| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 24/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 24/06/2015

Xử phạt nói tục, có khả thi?

Hà Nội sắp quy định chế tài và sẽ tiến hành xử phạt những người nói tục ở các công sở và những nơi công cộng. Tin đó được nhiều báo và trang mạng đồng loạt đưa tin.

Đây là một chủ trương rất tốt và rất đúng, với mục đích lấy lại nét thanh lịch của “người Tràng An” xưa thông qua lời ăn tiếng nói (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Chẳng thanh, chẳng lịch cũng người Tràng An - ca dao), hiện đang bị xuống cấp ngày càng trầm trọng do lối ăn nói xô bồ, tục tĩu tràn ngập từ ngoài đường phố đến các công sở.

Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, thì để làm được việc này, cần phải qua những bước cụ thể.

Trước hết là phải định nghĩa thế nào là “tục”? Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, thì theo cách hiểu thông thường, tục là những từ ngữ tục tĩu nhằm mục đích đả kích, miệt thị đối phương thông qua lời nói, hành động, cách thể hiện cảm xúc.

Nó được quy gọn theo các nhóm từ ngữ, cụ thể như: Nhóm từ ngữ chỉ cơ quan sinh dục; thứ hai là nhóm từ ngữ chỉ các chất thải, chất bẩn và thứ ba là nhóm từ ngữ chỉ sinh hoạt tình dục, chuyện phòng the.

Đó là những nhóm từ được dân gian kiêng kỵ, coi là thiếu văn hóa trong khi giao tiếp. Nhưng, điều quan trọng hơn, là những từ ngữ tục tĩu ấy được nói ra trong hoàn cảnh nào? Trong ngữ cảnh nào?

Nói trong lúc vui đùa chứ không nhằm mục đích miệt thị, hạ nhục ai đó, hay những từ ngữ đó nằm trong một câu chuyện tiếu lâm được kể, thì có bị coi là có hành vi nói tục không?

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tình, từ tục để nghe và nhận biết, thì ai cũng có thể biết. Nhưng nếu để định nghĩa và liệt kê thành danh sách các từ nói tục cụ thể nhằm bắt lỗi, xử phạt thì rất khó.

Nhưng ngay cả khi đã liệt kê được thành danh sách các từ nói tục cụ thể để đủ điều kiện bắt lỗi, xử phạt rồi, thì việc xử phạt cũng rất khó. Ra quyết định xử phạt về hành vi nói tục là việc của cơ quan có thẩm quyền chứ không phải của bất kỳ người dân hay người đứng đầu các cơ quan nào.

Muốn xử phạt, trước hết phải lập biên bản vi phạm. Mà muốn lập biên bản phải có chứng cứ. Lời nói gió bay. Người bị lập biên bản có thể cãi xóa là tôi không nói tục. Bên bảo có, bên bảo không, cãi nhau có đến… mùa quýt cũng không phân giải được.

Còn muốn lưu lại chứng cứ, thì chẳng lẽ mỗi người đều phải thủ sẵn trong mình một cái máy ghi âm.

Thứ hai, là việc nói tục hiện đang diễn ra ở khắp nơi trên thành phố, cũng giống như việc nhổ nước bọt của người đi xe máy khi tham gia giao thông, người đâu mà theo dõi cho hết để xử phạt?

Xem ra, việc này khó khả thi.

Biện pháp hiệu quả nhất, nên mở một chiến dịch tuyên truyền, nhằm khơi dậy ý thức tự giác của người dân, động viên người dân nhắc nhở lẫn nhau không nói tục chửi bậy, tránh xa những từ đó trong giao tiếp.

Việc tuyên truyền cần làm thường xuyên. Cứ như vậy, như “mưa dầm thấm đất”, sự thanh lịch của “người Tràng An” qua ngôn ngữ giao tiếp, sẽ dần dần trở lại.

Bởi không phải cái gì cũng phạt mà được.