Xuất khẩu sang 138 quốc gia, vùng lãnh thổ
Cá tra là sản vật đặc hữu có giá trị kinh tế mà thiên nhiên ban tặng cho vùng sông nước Cửu Long. Cá tra cũng là sản phẩm quốc gia, được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, ngành hàng cá tra nước ta không ngừng phát triển và hiện đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng năm vượt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.
Đến nay, sản phẩm cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang khoảng 138 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về hàng tỉ USD mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người.
Xác định cá tra là sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế nên Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tích cực hỗ trợ để hoàn thiện quy trình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu.
Chính quyền các địa phương cũng quy hoạch vùng nuôi, thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện nuôi cá tra, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm rủi ro, giảm giá thành sản xuất; nuôi cá có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm.
Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã có khoảng 350 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 3.119ha được cấp giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
Năm 2022, mặc dù chịu tác động từ hậu quả của đại dịch Covid-19 nhưng ngành hàng cá tra nước ta đã hết sức năng động, sáng tạo, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng, tận dụng tối đa nhu cầu từ thị trường sau đại dịch.
Nhờ đó, sản lượng cá tra năm 2022 dự kiến đạt 1,68 triệu tấn. Tính đến ngày 15/11/2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 2,23 tỷ USD. Theo dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 đạt trên 2,4 tỷ USD, được xem là đỉnh cao nhất trong lịch sử của ngành hàng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản dự kiến sẽ đạt mốc kỷ lục 11 tỷ USD. Và đóng góp vào thành công đó không thể không nhắc đến những ngành hàng đi tiên phong như cá tra.
“Nếu như các ngành hàng khác phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm phát triển thì cá tra chỉ mất khoảng 27 năm để trở thành đối tượng chủ lực của ngành thủy sản. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cũng như những tiến bộ kỹ thuật trong khoa học công nghệ từ giống, nuôi đến sơ chế, chế biến… đều cho thấy sự tiến bộ rất nhanh của ngành hàng cá tra. Từ đó, sản phẩm cá tra Việt Nam đã có thể xuất đi rất nhiều thị trường trên thế giới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Theo đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể như liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung - cầu.
Đồng thời, cần đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị; sử dụng hiệu quả phụ phẩm; phát triển thương mại điện tử và kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu dùng nội địa.
Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống; chất lượng di truyền về một số tính trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, tỉ lệ phile, chịu mặn...; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2022, việc sản xuất, kinh doanh cá tra khu vực ĐBSCL khá thành công nhờ giá cá tra trong nước duy trì mức giá cao do các doanh nghiệp nỗ lực tiếp thị, quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm 2021, doanh thu từ xuất khẩu cá tra trên cả nước đạt khoảng 1,62 tỉ USD, tăng 8,4% so với năm 2020 nên ngành chức năng đặt ra mục tiêu xuất khẩu hơn 1,6 tỉ USD trong năm 2022.
Thế nhưng, kết quả xuất khẩu năm nay dự báo vượt xa so với kế hoạch đề ra. Các thị trường chính tiêu thụ cá tra nước ta là Trung Quốc (chiếm gần 30%), Mỹ (gần 23%), các nước thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hơn 13%, EU 8,2%, Brazil 3,7%.
50.000 người tham dự Lễ hội Cá tra lần thứ nhất
Thông tin tại buổi họp báo về Lễ hội Cá tra lần thứ nhất năm 2022, ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành ủy TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, lần đầu tiên sự kiện do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 16/12 đến ngày 17/12/2022, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Lễ hội dự kiến sẽ thu hút khoảng 50.000 người tham dự là các đối tác ngành hàng cá tra, du khách trong nước và quốc tế.
Theo ông Lê Hà Luân, Lễ hội Cá tra lần thứ nhất năm 2022 là hoạt động hướng đến việc duy trì tổ chức hằng năm để xây dựng hình ảnh thủ phủ cá tra - Hồng Ngự; quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung; giới thiệu, quảng bá hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm từ cá tra, đặc sản địa phương.
Các hoạt động tại lễ hội cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TP. Hồng Ngự thông tin thêm, điểm nổi bật của Lễ hội Cá tra lần thứ nhất năm 2022 chính là các hoạt động độc đáo như: Trải nghiệm không gian cá tra và loài cá nói chung trong văn hóa Việt Nam và thế giới; Thưởng thức biểu diễn ẩm thực, quà lưu niệm, các sản phẩm đặc sắc từ cá tra; Hội thi ẩm thực từ cá tra; Tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra.
“Không chỉ gói gọn trong các hoạt động giải trí, lễ hội còn là nơi tôn vinh những cá nhân, đơn vị, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng cá tra, hoạt động vì cộng đồng…”, ông Lê Hà Luân cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) bày tỏ, Lễ hội Cá tra lần thứ nhất năm 2022 là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại một bước tăng trưởng mới với trọng tâm tập trung vào giá trị gia tăng của con cá tra.
Theo ông Toản, hiện nay Việt Nam có gần 100 cơ sở chế biến cá tra, chủ yếu tập trung ở khu vực ĐBSCL. Công nghệ chế biến cá tra cơ bản đạt trình độ cao với những doanh nghiệp tên tuổi tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên, sơ chế, chế biến là mắt xích quan trọng mà ngành hàng cá tra cần hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Toản cho rằng, hiện nay việc tận dụng phế phụ phẩm từ cá tra còn đơn điệu, mới chỉ dừng lại ở số ít những sản phẩm như dầu cá, bột cá, collagen… Đặc biệt, còn chưa tận dụng được thành tố rất quan trọng là huyết cá.
"Do đó, để ngành hàng cá tra có thể phát triển một cách xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, từ Trung ương đến địa phương cần đồng bộ nguồn lực về mặt thiết kế chính sách, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19”, ông Toản nêu ý kiến.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho rằng, cần củng cố lại vấn đề tiêu thụ trong nước bằng những hệ thống phân phối, qua đó tạo sự đột phá cho ngành hàng cá tra.
“Lễ hội Cá tra lần thứ nhất năm 2022 sẽ tạo động lực mới để cá tra phát triển theo chuỗi ngành hàng. Đồng thời làm sâu sắc hơn những giá trị cũng như sức lan tỏa của sản phẩm cá tra trên nhiều thị trường trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.