| Hotline: 0983.970.780

Xu hướng nông nghiệp hữu cơ cho vùng lúa - tôm

Thứ Năm 08/04/2021 , 09:13 (GMT+7)

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, vừa mang lại giá kinh tế rất cao, vừa thân thiện môi trường, lại giúp bảo vệ sức khỏe con người.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (bên trái), làm việc tại HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực, ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau). Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (bên trái), làm việc tại HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực, ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau). Ảnh: Trọng Linh.

Thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn vừa có chuyến khảo sát mô hình sản xuất lúa - tôm hữu cơ tại Hợp tác xã lúa -  tôm Trí Lực ở ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực hiện có 11 thành viên, vốn điều lệ 150 triệu, do các thành viên tự nguyện đóng góp (mỗi thành viên đóng góp từ 15 đến 20 triệu đồng). Hiện tại, HTX có diện tích gần 750ha sản xuất lúa - tôm an toàn.

Tại đây, các xã viên sản xuất theo quy trình sạch để đảm bảo cho tôm phát triển tốt và lúa phát triển song song mà không sử dụng hóa chất hay phân bón hóa học để tạo nguồn gạo sạch, chất lượng, đạt tiêu chuẩn. Hằng năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 5 đến 10 tấn gạo, với giá bán khá cao từ 25 đến 30 ngàn đồng/kg, rất được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Mới đây, đoàn công tác của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF VN) cũng đã đến khảo sát và có thể lựa chọn 50ha để thử nghiệm mô hình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật xây dựng chuỗi tôm - lúa bền vững, nâng cao giá trị của con tôm, cây lúa.

Mô hình sản xuất tôm - lúa hữu cơ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa thân thiên với môi trường. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình sản xuất tôm - lúa hữu cơ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa thân thiên với môi trường. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực, cho biết: “Bà con thấy được hiệu quả khi tham gia vào HTX, mỗi ký lúa bán ra thị trường với giá cao gần gấp đôi so với lúa những vùng chuyên canh. Việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ nên con tôm phát triển tốt và bền vững, do đó, bà con gắn bó với mô hình sản xuất lúa - tôm hữu cơ của Hợp tác xã.

Vụ mùa năm 2019-2020, sau khi thu hoạch, ngoài bán lúa cho công ty cùng các thành viên, HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực đã quyết định giữ lại 17 tấn lúa để chà gạo, đóng gói, xây dựng thương hiệu "Gạo hữu cơ Trí Lực".

“Chào hàng ở nhiều nơi với giá bán từ 27.000 - 30.000 đồng/kg. Tính đến nay, HTX đã bán được nhiều tấn gạo sạch, khách hàng sau khi dùng rất ưa chuộng, góp phần nâng cao danh tiếng cho sản phẩm đặc sản của địa phương. Đây cũng là tiền đề để thương hiệu gạo sạch hữu cơ Trí Lực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực chia sẻ.

Qua khảo sát từ quy trình kỹ thuật đến thu hoạch cũng như bao tiêu sản phẩm của HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ vừa mang lại giá kinh tế rất cao, vừa thân thiện với môi trường, phù hợp với sức khỏe con người và mô hình này rất có hiệu quả, có thể giúp nông dân làm giàu.

So với sản xuất lúa bình thường, thành viên của HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực bán giá lúa cao gần gấp đôi. Ảnh: Trọng Linh.

So với sản xuất lúa bình thường, thành viên của HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực bán giá lúa cao gần gấp đôi. Ảnh: Trọng Linh.

Cà Mau có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thứ trưởng Trần Thanh Nam, khẳng định: Cà Mau là một trong những nơi có điều kiện tự nhiên về sinh thái, đất đai, nguồn nước có thể sản xuất được nông nghiệp hữu cơ, đây là lợi thế rất lớn mà nhiều nơi khác không có được hoặc phải có bước chuyển đổi trong một thời gian dài từ sử dụng hóa học sang hữu cơ.

Thứ trưởng cho rằng, tỉnh Cà Mau cần quy hoạch lại sản xuất cho phù hợp, tuyên truyền, vận động người dân phải làm đồng loạt, tránh manh mún, cần liên kết chặt giữa 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp" để phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Trong công tác quản lý cần thực hiện chặt chẽ quy trình sản xuất, đúng với chuẩn của các tổ chức quốc tế, khi đó sản phẩm mới được công nhận.

Sau khi khảo sát, Bộ NN-PTNT sẽ soạn thảo đề án nâng cao năng lực hợp tác xã ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện và công nhận các quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn hiện hành cho sản xuất lúa - tôm để áp dụng, phát triển mô hình ngày càng bền vững.

Trước đó, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã khảo sát thực tế mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Công ty TNHH MTV Viễn Phú, ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau). Đây là một trong những nông trang sản xuất sản phẩm hữu cơ lớn nhất Đông Nam Á, với tổng diện tích 317 ha. Đơn vị đã duy trì chứng nhận sản phẩm hữu cơ của Hoa Kỳ và Châu Âu do Control Union cấp từ năm 2012 và chuỗi thực phẩm hữu cơ Hoa Sữa Foods.

Sản phẩm của Viễn Phú đã và đang cung cấp đến tay người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như: Anh, Nga, Singapore. Cà Mau có điều kiện, lợi thế mà nhiều nơi khác không có được hoặc phải có bước chuyển đổi nhiều năm từ sử dụng hóa học sang hữu cơ. 

Các loại hình sản xuất nông nghiệp hiện nay như: nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn (rừng - tôm), nuôi tôm xen canh với trồng lúa (tôm - lúa), trồng lúa và các cây trồng dược liệu khác có tiềm năng rất lớn để sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Cà Mau đã có những thành công bước đầu trong sản xuất nông nghiệp theo hình thức này.

Trong đó, từ năm 2016 đến nay, vùng tôm - rừng đã chứng nhận 19.000ha nuôi tôm theo tiêu chuẩn (Naturland, EU, Seafood Watch, Manrove, Cannada...), 600 ha chứng nhận ASC. Về tôm - lúa kết hợp, năm 2020 đã xây dựng mô hình sản xuất tôm theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam với quy mô 50 ha tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Về trồng trọt, từ năm 2018, ngành nông nghiệp Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với 5 công ty kết nối với 4 hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh quy mô 900ha, đã cung cấp trên 3.000 tấn lúa hàng hóa đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Phần lớn đất canh tác, nuôi trồng tại tỉnh Cà Mau đều nhiễm phèn, mặn là yếu tố hạn chế, nhưng là lợi thế đặc trưng đất đai nhiều dinh dưỡng, nhiều khoáng vi lượng. Nhất là vùng canh tác lúa ven biển và vùng sản xuất lúa - tôm cho chất lượng tôm, lúa gạo rất tốt (tôm màu sắc tươi đẹp, ngon, gạo thơm, dẻo, ngọt cơm…). Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nước mưa 100% (sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản nước ngọt), nguồn nước biển vào nuôi thủy sản mặn, lợ chất lượng nước tốt không bị ô nhiễm.  

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có các loại hình sản xuất nuôi trồng theo phương thức quảng canh, truyền thống, sinh thái tự nhiên, sản xuất luân canh, xen canh kết hợp đa dạng nhiều loại hình như: Nuôi tôm - cua, tôm - cua - sò, tôm - rừng, lúa tôm - càng xanh, lúa - tôm sú, lúa - tôm thẻ, lúa - tôm - cua kết hợp … đảm bảo sự đa dạng sinh học và tính bền vững theo nguyên tắc hữu cơ. Ngoài ra, Cà Mau rất phù hợp để sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GlobalGAP và tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11047-2: 2017) và Quốc tế (USDA, EU, JAS…).

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.