| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu cà phê cần tháo gỡ nhiều nút thắt

Thứ Ba 28/11/2023 , 15:40 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Cà phê Arabica trồng tại Quảng Trị nổi tiếng với thương hiệu cà phê đặc sản Khe Sanh nhưng sản lượng xuất khẩu khiêm tốn. Đâu là nút thắt cần được tháo gỡ?

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực tại Quảng Trị với diện tích trên 3,7 nghìn ha, sản lượng 4,4 nghìn tấn/năm. Ảnh: Võ Dũng.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực tại Quảng Trị với diện tích trên 3,7 nghìn ha, sản lượng 4,4 nghìn tấn/năm. Ảnh: Võ Dũng.

Cà phê là cây trồng chủ lực tại tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, giá cà phê xuống thấp trong thời gian dài, nhiều diện tích cà phê tại đây đã được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Một số diện tích bị “bỏ rơi”, già cỗi, tàn tạ. Vài năm gần đây, nhờ có chương trình tái canh cùng với việc giá cả đang ấm dần, những vườn cà phê tại Quảng Trị được hồi sinh.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Duy Phương, người trồng cà phê tại xã Hướng Phùng cho biết, những năm gần đây, được chính quyền địa phương và các doanh nghiệp khuyến khích, một số gia đình đã chuyển từ canh tác truyền thống sử dụng phân bón hoác học sang phương thức canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên để hướng tới xuất khẩu. Nhiều vườn cà phê được trồng cây che bóng, sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm vi sinh. Thực tế, một số doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng thu mua cà phê được trồng theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên với giá cao hơn giá trần thị trường.

Sau khi chặt bỏ những gốc cà phê già cỗi, gia đình ông Phương cũng trồng 2ha cà phê theo hướng hữu cơ. Giữa vườn cà phê, ông Phương trồng thêm sầu riêng làm cây che bóng và để có thêm nguồn thu nhập.

Theo ông Phương, cái khó của người trồng cà phê là họ chưa thực sự hiểu về quy trình trồng cà phê hữu cơ. Giá cà phê bấp bênh cũng khiến những hộ trồng cà phê sạch, cà phê đặc sản còn lấn cấn. Vì vậy, khi một số doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết trồng cà phê theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản thì người dân chưa thực sự mặn mà.

Muốn tăng sản lượng xuất khẩu cà phê, chất lượng phải được xây dựng từ gốc đến chế biến và công tác thị trường để từng bước nâng cao giá trị. Ảnh: Võ Dũng.

Muốn tăng sản lượng xuất khẩu cà phê, chất lượng phải được xây dựng từ gốc đến chế biến và công tác thị trường để từng bước nâng cao giá trị. Ảnh: Võ Dũng.

“Ở Hướng Phùng, diện tích trồng theo hướng hữu cơ hiện nay chưa nhiều. Người dân hiện nay chưa có điều kiện để trồng cà phê đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Điều đó sẽ kéo theo giá trị từ cây cà phê thấp”, ông Phương cho biết.

Một điều nữa là tại Quảng Trị hiện chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để trở thành đối tác lớn của nông dân. Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ một cơ sở thu mua, chế biến cà phê tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng cho biết, có những thời điểm, riêng huyện Hướng Hóa có tới 20 chủ cơ sở thu mua, chế biến cà phê nhưng hiện nay chỉ còn 6-7 đơn vị đang hoạt động. Giữa các cơ sở này và người dân gần như không có mối liên kết ràng buộc. Nông dân vì thế mạnh ai nấy làm; doanh nghiệp có thời điểm không đủ sản lượng thu mua chế biến, nhất là phê chất lượng cao.

Theo bà Thảo, để doanh nghiệp địa phương lớn mạnh, tăng sản lượng xuất khẩu thì cần có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ. Phải phải tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng để từng bước nâng tầm chất lượng cây cà phê. Nông dân không chỉ tiếp cận chính sách qua các chương trình tái canh cây cà phê mà còn cần hỗ trợ về nguồn vốn để đầu tư căn bản, lâu dài.

Quảng Trị hiện có trên 3,7 nghìn ha cà phê, chủ yếu là cà phê Arabica, tập trung nhiều nhất tại huyện Hướng Hóa. Trong đó có 145 ha cà phê chất lượng cao, đặc sản. Dù có sản lượng cà phê hàng năm 4,4 nghìn tấn nhưng địa phương này cũng mới chỉ xuất khẩu trên 100 tấn/năm, chủ yếu thông qua Công ty Slow Coffe. Số còn lại tiêu thụ trong nước nên giá trị thấp, người trồng cà phê vẫn còn khó khăn.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, cho biết, năng suất cà phê còn thấp, chất lượng chưa đồng đều. Diện tích trồng cà phê có chứng nhận theo các tiêu chuẩn xuất khẩu còn ít. Liên kết giữa doanh nghiệp và người dân vùng nguyên liệu chưa bền vững, chưa nhiều. Trên địa bàn chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để đầu tư đồng bộ khoa học công nghệ chế biến sâu, tạo sản phẩm có gia trị gia tăng cao, phát triện thương hiệu và xuất khẩu.

Thông qua Công ty Slow Coffe, sản lượng xuất khẩu cà phê toàn tỉnh Quảng Trị chỉ khoảng 100 tấn/năm. Ảnh: Võ Dũng.

Thông qua Công ty Slow Coffe, sản lượng xuất khẩu cà phê toàn tỉnh Quảng Trị chỉ khoảng 100 tấn/năm. Ảnh: Võ Dũng.

Theo bà Phương, để tăng sản lượng xuất, ngành hàng cà phê còn nhiều việc phải làm. Doanh nghiệp chế biến cà phê phải tái cơ cấu lại theo hướng liên kết tạo ra vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng thế giới. Nông dân cần tuân thủ, cam kết thực hiện đúng các hợp đồng đã ký kết. Tại các địa phương trồng cà phê, người dân cần liên kết nông hộ với nhau theo tổ hợp tác, câu lạc bổ sở thích… để cùng nhau làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất.

Chính quyền, doanh nghiệp, người dân cùng đồng hành

“Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần quy hoạch vùng sản xuất ổn định, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ chế biến. Người dân cần được tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhất là công nghệ sinh học trong sản xuất. Chính quyền đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tìm kiếm mở rộng thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm. Chỉ có như vậy, sản lượng xuất khẩu cà phê tại Quảng Trị mới được nâng lên” – bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị.

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.