Thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian qua, dù Bình Định đã rất quyết liệt trong công tác chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhưng tình trạng tàu cá tỉnh này vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn chưa chấm dứt. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Định đã có 10 tàu cá của ngư dân huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ; trong đó, có 7 tàu cá hoạt động, neo đậu và xuất bến tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, 3 tàu xuất bến tại tỉnh Kiên Giang.
“Tất cả tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều hoạt động, xuất nhập bến và neo đậu ở các tỉnh phía Nam, không về địa phương. Mặc dù ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tổ chức nhiều đoàn công tác vào gặp gỡ trực tiếp chủ tàu và thuyền trưởng để tuyên truyền, vận động, nhưng vì lợi ích kinh tế nên họ vẫn cố tình vi phạm”, ông Trần Văn Phúc chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, địa phương này có 887 tàu cá được cấp đăng ký hoạt động, phần lớn đều hoạt động tại các ngư trường phía Nam.
“Thời gian qua, Phù Cát đã tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp gặp gỡ như dân tại nơi neo đậu tàu cá ở miền Nam để tuyên truyền chống khai thác IUU đến từng chủ tàu. Ở địa phương cũng có những tổ công tác đến nhà từng chủ tàu để tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, việc quản lý đội tàu cá từ 12m đến dưới 15m còn rất khó khăn”, ông Hưng chia sẻ.
Loại trừ những nguy cơ
Cũng theo ông Hưng, toàn huyện Phù Cát hiện có 236 tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, chủ yếu hành nghề câu mực hoạt động ở các ngư trường ở phía Nam, số tàu cá này rất ít khi về địa phương, đây là nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU.
Để khắc phục, cả hệ thống chính trị huyện Phù Cát đã vào cuộc vận động, yêu cầu chủ tàu lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT) để ngành chức năng có thể theo dõi hoạt động khi tàu đánh bắt ngoài khơi, kịp thời cảnh báo, can thiệp khi có dấu hiệu vi phạm.
Ngoài nỗ lực trực tiếp tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân, chính quyền huyện Phù Cát còn mở rộng tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt là con em của ngư dân trên địa bàn. Thậm chí, học sinh trong các nhà trường cũng được các ngành chức năng tuyên truyền về chống khai thác vi phạm IUU.
Quyết liệt hơn, giữa năm 2022, Huyện ủy Phù Cát đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về chống khai thác vi phạm IUU. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Cát giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, đảng viên ở các xã ven biển phụ trách các chủ tàu, thuyền trưởng để trực tiếp tuyên truyền, vận động, yêu cầu làm bản cam kết không vi phạm khai thác IUU.
Địa phương nào để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm thì Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Đồng thời, tập thể Đảng ủy, cá nhân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thị trấn bị hạ một bậc khi đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
“Chúng tôi yêu cầu Sở NN-PTNT, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thực hiện thí điểm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m làm nghề câu mực, vì đây là nhóm tàu có nguy cơ vi phạm rất cao”, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo.