Thời gian qua, người dân các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) đã đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang 1 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc lên líp trồng cây ăn trái như sầu riêng, cam, bưởi, mít, tắc, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện thu nhập.

Thời gian qua tỉnh Vĩnh Long đã chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây lây năm. Ảnh. Lê Hùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, năm 2024, diện tích trồng cây lâu năm trên địa bàn tỉnh là 72.239ha, tăng 1.685ha so với năm 2023. Từ đầu năm 2025 đến nay, diện tích trồng cây lâu năm của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tăng thêm khoảng 168ha, nâng tổng diện tích lên 72.407ha, trong đó diện tích cây cho sản phẩm gần 62.756ha.
Huyện Trà Ôn là một trong những địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Năm 2024, diện tích trồng cây lâu năm trên địa bàn huyện là 18.915ha, tăng 19,5ha so với năm 2023, trong đó cây ăn quả gần 16.431ha, cây công nghiệp lâu năm hơn 2.484ha.

Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm đã giúp tỉnh Vĩnh Long khai thác hiệu quả đất đai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Lê Hùng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trà Ôn, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trên địa bàn huyện thời gian qua đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.
Năm 2024, ông Trịnh Văn Điện ở thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn) mạnh dạn chuyển đổi gần 3 công đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, trong đó 2 công trồng dừa, 1 công đất trồng tắc tứ quý. Ông Điện cho biết sau khoảng 5 tháng trồng, tắc tứ quý cho trái, hiện mỗi tháng ông thu được khoảng 40kg trái, bán với giá từ 6.000 đến 10.000đ/kg. Nguồn thu từ 1 công đất trồng tắc tứ quý cũng đủ giúp gia đình ông trang trải sinh hoạt hàng ngày.

Với việc chuyển đổi gần 3 công đất trồng lúa sang trồng dừa và tắc tứ quý đã giúp cuộc sống của gia đình ông Trịnh Văn Điện ở thấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn) bớt chật vật hơn trước. Ảnh: Lê Hùng.
Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2025, huyện Trà Ôn đặt mục tiêu chuyển đổi ít nhất 10ha đất trồng lúa kém hiệu quả ở các xã Hựu Thành, Hòa Bình, Nhơn Bình, Xuân Hiệp, Trà Côn, Tân Mỹ, Vĩnh Xuân và thị trấn Trà Ôn sang trồng sầu riêng, mít, tắc, mận cho giá trị kinh tế cao hơn. Hiện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trà Ôn đang phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo quy định của pháp luật.