Sầu riêng là cây dễ mẫn cảm mạnh với hạn, mặn; mức độ chịu mặn không cao hơn 0,5 g/l. Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: Trong điều kiện hạn, mặn kéo dài hiện nay, thiếu nước ngọt trầm trọng để “giải khát” cho cây, bà con cần cắt cành, tạo tán, không để trái hoặc làm bông trên cây. Nếu cây đã mang trái gần đến ngày thu hoạch phải đảm bảo nước ngọt để tưới.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, sâu bệnh cũng hoành hành, đặc biệt là bệnh thán thư và bộ rễ bị hư hại do thời gian dài nông dân xử lý cho trái vụ trước. Vì vậy, cần tìm nguồn nước ngọt để pha thuốc khi phun, cố gắng tưới đủ ẩm nuôi cây để cầm cự qua mùa hạn, mặn.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, cho biết: Năm nay xâm nhập mặn diễn ra gay gắt hơn các năm, tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và cây ăn trái trầm trọng.
Đặc biệt tỉnh Tiền Giang có rất nhiều cây ăn trái đặc sản nổi tiếng bị thiệt hại nặng nề, trong đó cây sầu riêng có diện tích lớn nhất ĐBSCL, chiếm gần 10.000ha. UBND tỉnh Tiền Giang phải chi hàng chục tỷ đồng thuê sà lan chở nước ngọt từ nơi khác về phục vụ cho người dân có nước sinh hoạt và tưới vườn cứu cây ăn trái.
Để đảm bảo cây ăn trái vượt qua mùa hạn, mặn, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chủ động sử dụng tối đa nguồn nguyên vật liệu hữu cơ có sẵn trong tự nhiên để giữ độ ẩm cho cây như: rơm rạ, lục bình, cỏ khô, lá cây hoặc màng phủ nông nghiệp.
Vận dụng kinh nghiệm lâu năm trồng cây sầu riêng, lão nông Nguyễn Văn Tám ở xã An Thái Trung, huyện Cái Bè chăm chút cho 90 gốc sầu riêng giống Ri 6 đã trồng được 15 năm tuổi. Ông luôn lấy phân bón hữu cơ làm nền tảng để trồng cây, phân giúp đất luôn giữ ẩm tốt, tiết kiệm nước tưới. Ông Tám cho biết, thời tiết năm nay làm nhiều nơi mất mùa, nhiều hộ gia đình phải cưa cây, phá vườn, phơi đất để trồng lại cây mới.
Nhưng ông đã tích lũy kinh nghiệm từ nhiều năm qua để tranh thủ xử lý cả vườn sầu riêng ra trái nghịch vụ để bán được giá cao.
Hiện 90 gốc Ri 6 đã được ông Tám che nilon được 3 ngày để kích thích làm bông, sau ba tuần che phủ sẽ giúp cây ra bông.
Ước tính sản lượng năm nay đạt 12 tấn trái vào cuối tháng 8 âm lịch thu hoạch, nếu bán được giá 70.000 đồng/kg, ông có thể thu về 840 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí còn lãi 600 triệu đồng.
Năm 2019, ông thu hoạch 12 tấn trái, bán giá 86.000 đồng/kg, sau khi trả tiền công và vật tư còn lãi hơn 650 triệu đồng.
Ông Tám chia sẻ thêm: Cái quan trọng nhất là phải chu cấp cho cây sầu riêng đủ lực, tức cây phải khỏe mạnh. Người trồng phải hiểu được từng giai đoạn phát triển của cây, sử dụng phân bón đúng loại, đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời điểm cây cần. Phân bón hữu cơ cho cây sầu riêng là vô cùng quan trọng, phải cung cấp đủ từ 25 kg phân bón/cây/năm trở lên cây mới khỏe mạnh, ít sâu bệnh tấn công.