| Hotline: 0983.970.780

Xóa bỏ thả rông gia súc để chăn nuôi tập trung quy mô hàng hóa

Thứ Ba 17/09/2024 , 09:19 (GMT+7)

LAI CHÂU Chăn nuôi ở huyện Phong Thổ chuyển dần từ nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa, gắn với lợi thế địa phương để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Người dân vùng biên giới Phong Thổ, Lai Châu chăn nuôi tập trung để nâng cao thu nhập. Ảnh: H.Đ.

Người dân vùng biên giới Phong Thổ, Lai Châu chăn nuôi tập trung để nâng cao thu nhập. Ảnh: H.Đ.

Chăn nuôi theo hướng hàng hóa để giảm nghèo

Huyện vùng cao biên giới Phong Thổ (Lai Châu) có hơn 17.000 hộ với trên 83.000 nhân khẩu, trong số đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này còn khá cao, khoảng 44%.

Chính vì vậy, huyện Phong Thổ xác định, phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung là hướng đi bền vững để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tận dụng lợi thế quỹ đất lớn, nhân lực dồi dào... để đẩy mạnh phát triển đàn gia súc tập trung thay cho nuôi nhỏ lẻ theo lối truyền thống của bà con.  

Theo ông Nguyễn Cảnh Đức, Phó Phòng NN-PTNT Phong Thổ, với những lợi thế sẵn có, để thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện, nhất là chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung bền vững, huyện quy hoạch quỹ đất, có nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa. 

Trong đó, Phong Thổ lồng ghép các nguồn vốn từ Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho nông dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong chăn nuôi gia súc tới người dân nhằm dần thay đổi, nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi chuồng trại tập trung. 

Vận động, khuyến khích người dân tận dụng những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ voi nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc. Các xã, thị trấn phối hợp cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, dạy nghề về chăn nuôi, cách nhận biết và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc; hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại, mua con giống và thức ăn. 

Chủ động dự trù và triển khai tiêm vắcxin phòng dịch bệnh miễn phí từ nguồn ngân sách của huyện cho các hộ nông dân chăn nuôi đàn gia súc, đảm bảo gia súc được phòng bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Chủ động phòng dịch bệnh 

Ông Chang A Cho, ở bản Pô Tô, xã Huổi Luông (Phong Thổ) từ một vài con dê, bò ban đầu hiện đã phát triển được đàn gia súc lớn nhất nhì xã. Với 44 con dê, 7 con bò, gia đình ông nuôi gối nên hàng năm xuất bán được 1-2 lứa, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Số tiền này với người dân vùng cao là khá lớn, giúp nâng cao thu nhập và mua sắm vật dụng gia đình, bắt kịp nhịp sống vùng nuôi. 

Trước đây, gia đình ông nuôi trâu, bò, ngựa chỉ để lấy sức kéo, thi thoảng gia đình có việc trọng đại mới mổ lấy thịt. Trong khi, thịt trâu, bò, ngựa ngày càng được người tiêu dùng chọn lựa nên từ năm 2020 đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng chuồng trại rộng 200m2, mua 26 con dê, 3 con bê về nuôi.

“Số gia súc mua về, tôi nuôi nhốt chuồng, không thả rông để tiện cho việc chăm sóc đồng thời tuân thủ nghiêm lịch tiêm phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Với diện tích đất của gia đình, ông trồng cỏ voi và sử dụng lá cây, cỏ trong rừng để có nguồn thức ăn phong phú, đảm bảo cho đàn gia súc. Nhờ đó, đàn gia súc của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh”, ông Chang A Cho chia sẻ.. 

Từ việc chăn nuôi tập trung theo hướng bền vững, năm 2023, ông Cho được nhà nước hỗ trợ vốn để đầu tư chuồng trại chăn nuôi theo Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lai Châu. Đây là động lực để gia đình ông nỗ lực hơn trong việc chăm sóc, phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa của gia đình.

Gia đình bà Trương Thị Thanh Thủy ở tổ dân phố Pa So, thị trấn Phong Thổ cũng là một trong số hộ chăn nuôi hàng chục con lợn, có hiệu quả kinh tế cao. Mỗi lứa, gia đình bà xuất chuồng từ 50-60 con lợn. 

Chia sẻ về cách chăn nuôi lợn tập trung bà Trương Thị Thanh Thủy cho hay, gia đình chị chú trọng xây chuồng trại kiên cố ngay từ đầu với sự hỗ trợ của địa phương, đảm bảo giữ chuồng sạch sẽ, hệ thống thoát nước, xử lý thải được làm theo quy định.

Về dịch bệnh, cứ định kỳ 2 lần/năm chị Thủy tiêm vắcxin cho đàn lợn và chủ động trong khâu chăm sóc, nguồn thức ăn nên đàn lợn khỏe, xuất bán được giá. Trừ hết chi phí cũng lãi được hơn trăm triệu đồng. 

Xây dựng chuồng trại, không thả rông gia súc để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ảnh: H.Đ.

Xây dựng chuồng trại, không thả rông gia súc để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ảnh: H.Đ.

Xóa bỏ thả rông gia súc

Theo ngành nông nghiệp huyện Phong Thổ, từ những giải pháp trong đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, đến nay toàn huyện có gần 40.000 con gia súc các loại. Trong đó, có 9.463 con trâu, 1.179 con bò, 29.026 con lợn, 224 con ngựa...

Trên địa bàn huyện Phong Thổ có 4 cơ sở chăn nuôi tập trung, trong đó có 1 cơ sở chăn nuôi bò; 1 cơ sở chăn nuôi trâu, 2 cơ sở chăn nuôi ngựa. Đặc biệt, do làm tốt công tác thú y, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở một số địa bàn nhưng huyện Phong Thổ chưa có trường hợp nào. 

Ông Trần Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ cho hay, tỷ lệ tiêm vacxin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc đến nay của huyện đã đạt trên 95%, tiến độ phun tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 đạt 100%.

Hầu hết, người dẫn trên địa bàn đã nhận thức được vấn đề đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi nên chủ động xây dựng chuồng trại, xóa bỏ thả rông gia súc, phòng dịch bệnh đặc biệt mùa hè thường có dịch tả lợn Châu Phi, tụ huyết trùng… 

Hiện, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc của huyện đã đạt 5%, đảm bảo kế hoạch đề ra. Từ chăn nuôi gia súc tập trung, theo hướng hàng hóa đã giúp khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng của huyện, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn.

Mặc dù, nhu cầu thực phẩm hiện nay tại địa phương và những khu vực lân cận khá lớn, sản xuất chăn nuôi của người dân chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, huyện Phong Thổ vẫn tiếp tục khuyến khích người dân, cơ sở chăn nuôi theo hình thức công nghiệp khép kín, thâm canh, an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường và liên kết bao tiêu sản phẩm… Qua đó, từng bước hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn có 5 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung.

"Đến nay, huyện Phong Thổ chưa ghi nhận trường hợp gia đình nào có trâu bò, lợn chết vì dịch bệnh… Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ được khoảng 1.500m2 chuồng trại cho người dân, tùy thuộc quy mô chăn nuôi." Ông Trần Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Phong Thổ chia sẻ.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất