Có mặt tại Trạm trung chuyển heo của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam ngay dưới chân núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, chúng tôi chứng kiến gần chục chiếc xe tải nối đuôi nhau chờ sát khuẩn.
Phía trong Trạm, hàng chục công nhân tất bật kiểm đếm, phân luồng heo dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thú y địa phương. Đáng chú ý, những chú heo liên tục được tắm mát bằng hệ thống tự động, tổng đàn heo tại trạm luôn dao động hàng trăm con nhưng không hề phát thải mùi hôi, thối.
Anh Phan Hiền, cán bộ quản lý Trạm của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh cho biết, đơn vị là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống các Trạm trung chuyển heo thịt để tăng cường nâng cao an toàn sinh học cho hệ thống trang trại chăn nuôi.
Hiện C.P. Việt Nam đang vận hành 24 kho trạm trung chuyển heo thịt, mỗi trạm có diện tích từ 1 - 3ha, trải dài từ Bắc vào Nam. Các trạm trung chuyển được chia làm 3 vùng, gồm vùng an toàn là đầu vào tiếp nhận heo từ các trang trại chuyển về; vùng rủi ro là nơi heo được đưa lên xe của khách hàng chở đến cơ sở giết mổ, giữa hai vùng an toàn và vùng rủi ro là vùng đệm.
Trạm trung chuyển heo tại Tây Ninh có diện tích 20.000m2 với đầy đủ cơ sở vật chất bao gồm các hạng mục nhà chứa heo, nhà sát trùng, cổng nhập heo, cầu nhập và xuất heo, nhà cân heo, nhà rửa xe tải, phòng thú y và một số cơ sở vật chất khác phục vụ cho công việc và sinh hoạt hàng ngày của nhân viên tại trạm.
Tại trạm trung chuyển, việc nhập và xuất heo luôn đảm bảo an toàn và nhanh chóng, đồng thời an toàn sinh học cũng được thực hiện chặt chẽ, giúp việc sản xuất chăn nuôi tránh được các nguy cơ về dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi - ASF và lở mồm long móng - FMD.
“Trước đây, các chủ cơ sở giết mổ có thể đưa xe đến tận trang trại chăn nuôi để bắt heo. Nhưng những năm gần đây, lường trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, việc xây dựng điểm trung chuyển nhằm cách ly hoàn toàn giữa nơi chăn nuôi và xuất bán, tránh được khả năng lây nhiễm từ các nguồn bệnh khác nhau”, anh Phan Hiền chia sẻ.
Theo đó, mỗi chuyến xe chở heo của Công ty C.P. Việt Nam trước khi đến trại chăn nuôi đều được phun thuốc khử trùng, 1 xe chỉ đến 1 trại, nhận heo tại trại và chở thẳng đến khu vực tập kết heo. Sau 1 chuyến, chiếc xe đó tiếp tục được phun thuốc khử trùng. Các chủ cơ sở giết mổ heo đến khu vực tập kết để nhận heo về giết mổ.
“Việc sử dụng Trạm trung chuyển heo thịt an toàn sinh học giúp cắt cầu sự tiếp xúc trực tiếp giữa phương tiện vận chuyển và hệ thống trang trại. Trong suốt quá trình heo được vận chuyển vào và ra khỏi trạm trung chuyển bán heo đều phải được sát trùng, khử trùng nhiều lớp theo đúng thời gian quy định”, anh Phan Hiền nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Văn Hùng, kiểm dịch viên Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, thực hiện thông tư của Bộ NN-PTNT về kiểm dịch động vật, khi vào trạm trung chuyển, các chủ hàng phải khai báo số lượng hàng, ngày giờ xuất hàng, địa điểm đi và đến… Ngoài ra, các chủ hàng phải đăng kí trên cổng thông tin điện tử của dịch vụ công của tỉnh.
Trên cơ sở đó, cán bộ kiểm dịch sẽ kiểm tra và cấp giấy kiểm dịch đồng thời niêm phong kẹp chì xe chở heo từ trạm trung chuyển đến lò mổ.
Cũng theo anh Nguyễn Văn Hùng, dù các trại chăn nuôi ở địa phương đều có quy mô lớn nên họ thực hiện rất nghiêm chăn nuôi an toàn sinh học, hầu hết đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Theo đó, heo tới trạm đều đảm bảo nguồn gốc và từ trước đến này trạm chưa phát hiện trường hợp nào heo nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với vai trò là kiểm dịch viên, anh em tại trạm đều tập trung chuyên môn, không lơ là chủ quan, tăng cường kiểm tra, giám sát liên tục 24/24 giờ, đảm bảo trọng trách được giao.