| Hotline: 0983.970.780

Xử lý ổ dịch dại không để lây lan ra diện rộng

Thứ Sáu 18/10/2024 , 06:37 (GMT+7)

LÀO CAI Ở miền núi, bệnh dại vẫn lưu hành với nguồn lây bệnh chủ yếu là chó, việc khoanh vùng khử khuẩn, tiêm vacxin phòng dại bảo vệ tính mạng người nuôi, sức khỏe cộng đồng.

Việc tiêm vacxin phòng bệnh dại đảm bảo sức khỏe người nuôi và cộng đồng. Ảnh: H.Đ.

Việc tiêm vacxin phòng bệnh dại đảm bảo sức khỏe người nuôi và cộng đồng. Ảnh: H.Đ.

Phát hiện trường hợp chó cắn người rồi lăn ra chết

Tại huyện Bát Xát (Lào Cai), liên tiếp xảy ra những vụ chó nuôi trong nhà cắn nhiều người. Qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm phát hiện có trường hợp dương tính với virus dại. 

Ông Đào Văn Tâm, phụ trách Trạm Thú y huyện Bát Xát cho hay, hiện do thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là sự ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ngập lụt và sạt lở một số địa phương trên địa bàn là điều kiện thuận lợi để virus dại từ động vật hoang dã xâm nhiễm vào đàn chó nuôi chưa được tiêm phòng vacxin dại, làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh dại.

Tại tổ 13, thị trấn Bát Xát, ngày 23/9/2024, Trạm nhận được thông tin về trường hợp người dân đi tiêm phòng vacxin phòng, ngừa bệnh dại tại Trung tâm Y tế huyện. 

Qua điều tra dịch tễ, ông Lù A Nguyên mua con chó hơn 1 tháng tuổi ở xã Bản Vược vào tháng 4/2024, chưa được tiêm phòng. Sau đó, con chó có biểu hiện ốm, bỏ ăn, ủ rũ và cắn 2 người trong nhà và 2 người hàng xóm, ngày 24/9 con chó đã chết. 

Trạm Thú y đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm đầu chó gửi đi xét nghiệm. Tới ngày 26/9/2024, Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương khẳng định mẫu bệnh phẩm dương tính với virus dại. Tuy vậy, gia chủ không đi tiêm phòng vacxin cho tới khi chính quyền địa phương vào vận động. Trạm đã đề nghị cần giám sát chặt chẽ, theo dõi, nhắc tiêm đủ mũi, đủ liều với 2 trường hợp này.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 5/10/2024 tại tổ 14, thị trấn Bát Xát, con chó của gia đình bà Nông Thị Xí (nặng 5kg, tiêm phòng vacxin dại ngày 27/9/2024) đã cắn 2 người. Khoảng 10 ngày sau, con chó đã chết và được chôn lấp, phun khử trùng theo đúng quy định.

Cũng tại tổ 14, con chó của gia đình ông Phan Văn Chắn (nặng 7kg, chưa được tiêm phòng) đã cắn 3 người và 3 người này phải đi tiêm vacxin. Tới ngày 8/10/2024, Trạm đã phối hợp với UBND thị trấn Bát Xát tổ chức tiêu huỷ con chó trên theo quy định.

“Chúng tôi đã cấp phát cho UBND thị trấn Bát Xát tổng số 216 lít hóa chất để tổ chức phun khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch, khu vực xung quanh ổ dịch; giám sát chặt chẽ ổ dịch, kịp thời phát hiện các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh trên địa bàn, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, tiêm phòng triệt để vacxin dại cho đàn chó  trên địa bàn”, ông Đào Văn Tâm nói.

Ở vùng cao, người dân có thói quen nuôi chó để giữ nhà, nhưng ít nuôi nhốt. Ảnh: H.Đ.

Ở vùng cao, người dân có thói quen nuôi chó để giữ nhà, nhưng ít nuôi nhốt. Ảnh: H.Đ.

Thiệt mạng vì bệnh dại, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm 

Trước việc phát hiện trường hợp chó dại nói trên, UBND huyện Bát Xát tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật và công tác quản lý đàn chó trên địa bàn huyện. 

Ông Tô Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát yêu cầu các xã, thị trấn tuyệt đối không để trường hợp người dân nào bị chó, mèo cắn, cào không chấp hành đi tiêm phòng vacxin dự phòng. Địa phương nào chủ quan lơ là, không triển khai nghiêm túc, nếu để xảy ra thiệt hại về tính mạng con người thì lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Huyện Ủy, UBND huyện Bát Xát.

Thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi; nuôi một con chó, mèo cũng phải kê khai chăn nuôi; xây dựng quy chế nuôi và quản lý đàn chó; lập sổ theo dõi và cập nhật thông tin, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, số chó nuôi; đồng thời tổ chức rà soát, tiêm phòng dại đảm bảo đạt tỷ lệ 100%…

Hiện nay, Trạm Thú y huyện Bát Xát đã chuẩn bị đầy đủ vacxin, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và tổ chức triển khai công tác tiêm phòng vắc xin kỳ II/2024 cho đàn vật nuôi.

Ông Đào Văn Tâm, phụ trách Trạm Thú y huyện Bát Xát cho hay, một số những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi ở vùng cao là nhận thức của một số người dân còn hạn chế, hiểu biết chưa đầy đủ về lợi ích và tầm quan trọng của việc tiêm phòng vacxin nhất là phòng bệnh dại cho đàn chó. Bà con có thói quen thả rông, không nuôi nhốt chó. Trong khi địa hình chia cắt, dân cư ở rải rác, không tập chung…  nên cán bộ, nhân viên thú y cần nêu cao trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ. 

Đến nay, Trạm Thú y Bát Xát đã phối hợp tổ chức tiêm được 3.402 liều vacxin cho đàn gia súc, gia cầm kỳ 2 năm 2024; riêng vacxin dại là 734 liều, lũy kế cả năm 4.177 liều… Đồng thời, tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2024, 21/21 xã, thị trấn đã tiếp nhận hoá chất và triển khai, thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng. Tổng số hoá chất đã cấp cho các xã, thị trấn thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 2 là 1.000 lít hóa chất Benzaldehyde, ước diện tích phun đạt 2 triệu mét vuông... 

Để thắt chặt công tác quản lý vật nuôi, huyện Bát Xát chỉ đạo thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên tổ, đội bắt giữ, xử lý chó thả rông, chó không tiêm phòng vacxin dại và xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 và Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.