Xuất khẩu cá tra ảnh hưởng do lạm phát ở châu Âu, Mỹ. Đầu tư 600 triệu đồng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cua biển Trà Vinh. Gần 7.900 hộ chăn nuôi ở Lào Cai chưa có chuồng trại. Cần Thơ chuẩn bị nông sản, thực phẩm phục vụ Tết 2023.
XUẤT KHẨU CÁ TRA ẢNH HƯỞNG DO LẠM PHÁT Ở CHÂU ÂU, MỸ
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra 11 tháng qua đạt 2,3 tỷ USD, tăng 77% so với cùng kì năm 2021; trong đó, các thị trường được ghi nhận tăng đều là châu Âu, Trung Quốc và thị trường Mỹ.VASEP đánh giá, Trung Quốc luôn là thị trường duy trì tăng trưởng cao nhất, qua các tháng đều có doanh số tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.Từ sau quý II/2022 đến cuối năm, do lạm phát tăng ở các nước châu Âu, Mỹ, ngành cá tra cũng bị ảnh hưởng dù là thực phẩm thiết yếu, nên xuất khẩu có sự tăng trưởng chậm lại so với đầu năm. Tuy nhiên, ngành cá tra được dự báo sẽ đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD trong năm 2022. Xuất khẩu cá tra
ĐẦU TƯ 600 TRIỆU ĐỒNG ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU CUA BIỂN TRÀ VINH
Năm 2022, tỉnh Trà Vinh thả nuôi hơn 131 triệu con giống cua biển, trên diện tích hơn 23.270 ha mặt nước ao hồ, tăng hơn 1.000 ha so với 2021. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, năm nay, diện tích nuôi cua biển tăng là nhờ sự thuận lợi về môi trường nước. Cùng với đó giá cua thương phẩm năm 2022 luôn ở mức cao, nông dân nuôi cua biển thu được lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Để nghề nuôi biển trong tỉnh phát triển bền vững, nông dân nuôi cua đảm bảo được lợi nhuận, UBND tỉnh Trà Vinh vừa có quyết định đầu tư hơn 600 triệu đồng giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai thực hiện đăng ký bảo hộ quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận "Trà Vinh" cho sản phẩm cua biển của tỉnh.
GẦN 7.900 HỘ CHĂN NUÔI Ở LÀO CAI CHƯA CÓ CHUỒNG TRẠI
Tỉnh Lào Cai hiện còn gần 7.900 hộ chăn nuôi chưa có chuồng trại đảm bảo phòng chống rét cho gia súc; 760 hộ tại các thôn, bản vùng cao vẫn giữ tập quán thả rông gia súc trên rừng.Để bảo vệ đàn vật nuôi, các địa phương ở Lào Cai đã cử cán bộ chuyên môn tăng cường bám địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện gia cố, che chắn lại chuồng trại đảm bảo phòng, chống rét cho gia súc.Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; vệ sinh chuồng trại, phòng tránh dịch bệnh phát sinh; tranh thủ thời tiết nắng ấm, có thể chăn thả để vỗ béo đàn gia súc, tăng sức đề kháng. Trong những ngày rét đậm rét hại kéo dài, tuyên truyền, hướng dẫn bà con bổ sung thêm thức ăn và di chuyển gia súc xuống vùng thấp để giảm thiểu thiệt hại.
CẦN THƠ CHUẨN BỊ NÔNG SẢN, THỰC PHẨM PHỤC VỤ TẾT 2023
Theo Sở NN-PTNT T.P Cần Thơ, để phục vụ thị trường dịp tết Nguyên Đán 2023, thành phố dự kiến sản xuất khoảng 3.000ha rau màu, khoảng 1.000ha cây ăn trái cho sản phẩm, sản lượng ước đạt hơn 9.200 tấnTổng lượng thủy sản phục vụ thị trường Tết dự kiến hơn 790 tấn, trong đó các loại thủy sản đặc sản như tôm càng xanh, ba ba, lươn, ếch và cá bống tượng khoảng 26 tấn. Ðồng thời, tp cũng tích cực chuẩn bị nhiều loại thịt gia súc, gia cầm và trứng để phục vụ Tết, dự kiến chuẩn bị và cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn sản phẩm chế biến từ các loại nông, lâm và thủy sản. Trong đó, các sản phẩm chế biến từ động vật như pa tê, chả lụa, xúc xích và heo quay dự kiến 150 tấn, các sản phẩm chế biến từ thủy sản khoảng 200 tấn, sản phẩm chế biến từ thực vật khoảng 600 tấn.Ðể đáp ứng nhu cầu hoa kiểng trong dịp Tết Nguyên đán 2023, các địa phương chuẩn bị khoảng 1 triệu chậu hoa các loại.