứng yên một chỗ. Thỉnh thoảng chỉ xoay nhẹ theo từng nhịp chèo của người lái đò đang cúng bái.
Nước trong sông Đà, phù sa đỏ nặng sông Hồng và màu nước mắt mèo của sông Lô không biết quyện vào nhau từ khúc nào mà loang cả một vùng ngã ba có màu nhờ nhờ nhưng múc lên thì lại rất trong. Làn hơi nước còn chưa tan hết mà quang cảnh dường như thoáng đãng vô cùng.
Kể cũng rất lạ, ai cũng biết rằng sông Hồng và sông Đà hợp lưu mãi tận khu vực Trung Hà, cách Việt Trì hàng chục cây số, mà dường như, mãi tận khu vực ngã ba sông này vẫn còn cảm nhận được sự sắc lạnh của dòng nước con sông gập ghềnh nhất nhì đất nước. Người ta nói rằng, đây mới chính là nơi giang sơn quy về một mối nên nước ngã ba sông có đủ vị mặn ngọt, có đủ ấm lạnh, đủ âm đủ dương nên mới thiêng liêng đến thế.
Bà Xuân soạn lễ, hai người phụ nữ đi cùng lâm râm khấn, nom chừng cũng rất thành thục, minh chứng của việc họ đã đến xin nước thiêng ở đây không phải lần đầu. Họ khấn Thổ công, khấn Hà bá rồi lần lượt cầu xin. Bà Lê Thái Thanh, người ở Đông Anh (Hà Nội) xin nước thiêng về để anh con cả chuẩn bị cất nhà. Bà Nguyễn Thị Thu ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) xin nước thiêng về chuẩn bị cất mồ mả cho bố mẹ. Sau khi khấn, hai người họ thả hết tiền vàng và gạo xuống sông xong rồi mới lấy mỗi người một chiếc can nhựa mang theo xin nước.
Lễ xin nước thiêng ở đền Bạch Hạc |
“Từ thời ông cụ tôi còn, vào những tiết Thanh minh đã thấy ông lách cách chai lọ lên đây xin nước thiêng về lau rửa bàn thờ tổ tiên hoặc dâng cúng lên phần mộ người thân. Rồi cả những dịp bốc mộ, sang cát cho ai đó trong dòng họ ông lại xin nước về lau rửa hài cốt. Khởi công, động thổ xây nhà cũng thế. Dần dà thành tục lệ, công lớn việc bé gì chúng tôi cũng cố gắng lên đây xin cho được nước ngã ba sông về cúng lễ. Nhiều nhất vẫn là tạ tết thanh minh cho các cụ tổ, ông tổ, ông quận bà cô trong dòng họ được mát mẻ, thuận hòa trong ấm ngoài êm. Tất nhiên là có người tin người không, nhưng với gia đình tôi thì luôn xem đây là một sự lành”, bà Thanh kể khi đặt chiếc can ầng ậng nước lên vị trí cao hơn người ngồi ở trong khoang thuyền.
Bà Xuân lái đò kể tiếp, từ rất lâu, không chỉ người bản địa mà khách thập phương đến Bạch Hạc xin nước thiêng đã rất nhiều rồi. Lân cận như Vĩnh Phúc, Hà Nội đã đành, có những khách tận miền Trung, miền Nam cũng thấy đến đây xin nước. Nhiều nhất là xin về cúng lễ cho những việc mồ mả, xây dựng nhà cửa... Nhiều năm nay, còn có cả những người lên đây xin nước cầu thăng quan tiến chức hay cầu lộc cầu tài.
“Những người ấy họ nghiêm cẩn lắm. Có khi thuê thuyền đi vào cả lúc nửa đêm, thời khắc chuyển giao giữa đêm và ngày, dương gian và địa phủ. Tiền vàng cúng tiến rất nhiều. Lại có những trường hợp làm lễ từ nửa đêm đến sáng mới xin được nước về. Họ cất nước trong những chiếc bình sứ rất sang trọng, đưa lên đền làm lễ xong mới cất vào xe con chở về”, bà lái đò kể giọng rất say sưa.
Ngồi uống chè mạn với mấy cụ già trước cổng đền, chúng tôi còn được nghe kể tục truyền rằng, nước sông ngã ba Bạch Hạc xưa thơm lắm. Thậm chí còn thơm hơn cả loại ngũ vị hương vốn dùng để rửa hài cốt những bậc vua chúa. Là bởi nước thiêng Bạch Hạc thủy tụ linh khí nên khi có việc bốc mồ mả cho tổ tiên, chỉ cần rửa qua nước lấy từ ngã ba sông thì con cháu phát đạt an gia. Đấy còn chưa kể, những bậc nho sĩ ngày xưa vào thời khắc khai bút đầu xuân hay đến kỳ khoa cử, nếu nhúng bút nghiên vào nước thiêng Bạch Hạc thì chữ nghĩa rồng bay phượng múa, nhắm mắt cũng có thể khua những áng văn xuất thần... |
Thuyền vừa cập bến trước cửa đình, lại thêm một người khách quen của bà Xuân chờ sẵn. Ông Đinh Văn Trung, Việt kiều Nga người ở thành phố Việt Trì. Ông Trung nói rằng xa quê đã gần 20 năm nay. Dịp năm ngoái, khi về quê sang cát cho các cụ thân sinh, ông từng nhờ bà Xuân chở đi xin nước thiêng về làm lễ, sắp tới đây, chuẩn bị xây nhà cho cậu con trai bên ấy nên ông lại muốn xin một ít cát và nước ở ngã ba sông Bạch Hạc mang sang làm lễ cúng bái, mong được mọi sự an lành.
Càng trưa, số người đến đền Bạch Hạc sắm lễ vật, cúng bái để chuẩn bị ra ngã ba sông xin nước thiêng càng đông. Lại thêm nhiều chuyến đò rẽ sóng chở khách đi xin nước. Trước khi chở ông Trung, bà Xuân còn dặn với tôi: Chú nhớ để ý cho kỹ nhé. Người nào đi ô tô sang trọng, lễ vật cồng kềnh thì đích thị là cầu thăng quan tiến chức.
Những câu chuyện ấy, ông Thủ từ đền Tam Giang Trần Văn Thân (76 tuổi), cũng là pho sử đương thời ở Bạch Hạc chỉ cười khoan thai mà nói, ai tin cứ để họ tin, còn người không tin cũng không sao cả. “Xưa kia theo tục lệ, dân làng ở vùng Bạch Hạc chỉ lấy nước ở ngã ba sông hai lần trong năm vào các ngày 25/9 (là ngày hội của đền Tam Giang), và mùng 10/3 âm lịch vào dịp Giỗ Tổ. Bây giờ tiếng lành về nước thiêng vang xa, và suy nghĩ đã hiện đại nhưng vẫn rất coi trọng đời sống tâm linh, nên nhiều gia đình có việc lớn, như dựng nhà, xây mồ mả hay cúng lễ... vẫn tìm tới ngã ba sông xin nước thiêng về làm lễ, mong được phù hộ độ trì. Chuyện xin nước thiêng cầu thăng quan tiến chức chỉ độ chục năm trở lại đây thôi”, ông Thủ từ đền nói.
Ông Thủ từ cười là bởi vì thiên hạ dường như không mấy người có thể hiểu, nước thiêng hay không là ở sự thành tâm của con người, dòng nước chỉ là chút niềm tin tín ngưỡng tâm linh.
“Xưa nay, để xin được nước thiêng Bạch Hạc, nghi thức nghi lễ cầu kỳ lắm. Phải có đủ đội tế nam nữ, có chủ lễ cầu khấn. Mục đích cũng cao cả vô cùng. Xin nước thiêng là để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ruộng đồng không khô hạn. Còn với những mục đích cá nhân, không được thành tâm thì nước thiêng Bạch Hạc đơn giản chỉ là nước sông thôi”.
Xin nước thiêng Bạch Hạc |
Cũng nghe nói rằng, từ nhiều năm trước, Ban quản lý đền Bạch Hạc thường xin nước ở ngã ba sông để ban lộc cho khách viếng thăm. Cũng là nước thiêng ở ngã ba sông, cũng nghi thức lễ cầu thậm chí còn rất trang nghiêm, nhưng lạ thay, những người đến với ngã ba sông này thường ít khi hứng thú với nước thiêng được ban ấy. Có phải họ muốn thần linh thấu tận cuộc hành trình vượt sông dài độ 3km từ đền Bạch Hạc ra ngã ba sông gian truân, vất vả mà ban phước lộc nhiều hơn chăng?
Đền Bạch Hạc thờ đức thánh Hạc (Thổ Lệnh Đại Vương), đức thánh Bà (Quách A Nương), đức ông Sáu (Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật). Đây là ba vị thần nhân có công cứu giúp dân, đánh giặc giữ nước, và khi thác, các thần đều phù hộ cho quốc thái dân an. Vì thế, trước mặt đền, người ta xây dựng một bức tượng lớn danh tướng Trần Nhật Duật đứng cầm gươm nhìn ra mênh mông sông nước. Phía bên dưới là một vết chân khổng lồ được mô phỏng lại truyền thuyết thần Thạch Khanh thi thố tài nghệ với thần Thổ Lệnh cao quan Bạch Hạc đại vương. Tất cả những truyền thuyết này, nghe đâu để trấn vùng ngã ba sông, nơi còn có tên gọi khác là vùng Tam Giang này. Ngoài nước thiêng, cát ở ngã ba sông được gọi là cát thắng. Tương truyền đó là cách gọi sau khi Trần Nhật Duật đóng quân ở ngã ba sông này, cùng với nhân dân chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông. Ngoài tục xin nước thiêng, người Bạch Hạc mỗi khi xây dựng nhà cửa cũng sắm lễ ra ngã ba sông xin cát trắng những mong được phước lành. |
Ở Bạch Hạc bây giờ, rất nhiều hộ dân vốn dĩ từng mấy bận lao đao khi nghề sông nước ngày một khó khăn thì bây giờ đã có thể sống khỏe với nguồn nước thiêng vô tận. Như bà Xuân chẳng hạn. Mỗi một ngày chở khách đi xin nước cũng thu về tầm 500 - 700 ngàn đồng tiền công. Ấy còn chưa kể, những khi đêm hôm, hay những vị khách có việc quan trọng vẫn thường trả thêm công cho bà chừng ấy nữa. |