| Hotline: 0983.970.780

Xuân Lộc về đích Nông thôn mới nâng cao: [Bài 1] Miền núi lập kỳ tích

Thứ Ba 26/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Xuân Lộc được coi là ‘đất lửa, cánh cửa thép’ trong thời chiến. Đến nay, Xuân Lộc đang lặp lại kỳ tích, trở thành huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Đồng Nai.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thổi vào luồng sinh khí mới để Xuân Lộc chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thổi vào luồng sinh khí mới để Xuân Lộc chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ.

Sau ngày đất nước thống nhất, từ vùng đất chằng chịt hố bom, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc đã làm nên những kỳ tích, thay da đổi  thịt với diện mạo mới, nâng cao đời sống, tinh thần của người dân. Kỳ tích ấy sẽ được lặp lại lần nữa khi Xuân Lộc có thể là huyện đầu tiên của tỉnh “về đích” huyện nông thôn mới nâng cao.

Từ quyết tâm đến những kỳ tích

Những con đường rộng thênh thang, các con hẻm đều được bê tông hóa, những ngôi nhà khang trang ngập tràn sắc màu của cỏ cây hoa lá, những mô hình kinh tế hiệu quả… đó là hình ảnh dễ bắt gặp khi đến với Xuân Lộc. Hiện nay, từ cơ sở vật chất đến thu nhập, đời sống của người dân Xuân Lộc đều đáng mơ ước.

Năm 2014, huyện Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Ngay sau khi đạt chuẩn, huyện đã xây dựng, ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU của huyện ủy về “Nâng cao chất lượng xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015-2020”. Năm 2018, Xuân Lộc được Trung ương chọn là một trong 4 địa phương thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Xuân Lộc xác định lấy nông nghiệp làm nền tảng. Vì thế, UBND huyện Xuân Lộc đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. 

Những con đường được trải thảm nhựa, hai bên đường phủ các loại hoa đủ màu sắc của huyện Xuân Lộc.

Những con đường được trải thảm nhựa, hai bên đường phủ các loại hoa đủ màu sắc của huyện Xuân Lộc.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của huyện Xuân Lộc trong việc cải thiện cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, nước sạch và nâng cao đời sống của nhân dân về mọi mặt.

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nhiều khó khăn bủa vây, đè nặng lên tiến trình chung. Biến động do dịch COVID-19, ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới... tác động không nhỏ đến mục tiêu chung của Xuân Lộc. Hơn nữa, bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 có các chỉ tiêu theo chuẩn mới cao hơn, cần nguồn lực lớn để đầu tư hơn so với trước đây.

Theo bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, khó khăn là thế nhưng được sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ của lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai và UBND, các Sở ngành nên giúp huyện Xuân Lộc có động lực hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, Xuân Lộc được tiếp sức, vượt qua những khó khăn và thực hiện tốt nhiệm vụ. Sự đồng lòng “vạn người như một” của người dân Xuân Lộc góp phần không nhỏ để có được thành công trên.

“Sau nhiều năm đồng lòng thực hiện, đến nay diện mạo của các vùng quê Xuân Lộc không ngừng thay da đổi thịt, đời sống của nhân dân nâng cao. Huyện đầu tư mạnh, đồng bộ về cơ sở hạ tầng nông thôn từ hệ thống đường giao thông; hệ thống điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất đến các tiêu chí trường học, y tế, trung tâm văn hóa…”, bà Tiên chia sẻ.

Để đạt được kết quả tốt như kế hoạch đề ra, huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

UBND huyện Xuân Lộc đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất cho người dân.

UBND huyện Xuân Lộc đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất cho người dân.

UBND huyện Xuân Lộc đã tổ chức thực hiện với tinh thần đổi mới mạnh mẽ và đảm bảo có hiệu quả trên tất cả các mặt như: Chủ trương về xã hội hóa với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm; hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải, chất thải...

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực để xây dựng chuẩn nông thôn mới nâng cao từ nguồn nội lực của địa phương cũng như xã hội hoá một số hạng mục đã cho thấy quyết tâm của UBND huyện khi tập trung phần lớn nguồn kinh phí để xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đó, toàn huyện đã hoàn thành đầu tư, nâng cấp, duy tu sửa chữa 532 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 295km, tổng mức đầu tư 451 tỷ đồng.

Trong năm 2023, UBND các xã tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 115 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 89km, tổng mức đầu tư 186 tỷ đồng. Đến nay, huyện hoàn thành 15 công trình với chiều dài 8,28km; đang thi công 33 công trình, chiều dài 24km... Cho đến nay đã có 699km đường giao thông do xã quản lý, tăng 384km so với năm 2014.

Công tác xây dựng đường giao thông nông thôn với hình thức xã hội hoá, vận động nhân dân cùng làm trong duy tu, sửa chữa nhỏ và chỉnh trang đường giao thông nông thôn đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân.

Huyện Xuân Lộc đang tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển ngành nghề nông thôn và thị trường tiêu thụ, để hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản. Điều này giúp tạo thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn trên địa bàn.

Đến nay, Xuân Lộc có diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế cao (trên 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm) khoảng 3.000 ha: sầu riêng 800 ha, xoài 1.400 ha, thanh long 650 ha, bưởi 400 ha, rau 100 ha.

Đặc biệt, tại huyện đã có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ: Công ty TNHH MTV Trang trại Việt (xã Xuân Trường), Trại hoa lan Hồng Phúc (xã Bảo Hòa), Dưa lưới Nhật Tâm (xã Xuân Định), trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Công ty TNHH EMIVEST FEEDMILL Việt Nam (xã Xuân Phú)… Các mô hình này có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm đối với trồng trọt và trên 5 tỷ đồng/năm đối với chăn nuôi.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đang giúp nông dân huyện Xuân Lộc tăng năng suất, đạt chất lượng cao.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đang giúp nông dân huyện Xuân Lộc tăng năng suất, đạt chất lượng cao.

Sức bật nhờ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa

Xuân Lộc đã và đang thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đối với các mô hình kinh tế tập thể… nhằm đạt mục tiêu “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”.

Hiện, Xuân Lộc vươn lên thuộc tốp đầu của Đồng Nai trong phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại và hình thành được 4 vùng chuyên canh cây trồng hàng năm, lâu năm theo chuỗi liên kết. Doanh thu bình quân 1ha đất canh tác năm 2022 đạt 212 triệu đồng/ha/năm. Nếu tính cả chăn nuôi thì doanh thu đạt 343 triệu đồng/ha.

Xuân Lộc cương quyết trong việc phát triển bền vững chăn nuôi, thu hút đầu tư FDI nhưng song hành với bảo vệ môi trường. Chăn nuôi tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng. Chăn nuôi trang trại chiếm trên 80% tổng đàn.

Trang trại rau Nhật Tâm tiên phong trồng dưa lưới, rau sạch trong nhà màng tại Xuân Lộc. Ảnh: Lê Bình.

Trang trại rau Nhật Tâm tiên phong trồng dưa lưới, rau sạch trong nhà màng tại Xuân Lộc. Ảnh: Lê Bình.

Cơ giới hóa trong sản xuất của huyện đạt trên 95 - 100%. Các doanh nghiệp, HTX cũng ngày càng đầu tư bài bản, tiệm cận với những công nghệ trên thế giới, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu nông sản.

Thời gian qua huyện đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm OCOP và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Giai đoạn 2015 - 2022, huyện hỗ trợ xây dựng 61 nhãn hiệu, 23 sản phẩm OCOP; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm chủ lực của huyện. Đến nay, huyện đã có 36 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Công ty hạt điều Nga Biên (xã Xuân Hưng) là đơn vị tiên phong trong đầu tư công nghệ hiện đại để chế biến sâu nông sản. Theo bà Tô Thị Nga, Giám đốc công ty, từ năm 2021, Nga Biên đã mạnh dạn đầu tư trên 20 tỉ đồng để mua các thiết bị máy móc hiện đại về sản xuất hạt điều với đa dạng sản phẩm, với quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Hạt điều Nga Biên đang đầu tư nhiều công nghệ hiện đại để chế biến sâu nông sản, xuất khẩu đi các nước Châu Âu. Ảnh: Lê Bình.

Hạt điều Nga Biên đang đầu tư nhiều công nghệ hiện đại để chế biến sâu nông sản, xuất khẩu đi các nước Châu Âu. Ảnh: Lê Bình.

Hợp tác xã ca cao Suối Cát cũng là một trong những điểm son trong phát triển nông nghiệp tại huyện Xuân Lộc. Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ chế biến sâu hạt ca cao thành các sản phẩm phục vụ cho thị trường trong nước và ký kết tiêu thụ với hai công ty của Pháp.

Có thể thấy, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đã thổi vào luồng sinh khí mới giúp cho Xuân Lộc chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ. Không chỉ phát triển kinh tế mà Đảng bộ, Chính quyền và người dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, tạo động lực để viết nên những thành công mới trên quê hương.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.