| Hotline: 0983.970.780

Xuân Lộc về đích Nông thôn mới nâng cao: [Bài 2] Lấy an sinh và phúc lợi xã hội làm trọng tâm

Thứ Tư 27/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đồng Nai Nhờ những thành tựu của chương trình Nông thôn mới mà ngày càng có những công trình, hoạt động đang phục vụ tốt hơn cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân.

Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải) cùng bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (giữa) đi thăm hỏi đời sống bà con trên địa bàn huyện.

Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải) cùng bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (giữa) đi thăm hỏi đời sống bà con trên địa bàn huyện.

Người dân là chủ thể và đối tượng thụ hưởng

Ngay từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) luôn xác định người dân là chủ thể và cũng là đối tượng thụ hưởng các thành quả. Các chương trình phải được đi vào thực tế, cho người dân và để dân đánh giá. Khi đời sống vật chất được cải thiện thì văn hóa, giải trí của bà con là nhu cầu cấp thiết. 

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương của huyện Xuân Lộc quan tâm sâu sát trong việc triển khai thực hiện và huy động các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với các phong trào thi đua của ngành giáo dục và đào tạo. Huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. 

“Chúng tôi tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, xem đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và kết quả học tập, phát huy sự năng động và sáng tạo của giáo viên trong giảng dạy...”, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc chia sẻ.

Trường Tiểu học và THCS bán trú Huỳnh Văn Nghệ với 100% vốn xã hội hóa sắp được đưa vào hoạt động. Ảnh: Lê Bình.

Trường Tiểu học và THCS bán trú Huỳnh Văn Nghệ với 100% vốn xã hội hóa sắp được đưa vào hoạt động. Ảnh: Lê Bình.

Những ngày này, công trình trường Tiểu học và THCS bán trú Huỳnh Văn Nghệ (thị trấn Gia Ray) đang gấp rút hoàn thiện, chuẩn bị những khâu cuối cùng để đón 700 em học sinh về đây học tập. Đây là công trình có 100% vốn xã hội hóa, với tổng mức đầu tư là 100 tỷ đồng, hiện hoàn thành giai đoạn 1 và tiếp tục sang giai đoạn 2.

Công trình với sự hỗ trợ về mặt kinh phí của Tập đoàn Phong Thái nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em lao động của công ty và người dân trên địa bàn an tâm có một cơ sở học tập bán trú đầu tiên của huyện. Điều này cũng phù hợp với thời gian làm việc của công nhân, kể cả có tăng ca. Việc đưa vào vận hành công trình còn giúp giảm áp lực về cơ sở vật chất khi số lượng trẻ đang trong độ tuổi học tập ngày càng tăng cao.

Hàng năm, UBND huyện Xuân Lộc cũng trao hàng ngàn suất học bổng, tiếp sức tới trường cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp khích lệ tinh thần và tạo điều kiện để các em an tâm tới trường, học tập tốt hơn.

Xuân Lộc xác định bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

UBND huyện Xuân Lộc thường xuyên phối hợp với các tổ chức để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ảnh: Lê Bình.

UBND huyện Xuân Lộc thường xuyên phối hợp với các tổ chức để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ảnh: Lê Bình.

Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT là 192.336/199.232 người, chiếm trên 96%. Tổng số người được quản lý sức khỏe trên phần mềm khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn đạt tỷ lệ 95%.

Đội ngũ y bác sĩ trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao chuyên môn. Cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cũng được huyện đầu tư đồng bộ, phù hợp với những yêu cầu kĩ thuật mới.

UBND huyện Xuân Lộc cũng thường xuyên phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và các tổ chức quốc tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân, các hộ gia đình chính sách và mẹ Việt Nam anh hùng…

Điều này càng thể hiện đúng tinh thần mà Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định người dân là đối tượng được thụ hưởng những thành quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy, mục tiêu cuối cùng là đời sống người dân được nâng lên”.

Lần đầu tiên chúng tôi về xã Xuân Phú cách đây khoảng 13 năm trước. Khi ấy, Xuân Phú còn nhiều khó khăn, được coi là “vùng trũng” của huyện. Thế nhưng, Xuân Phú ngày hôm nay thật sự “thức giấc” nhờ chương trình Nông thôn mới.

Xã Xuân Phú đã hoàn toàn 'lột xác' nhờ chương trình Nông thôn mới. Ảnh: Lê Bình.

Xã Xuân Phú đã hoàn toàn "lột xác" nhờ chương trình Nông thôn mới. Ảnh: Lê Bình.

Xuân Phú có 1 nhà máy, khu nhà xưởng sấy trái cây với công nghệ hiện đại nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm trái cây tại huyện Xuân Lộc và các vùng phụ cận.

HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Tiến là một trong những HTX khá chủ động trong việc tìm đối tác, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên của HTX. Nhờ linh hoạt và sáng tạo trong lối canh tác, HTX đã liên kết trồng lúa và bắp xen canh. Ngoài điện thắp sáng thì huyện đã chỉ đạo đưa điện sản xuất đến vùng sản xuất. Điều này giúp tăng 3 vụ/ năm. Đây là HTX được Xuân Lộc chọn làm thí điểm cơ giới hóa trong sản xuất.

Tại xã Lang Minh, những con đường được trải thảm bê tông rộng thẳng tắp, hai bên đường được phủ các loại hoa đủ màu sắc, những vườn trái cây nặng trĩu quả, phủ màu xanh bạt ngàn. Từ những mặt ao, hồ bị bỏ hoang, xã Lang Minh đã sử dụng các cây thủy sinh như bông Sen, bông Súng... để “thổi hồn” thành ao hồ cảnh quan môi trường sạch đẹp, thu hút khách tham quan đến thưởng lãm mỗi ngày. 

“Chúng tôi sẽ liên kết với các vườn mẫu, vườn dừa, cánh đồng hoa hướng dương cho du khách đến tham quan check in, chụp ảnh để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần xây dựng và giữ vững danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Lại Quốc Tặng - Phó Chủ tịch UBND xã Lang Minh chia sẻ.

Những khu vườn hoa đẹp như tranh của Lang Minh đang là điểm đến của nhiều khách du lịch.

Những khu vườn hoa đẹp như tranh của Lang Minh đang là điểm đến của nhiều khách du lịch.

Sau khi được sửa chữa, nâng cấp khang trang và tiếp tục hoạt động vào tháng 5/2022, Trung tâm Văn hóa thông tin xã Xuân Phú tiếp tục phục vụ hiệu quả hơn đời sống của bà con. Từ sáng sớm đến tận khuya muộn, lúc nào cũng có người đến tập yoga, bộ môn tập thể dục, đánh cờ tướng, bóng bàn… Dù trời tạnh hay mưa, Trung tâm cũng luôn nhộn nhịp. 

Bà Nguyễn Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phú cho rằng, muốn huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thành công, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thì vai trò tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên để dân tin, dân ủng hộ có vai trò rất quan trọng.

Hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu

Xuân Lộc đang phấn đấu, duy trì, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tập trung thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu và hướng tới “mô hình nông thôn thông minh”. Theo đó, chú trọng các hoạt động an sinh xã hội như: Y tế, giáo dục, văn hóa…, nhất là khu đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Xuân Lộc phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng 'Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững'.

Huyện Xuân Lộc phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”.

Để làm được điều này, Xuân Lộc sẽ phát triển nông thôn mới gắn chặt với triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Tập trung xây dựng nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

”Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 90 triệu đồng/người/năm, giá trị sản phẩm thu hoạch trên ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 220 triệu đồng/ha/năm”, bà Cát Tiên chia sẻ.

Kinh tế nông nghiệp của Xuân Lộc được tổ chức theo hướng hình thành những trang trại, HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao, tạo thành các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhất là gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, dịch vụ.

Huyện Xuân Lộc có 4 nhà văn hóa dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Xuân Lộc có 4 nhà văn hóa dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, huyện Xuân Lộc có 11 dự án chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm các loại cây trồng. Trong 3 năm qua, huyện thành lập thêm 9 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn lên 34 HTX. 

Thời gian tới, huyện Xuân Lộc tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các tiểu vùng chuyên canh tập trung với mục tiêu cơ bản là nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc xây dựng cánh đồng lớn và các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đã được phê duyệt.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.