| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao say mê nuôi lợn đen bản địa an toàn sinh học

Thứ Tư 09/10/2024 , 21:45 (GMT+7)

LÀO CAI Giống lợn đen bản địa thích nghi khí hậu, điều kiện chăn nuôi ở vùng cao đã mở ra hướng đi mới, giúp tăng thu nhập cho người dân huyện Bát Xát.

Chăn nuôi quy mô hàng hóa giúp các hộ dân có thu nhập ổn định từ con lợn đen. Ảnh: H.Đ.

Chăn nuôi quy mô hàng hóa giúp các hộ dân có thu nhập ổn định từ con lợn đen. Ảnh: H.Đ.

Xu hướng nuôi lợn đen bản địa

Sinh sống ở vùng cao huyện Bát Xát (Lào Cai) chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của họ đầy rẫy khó khăn, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, giao thông vận tải và các hoạt động kinh tế khác chưa phát triển... Sinh kế của bà con trông chờ vào sản xuất nông nghiệp nhưng với quy mô nhỏ lẻ nên khó phát triển kinh tế gia đình. 

Trước thực trạng đó, huyện Bát Xát đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện, khí hậu địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao. Thịt lợn đen thơm ngon, chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bát Xát cho hay, xu thế chăn nuôi lợn đen bản địa là chủ trương của huyện trong phát triển chăn nuôi cho người dân vùng cao để gia tăng thu nhập. Các xã vùng cao ưu tiên phát triển chăn nuôi lợn đen, còn vùng thấp chăn nuôi lợn thịt. Ưu thế là giống lợn này có thể chịu rét, ưa chăn thả nên thịt thơm ngon khác biệt so với lợn nuôi công nghiệp.

Tuy nhiên, việc chăn nuôi loài vật này cũng đối mặt với những thách thức, thời gian sinh trưởng dài, trọng lượng khi xuất chuồng thấp và chi phí sản xuất cao. Lợn đen bản địa chỉ nuôi từ 18-20kg trong vòng 6 đến 8 tháng là xuất bán vì trên 30kg lợn sẽ béo, mỡ và không còn nạc. Vì trọng lượng nhỏ nên lợn đen được bà con còn gọi là lợn cắp nách.

12 xã vùng cao của huyện Bát Xát đã có những mô hình chăn nuôi lợn đen quy mô từ 20-30 con trở lên cho thấy hiệu quả kinh tế và tạo được từ 1-2 việc làm tại chỗ. Tuy nhiên, còn nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ 1 đển 2 con, mang tính chất tự cung tự cấp, không theo hướng hàng hóa, dẫn đến hiệu quả thấp.

"Vacxin tiêm phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi có giá 69.000 đồng/liều, có tác dụng 4-5 tháng. Trong khi, lợn đen bản địa từ lúc sinh ra đến lúc xuất chuồng từ 6-8 tháng thì phải tiêm 2 mũi, làm chi phí tăng. Mặt khác, một tép 10 mũi vacxin mà nhà chỉ có 3-4 lợn sẽ rất lãng phí. Khi không chú trọng tiêm vacxin rủi ro dịch cao", ông Lý Khánh Lâm lý giải.

Để khắc phục những khó khăn trên, huyện Bát Xát đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, cung cấp giống lợn chất lượng, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ vốn... Có nhiều hộ gia đình đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn đen quy mô hàng hóa, giúp nâng cao thu nhập và bảo tồn nguồn được nguồn gen quý cho địa phương.

Bà con xây chuồng, khu chăn thả lợn đen đảm bảo phòng dịch bệnh. Ảnh: H.Đ.

Bà con xây chuồng, khu chăn thả lợn đen đảm bảo phòng dịch bệnh. Ảnh: H.Đ.

Không thả rông để hạn chế lây bệnh

Tại xã Nậm Pung của huyện Bát Xát, bà con được khuyến khích chăn nuôi lợn đen bản địa, tạo ra nguồn thu nhập ổn định phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lý Vần Vảng ở thôn Tà Chải của xã Nậm Pung từ năm 2022 đã mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua giống lợn đen về nuôi. Hiện với đàn lợn 84 con, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 110 triệu đồng, đã trừ chi phí và công chăm sóc của hai vợ chồng.

"Ôi nuôi đơn giản thôi. Tôi không nuôi lợn trắng mà chọn nuôi lợn đen vì nhu cầu khách hàng cao. Người ta mang lồng sắt đến mua suốt, giá lợn đen 120.000 đồng/kg rồi. Tuy nhiên, phải lưu ý phòng chống dịch cho đàn lợn. Từ khi nuôi đến nay, đàn lợn của tôi cũng không phát sinh bệnh dịch", ông Lý Vần Vảng cho hay.

Cũng theo người đàn ông này, khi lợn còn bé, người chăn nuôi phải quan sát, theo dõi trong quá trình chăm sóc, đặc biệt tiêm phòng sớm vì một con nhiễm bệnh có thể mất cả đàn. Khi thấy khác thường, có biểu hiện dịch bệnh phải cách ly, chữa trị ngay. Còn mùa đông, chuồng lợn phải được ủ ấm bằng rơm, cho ăn bổ sung để tăng cường sức đề kháng...

"Gia đình tôi duy trì khoảng 5-6 con lợn nái, một năm đẻ 3 lứa nên nay không tốn kém đầu tư về giống. Nuôi lợn đen phải có bãi chăn thả, quây rào vì thả rông lợn dễ nhiễm bệnh. Cho lợn ăn ngô, ăn cỏ và duy trì 1-2 bãi bùn cho đàn lợn có nơi bới đất, dũi đất; chuồng trại phải sạch sẽ, khử trùng diệt mầm bệnh; chất thải chăn nuôi phải được xử lý", ông Lý Vần Vảng chia sẻ kinh nghiệm.

Từ định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai và chủ trương của huyện Bát Xát, xã Nậm Pung đã tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để nhân rộng mô hình này...

Theo ông Lý Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung (huyện Bát Xát, Lào Cai), để phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa bền vững, có những hộ đã tự chủ được con giống, cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn; đồng thời xã khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại... Qua đó, góp phần cùng huyện hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 tấn lợn đen thương phẩm, giúp người dân có nguồn thu ổn định, bền vững.

Chăn nuôi lợn đen cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.Đ.

Chăn nuôi lợn đen cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.Đ.

Tiêm phòng dịch để đạt hiệu quả kinh tế cao

Trong những năm gần đây, nhà nước có chính sách hỗ trợ vacxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn cổ điển... tiêm cho đàn vật nuôi của bà con vùng cao. Cán bộ thú y cùng chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện triển khai tiêm phòng dịch bệnh diện rộng, một năm hai kỳ. Tuy nhiên, có những loại vacxin không được hỗ trợ, song một số bà con vùng cao có tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào nhà nước.

Ông Đào Văn Tâm, Phụ trách Trạm thú y huyện Bát Xát cho biết, trong chăn nuôi công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng vắcxin là hết sức quan trọng. Và là một trong những yếu tố quyết định thành bại, hiệu quả kinh tế khi chăn nuôi.

Tuy nhiên, do đặc thù vùng cao, đa số bà con dân tộc thiểu số vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ; nhận thức về giá trị tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi chưa cao. Bà con chưa mạnh dạn bỏ kinh phí để mua vacxin tiêm cho đàn vật nuôi. Chính vì vậy, có trường hợp lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại về kinh tế cho hộ gia đình.

Trước thực tế này, Trạm thú y huyện Bát Xát tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân bỏ kinh phí mua vacxin để tiêm cho đàn vật nuôi. Đến nay, những hộ chăn nuôi sản xuất theo hướng hàng hóa đã chủ động mua vacxin về tiêm cho đàn vật nuôi phòng bệnh: Gà rù, tụ huyết trùng, dịch tả lợn Châu Phi... Quá trình chăn nuôi, những điểm được tiêm phòng vacxin đầy đủ không phát sinh dịch bệnh.

Cũng theo ông Đào Văn Tâm, việc đầu tư tiêm vắcxin so với giá trị tổng đàn và hạch toán kinh tế chỉ là một phần nhỏ trong chi phí chăn nuôi. Quá trình chăn nuôi ổn định được dịch bệnh thì hiệu quả kinh tế cũng được đảm bảo theo và quyết định sự thành công của nông hộ.

Do vậy, người chăn nuôi nên đầu tư khoa học kỹ thuật, vacxin tiêm phòng dịch bệnh và hóa chất khử trùng chuồng trại đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trước nguy cơ dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.