Bớt khâu trung gian để người nông dân hưởng lợi
Theo ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, giá dừa tại vườn ở Tiền Giang, Bến Tre chỉ khoảng 3.500 - 4.000 đồng/trái, nhưng khi đến tay người tiêu dùng TP.HCM tăng lên 20.000 đồng/trái.
Ông Phi cho rằng, người tiêu dùng TP.HCM đang phải trả một số tiền lớn, trong khi đó, người nông dân không được hưởng lợi, do chi phí cho khâu trung gian quá nhiều.
"Vận chuyển thu ít nhất 500 đồng/trái, thu mua trái dừa ở cấp 1 ít nhất thu 1.000 - 2.000 đồng/trái, rồi qua nhiều cấp đại lý mới tới tay người tiêu dùng. Chênh lệch giá giữa địa phương với thị trường lớn như TP.HCM là quá cao.
Càng nhiều người tham gia vào chuỗi thì chi phí càng tăng lên, do đó cần phải tính toán làm sao để chuỗi này ngắn lại, bớt khâu trung gian. Có thể trái dừa giá còn 10.000 đồng, lúc ấy người nông dân được 6.000 đồng và khâu trung gian 4.000 đồng là hợp lý. Chỉ cần 1 trái dừa tầm 6.000 - 7.000 đồng thôi là nông dân vô cùng hạnh phúc", ông Phi phân tích.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, hiện diện tích trồng dừa trên địa bàn tỉnh là trên 35.000ha, tập trung chủ yếu ở Gò Công Tây, Chợ Gạo, Mỹ Tho, Tân Phú Đông.
"Nếu được xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ góp phần tăng giá dừa, qua đó cải thiện rất lớn thu nhập của người nông dân, giúp họ yên tâm đầu tư, giữ diện tích trồng dừa, giữ được giống trái cây đặc sản của địa phương", ông Phi nói.
Tiền Giang là tỉnh có lợi thế phát triển các sản phẩm nông sản có thể gây dựng thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.
"1 trái dừa tầm 6.000 - 7.000 đồng là nông dân vô cùng hạnh phúc", Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang nói.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có trên 15.000ha dừa uống nước. Bước đầu đã hình thành chuỗi phục vụ tốt cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện có trên 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi uống nước.
"Việc mở rộng xuất khẩu chính ngạch vào 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào đăng ký xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra tương lai hứa hẹn cho ngành dừa của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung", ông Đức nói.
Tăng giá trị từ cây dừa
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam đánh giá, thực tế ngành dừa trong thời gian vừa qua có sự phát triển khá thần tốc. Sau 10 năm, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư vào ngành dừa như Thành Thành Công, Betrimex, Lương Quới…
Trước thông tin Mỹ chuẩn bị mở cửa thị trường cho quả dừa sọ Việt Nam, cũng như Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch trái dừa Việt Nam, các doanh nghiệp ngành dừa hiện nay đang cố gắng phát triển vùng nguyên liệu, đăng ký mã vùng trồng, đăng ký xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.
“Cuối năm 2022 kim ngạch xuất khẩu dừa là trên 700 triệu USD. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, dựa trên đà Mỹ và Trung Quốc đồng ý cho nhập khẩu dừa Việt Nam thì khoảng cuối năm 2024, đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dừa lên đến 1 tỷ USD”, bà Thanh tự tin.
Theo bà Thanh, trước đây, cây dừa được trồng quanh nhà chứ chưa được trồng theo quy hoạch của nhà nước. Tuy nhiên, đến năm 2021, cây dừa được Chính phủ đưa vào chương trình phát triển cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam.
Trong tình hình biến đổi khí hậu, cây dừa là cây được người nông dân chọn để thay đổi cơ cấu cây trồng, bởi đây là cây chịu mặn rất tốt, chịu được ngập úng trong vòng 3 tháng và đặc biệt dễ chăm sóc, một năm chỉ bón phân hai lần và quan trọng là mỗi tháng ra 1 buồng. Vì thế, cây dừa trở thành một loại cây thân quen không thể thiếu được trong mỗi gia đình của người nông dân miền Tây.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 20 doanh nghiệp lớn đã có kim ngạch xuất khẩu dừa ra thế giới, 35 quốc gia và vùng lãnh thổ là những khách hàng lớn của VIệt Nam.
Bên cạnh việc cây dừa làm thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, sản phẩm ngành dừa rất đa dạng. Mới đây, các doanh nghiệp thuộc Hội đã nghiên cứu và phát triển sản phẩm gáo dừa để làm hàng trang trí nội thất. Thay vì uống nước dừa xong, vứt đi quả dừa thì nay có thể tận dụng gáo dừa "phù phép" thành nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ.
Đơn cử như Công ty Dừa Việt đã nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vật liệu mới từ gáo dừa, ứng dụng trong trang trí nội thất, tiêu thụ tốt lại các công trình cao cấp hoặc xuất khẩu.
Gáo dừa có độ cứng bề mặt mà không có loại gỗ nào có được. Gáo dừa chỉ cần 1 năm là sừng hóa hoàn toàn, không bị mối mọt, không bị thời gian, môi trường yếm khí làm cho mục ruỗng, lại có đầy đủ tính năng của đá. Đặc biệt càng ngâm lâu trong nước, gáo dừa càng trở nên đen bóng và bền chắc.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thạch dừa lớn nhất hiện nay, Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) mỗi tháng xuất sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Trung Đông, Trung Á, Nga khoảng 1.000 - 1.200 tấn thạch dừa. Doanh thu từ thạch dừa 6 tháng đầu năm 2023, GC Food tăng trưởng khoảng 30% so với năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Diệp Pháp, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh quốc tế GC Food, ngành thạch dừa đi sau những ngành dừa khác, nhưng hiện tại và tương lai thì có nhiều cơ hội phát triển.
"Nhật Bản và Hàn Quốc đã nghiên cứu và cho thấy, thạch dừa tốt cho hệ tiêu hóa, vì vậy, trong tương lai thạch dừa có thể là một trong những sản phẩm cạnh tranh với trân châu của Đài Loan. Mặt khác, thị trường trong nước hiện nay, các doanh nghiệp sữa lớn cũng đã đưa thạch dừa và nha đam vào trong sản phẩm của họ. Hiện GC Food cung cấp nhiều nguyên liệu thạch dừa, thạch nha đam cho các công ty sữa lớn tại Việt Nam. Trong 5 năm nữa thì ngành thạch dừa sẽ tiến xa hơn", ông Pháp nói và cho biết thêm, GC Food đang hướng tới ngạch sản phẩm organic nên tương lai sẽ liên kết với bà con nông dân để quy hoạch vùng trồng dừa hữu cơ, nâng cao giá trị cho trái dừa của bà con nông dân cũng như nâng cao giá trị cho các sản phẩm từ trái dừa.
Quả dừa Việt Nam được nhập khẩu vào Hoa Kỳ có thể ở dạng được loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ ngoài và xơ dừa, hoặc dạng quả dừa non đã loại bỏ ít nhất 75% (3/4) lớp vỏ xanh bên ngoài. Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phân loại quả dừa đã bỏ vỏ được coi là dừa thương phẩm không có khả năng nảy mầm, cùi và nước dừa bên trong có thể dùng làm thức ăn, nên yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất là các lô hàng hóa này chỉ cần được kiểm tra tại các cảng nhập khẩu của Hoa Kỳ.