Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp và Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cùng phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên vừa tổ chức hội thảo về xây dựng đề án “Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp trong sản xuất chế biến, xuất khẩu nông sản để hoàn thiện báo cáo “Hiện trạng và định hướng phát triển cây cao su, cà phê, hồ tiêu và cây điều đến năm 2030”.
Năng suất cao nhưng vẫn còn kiểu "ăn xổi"
Diện tích cà phê Việt Nam năm 2022 đạt 709 nghìn ha, tăng 1,21 lần so với năm 2012. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2022 đạt trên 2%/năm. Năng suất bình quân cả nước năm 2022 đạt 29 tạ/ha, tăng 1,24 lần so với năm 2011. Sản lượng tăng từ 1,277 triệu tấn năm 2011 lên 1,886 triệu tấn năm 2022.
Theo ông Lê Bá Hoài, chuyên viên Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, diện tích cà phê trên 15 năm tuổi tại Tây Nguyên hiện nay khoảng hơn 132 nghìn ha, chiếm trên 50% diện tích của vùng. Trong đó, Đắk Lắk có tỷ lệ vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp lớn nhất cả nước. Đối với cà phê chè, diện tích già cỗi chiếm trên 27%.
Hiện nay, cà phê là một trong những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đóng góp quan trọng về thu nhập của người dân cũng như kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm cà phê tại Việt Nam còn nhiều tồn tại như: Chủ yếu chế biến thô, sản phẩm chế biến sâu và chế biến tinh chiếm tỷ lệ nhỏ; việc liên kết, hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị còn yếu; chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu, bảo hộ thương hiệu, sỡ hữu trí tuệ quốc tế cho các sản phẩm cà phê vẫn chưa được chú trọng; ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất còn nhiều khó khăn và ngành hàng cà phê đang bị cạnh trang từ nhiều quốc gia như Brazil, Lào và các nước Tây Phi, Đông Phi…
Tại Việt Nam, giống cà phê được trồng chủ yếu là cà phê vối, cà phê chè và cà phê mít. Đến nay, các cơ quan chức năng đã cấp 4 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê. Trong đó, tại Lâm Đồng đang được triển khai thí điểm 11 nghìn ha để phục vụ cho phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn thực phẩm nhằm cấp mã số vùng trồng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 vào sản xuất cà phê mới chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm tại huyện Di Linh (Lâm Đồng). Việc xây dựng hệ thống giám sát thời tiết tự động qua internet, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn khó khăn...
Hiện nay, tình trạng phát triển cà phê manh mún, tự phát, không theo quy hoạch, đầu tư thấp, chất lượng và độ sạch không cao vẫn phổ biến. Bên cạnh đó, quy mô vườn cây nhỏ nên rất khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo vệ thực vật và thu gom sản phẩm theo công nghệ hiện đại.
Khuynh hướng khai thác bóc lột vườn cây bằng cách lạm dụng phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu quá liều để có năng suất, sản lượng trước mắt nhưng sau đó vườn cây lại chóng tàn lụi, làm cho hiệu quả kinh tế thấp, kém bền vững.
Tình hình mua, bán, cầm cố, sang nhượng đất vườn cây một cách tự phát, đốt phá rừng trồng cà phê, cao su trở nên phổ biến đã và đang đe dọa sự phát triển bền vững của nhiều vườn cây công nghiệp lâu năm, ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguồn nước tưới, sinh thái. Sản xuất chưa gắn với chế biến và tiêu thụ. Hầu hết sản phẩm cây công nghiệp lâu năm ở nước ta chưa có các nhà máy chế biến trình độ cao, máy móc hiện đại nên sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc sơ chế, chất lượng và giá cả kém sức cạnh tranh.
Tập trung tái canh cà phê già cỗi
Hiện nay, nhờ ưu đãi thuế quan xuất khẩu đối với cà phê chế biến nên nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm và chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, các doanh nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Mặt hàng cà phê là một trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ. Đây là lợi thế cạnh tranh của cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.
Theo bà Cao Phương Nhung (Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp), diện tích cà phê nước ta đến thời điểm hiện tại (năm 2022) đã đạt 709 nghìn ha, tăng gấp 1,42 lần so với quy hoạch được duyệt năm 2012. Điều này đã phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng cũng như giá trị của cà phê Việt Nam.
Do vậy, Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ không mở rộng diện tích trồng mới, chỉ phát triển dựa trên các vùng điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đặc biệt phù hợp, trên cơ sở cải tạo các vườn cà phê hiện có và trồng tái canh cà phê đối với diện tích già cỗi, kém năng suất.
Để giúp ngành cà phê Việt Nam phát triển, các cấp, ngành đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Cụ thể: Hỗ trợ ưu đã về thuế, cho thuê đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ giống, tái canh, phân bón, sản xuất theo tiêu chuẩn, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê; chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ lồng ghép giữa phát triển cà phê với các loại hình du lịch; hỗ trợ xác lập, bảo hộ sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại thị trường xuất khẩu…
Ngoài ra, Việt Nam đặc mục ra 6 mục tiêu phát triển cà phê trong thời gian tới gồm: Gắn kinh tế - xã hội và tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương; gắn liền với thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao lợi nhuận, giá trị gia tăng, tính cạnh tranh và phân chia lợi nhuận hợp lý của các khâu trong chuỗi giá trị; phát triển trên vùng sản xuất cà phê và hiện có và những vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tối ưu để đem lại chất lượng cà phê tốt nhất; gắn liền với phát triển cà phê chất lượng cao, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển du lịch dịch vụ; quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào và đầu ra sản phẩm; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các nhà quản lý, khoa học, tổ chức quốc tế và hiệp hội.
Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, mục tiêu chung của ngành hàng cà phê Việt Nam là rà soát, điều chỉnh diện tích trồng cà phê hợp lý, định hình quy mô đến 2025 từ 660 - 690 nghìn ha, đến năm 2030 khoảng 610 - 640 nghìn ha.
Cơ quan chức năng, doanh nghiệp sẽ tăng cường đầu tư, xây dựng, nâng cấp các nhà máy chế biến, đổi mới dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm, thực hiện hiệu quả chuỗi giá trị cà phê để duy trì, mở rộng và tăng giá trị xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD/năm.
Trong đó, ngành nông nghiệp định hướng phát triển cà phê đến năm 2030 là định hướng về quy mô, diện tích, sản lượng, giá trị gia tăng theo không gian lãnh thổ nhằm phát huy thủy lợi từng vùng; định hướng về phát triển sản xuất gắn với công nghệ 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số; phát triển ngành công nghiệp chế biến cà phê và bảo quản, phát triển logistic; phát triển các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu; phát triển cà phê gắn với du lịch; sử dụng chế phụ phẩm làm gia tăng giá trị cho cây công nghiệp.
Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) cho rằng, đề án phát triển cà phê nên xem xét lại bối cảnh và định hướng đến năm 2030 và cần bổ sung các quy định quốc tế yêu cầu đối với ngành hàng này.
Cụ thể hiện nay, EU đang quy định các sản phẩm cà phê từ rừng và xâm hại rừng sẽ không được nhập khẩu. Đặc biệt, Chính phủ cam kết giảm thiểu phát thải nhà kính thì đề án cần đưa quy định về vấn đề này vào. Có như vậy, ngành hàng này mới góp phần trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với thế giới.