| Hotline: 0983.970.780

Ngăn nguy cơ bùng phát dịch bệnh để tái đàn an toàn

Thứ Tư 02/10/2024 , 14:38 (GMT+7)

LÀO CAI Bà con vùng cao Bát Xát (Lào Cai) gấp rút xử lý môi trường, vệ sinh, khử trùng chuồng trại loại bỏ mầm bệnh trước khi tái đàn, ổn định sinh kế.

Hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Bát Xát chủ động phun khử trùng cho trại lợn dưới sự hướng dẫn của cán bộ thú ý. Ảnh: H.Đ.

Hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Bát Xát chủ động phun khử trùng cho trại lợn dưới sự hướng dẫn của cán bộ thú ý. Ảnh: H.Đ.

Tiêu diệt mầm bệnh, tránh bùng phát dịch

Sau khi dọn sạch cả mét bùn đất, xác động vật thối bị mắc kẹt lại sau khi 3 dẫy chuồng bị ngập nước, ông Hồ Văn Thắng, thôn An Quang, xã Quang Kim (huyện Bát Xát) tiếp tục rải vôi bột, khun khử khuẩn trước khi lùa đàn lợn ở trên đồi về.

Ông Hồ Văn Thắng nhớ lại, lũ lên nhanh lắm, trên 2 mét, chưa kịp căng lưới dọc bờ ao đến khoảng 10h đành bỏ cá để lùa lợn lên đồi. Rất may, nhà tôi có địa hình đồi núi nên đàn lợn có chỗ chạy lên. Xung quanh nước bao bọc như ốc đảo. Hai vợ chồng sau khi gửi con lùa từng con một. Giống lợn nái lùa lên lại chạy về chuồng nên rất vất vả cộng với mấy con lợn sắp đẻ nên tới 1-2h sáng mới lùa xong. 

Trong những ngày lũ, gia đình ông cho đàn lợn ăn cầm chừng với rau cỏ ngoài tự nhiên. Sau đó, mưa tầm tã mấy ngày nhưng toàn bộ số lợn sinh sản, lợn thịt vẫn khỏe mạnh, duy chỉ có số lợn mới sinh bị chết gần 20 con. 

Sau khi nước rút, gia đình ông dọn dẹp ngay chuồng trại vì nước sông mang mầm bệnh, xác động vật thối giữa kèm bùn đất, nguy cơ bùng phát dịch rất cao. 

"Bùn ngập lên gần đầu gối, vợ chồng tôi dọn, xịt rửa và rắc vôi bột chưa tôi, rồi phun khử khuẩn nhiều lần trước khi lùa đàn trở về chuồng", ông Hồ Văn Thắng chia sẻ. 

Trước thiệt hại của bà con nông dân và việc nóng lòng tái đàn cho kịp thời điểm cuối năm, cán bộ thú y thường xuyên xuống nắm bắt tình hình dịch bệnh tại địa phương, phát thuốc khử trùng, hướng dẫn người dân khử trùng diện rộng, phun xung quanh chuồng trại, trên mái nhà, nền chuồng, hố phân, tường và đường đi lại… làm sạch môi trường, trước khi tái đàn. 

Các vật dụng bên trong chuồng trại cũng được khử khuẩn trước khi đưa vào sử dụng. Cho đến nay, tại huyện Bát Xát chưa xuất hiện hiện tượng nào đáng nghi ngại về bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Cùng với những hộ chăn nuôi khác, khoảng 15 ngày sau khi vệ sinh môi trường, chuồng trại, tiêu  diệt các mầm bệnh, bà con sẽ tái đàn.

Riêng hộ ông Hồ Văn Thắng sẽ thả thêm khoảng 40 con lợn để nuôi gối, tăng đàn từ 80 lên 120 con. Sau khoảng 3 tháng nữa, đúng dịp cuối năm, trang trại có để cung ứng ra thị trường lứa lợn đầu tiên sau mưa lũ để giảm thiểu thiệt hại.

Công tác khử trùng, tiêu độc giúp những hộ dân sớm khôi phục sản xuất. Ảnh: H.Đ.

Công tác khử trùng, tiêu độc giúp những hộ dân sớm khôi phục sản xuất. Ảnh: H.Đ.

Cung cấp hóa chất khử trùng, kịp thời tái đàn 

Kinh nghiệm của ông Nguyễn Duy Đễ ở tổ 1, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) cho thấy, mặc dù khu vực thị trấn không bị ngập úng nặng nhưng sau mưa lũ độ ẩm cao tạo môi trường thuận lợi bùng phát dịch bệnh. Gia cầm thời điểm này dễ nhiễm bệnh đường ruột, tiêu chảy… 

Gia đình ông hiện còn khoảng 1.000 con gà, ngan, vịt. Và để tăng đàn trở lại cần phải khử trùng, rắc vôi bột, cho vật nuôi tiêm đủ liều vacxin.

"Tôi chuẩn bị vào gần 1.000 con gia cầm các loại để chuẩn bị xuất chuồng vào cuối năm, vịt thì 2 tháng, gà và ngan 3 tháng 10 ngày. Khó khăn hiện nay là nguồn cung cấp giống hạn chế, giá tăng khoảng 2.000 đồng mỗi con giống. Gà mái khoảng 7.000 đồng/con, gà đực khoảng 15.000 đồng/con, vịt khoảng 13.000 - 15.000 đồng/con...”, ông Nguyễn Duy Đễ cho hay.

Cũng ở huyện Bát Xát, xã Quang Kim và xã A Lù đều bị sạt lở, ngập nặng, riêng vùng sạt lở A Lù đã có thể di chuyển được bằng ô tô. Ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã A Lù cùng với cán bộ thú y Phào Láo Lở sử dụng xe cá nhân để vận chuyển 300 lít hóa chất để khử trùng tiêu độc, chuẩn bị cho người dân tái sản xuất.

Cán bộ thú y hướng dẫn người dân pha thuốc phun khử trùng. Ảnh: H.Đ.

Cán bộ thú y hướng dẫn người dân pha thuốc phun khử trùng. Ảnh: H.Đ.

Theo ông Đào Văn Tâm, Phụ trách Trạm Thú y huyện Bát Xát, Trạm phối hợp Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để tham mưu UBND huyện chỉ đạo triển khai tới các địa phương thực hiện đồng bộ công tác khử trùng tiêu độc.

Trong đó, huyện chú trọng đến môi trường chăn nuôi, môi trường có nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao, môi trường công cộng tại các chợ, nơi tập trung buôn bán thực phẩm trên địa bàn huyện. Tính đến thời điểm này, trạm đã cấp phát 20.000 lít hóa chất cho các xã, thị trấn.

Công tác khử trùng tiêu độc gặp một số khó khăn do đường bị sạt lở, tuy nhiên đường đã thông và số hóa chất được bàn giao ngay cho địa phương, cùng cán bộ thú y xã tiếp nhận triển khai phun đồng bộ tới từng thôn bản. Khi công tác khử trùng tiêu độc hoàn thành sẽ triển khai tái chăn nuôi, khôi phục sinh kế của bà con. 

“Việc khôi phục sản xuất, tái đàn để đảm bảo nhu cầu cuộc sống về thực phẩm, đảm bảo sinh kế cho người chăn nuôi. Chúng tôi khuyến cáo bà con gia cố chuồng trại, đảm bảo che nắng, che mưa, thoáng mát và tránh gió lùa. Thu gom rác thải, các chất độn chuồng, xác chết động vật phải được chôn lấp theo quy định.

Phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, sát trùng chuồng trại bằng vôi bột hoặc chế phẩm sinh học. Khi vào đàn, vật nuôi phải được tiêm vacxin đầy đủ và bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi đảm bảo sức đề kháng để vật nuôi sinh trưởng phát triển”, ông Đào Văn Tâm nói.

Bảo vệ đàn gia súc bằng vacxin

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai thiệt hại tổng số hơn 60.000 gia súc, gia cầm các loại trong đó có nhiều vật nuôi có giá trị như trâu bò, lợn, dê, cừu… hơn 1.000 chuồng trại của bà con bị hư hỏng gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi.

Theo ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, ngành chăn nuôi xác định những nhiệm vụ quan trọng đó là huy động, vận động bà con tái đàn đảm bảo tăng trưởng của ngành, ổn định đời sống người dân.

Bà con nông dân vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và tăng đàn khôi phục sản xuất. Ảnh: H.Đ.

Bà con nông dân vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và tăng đàn khôi phục sản xuất. Ảnh: H.Đ.

So với nhiều tỉnh, thành, ngành chăn nuôi, thú y Lào Cai thiệt hại không quá lớn lại mang tính an sinh xã hội, ảnh hưởng đời sống người chăn nuôi, cung cầu thị trường. 

Trước khi tái đàn, triển khai phòng chống dịch bệnh bởi sau mưa lũ, toàn bộ môi trường bị ô nhiễm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo 9 trạm thú y các huyện, thành phố tiến hành rà soát, kiểm kê, đánh giá và tổ chức khử khuẩn. 

Đến nay, 152/152 xã, phường đã tiến hành khử khuẩn. Ngoài ra, ngành thú y ký phối hợp ngành y tế trong khử khuẩn đảm bảo môi trường sinh hoạt của người dân. Với ngành y tế, khử khuẩn liên quan đến con người, dụng cụ, trang thiết bị trong nhà, nước uống dụng cụ sinh hoạt... còn ngành chăn nuôi khử khuẩn toàn bộ diện tích liên quan chăn nuôi, thủy sản của bà con nông dân. 

“Chúng tôi cố gắng không để dịch bệnh xảy ra gây ảnh hưởng đời sống của bà con và ngành chăn nuôi. Khó khăn trong thời gian tới là kế hoạch của tỉnh Lào Cai mới chỉ cấp hóa chất khử khuẩn cho động vật trên cạn, còn toàn bộ hóa chất khử khuẩn cho môi trường thủy sản chưa được cấp.

Chúng tôi đã lập tờ trình báo cáo Sở NN-PTNT để trình UBND tỉnh Lào Cai mua hóa chất và cấp phát theo đúng quy định của pháp luật, hỗ trợ bà con nông dân khôi phục ngành thủy sản”, ông Phạm Bá Uyên nói.

Ngoài việc việc khử trùng, hiện tại các địa phương tiến hành tiêm phòng đồng loạt gia súc, gai cầm trên các xã phường, thị trấn để phòng tránh dịch tả lợn Châu Phi, tụ huyết trùng trâu bò...

Sau cơn bão, các loại dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát và ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi. Song song với việc khử khuẩn sẽ thực hiện tiêm phòng kỳ 2 năm 2024 cho toàn bộ gia súc, gia cầm các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Uyên chia sẻ thêm.

Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai đã cấp 15,5 tấn hóa chất phục vụ cho việc khử khuẩn và 4 tấn hóa chất do các nhà hảo tâm tài trợ cho ngành cũng đã được cấp phát, triển khai ngay đến từng hộ chăn nuôi.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.