| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gạo đang nhiều lợi thế

Thứ Sáu 06/03/2020 , 09:10 (GMT+7)

Trong khi nhiều ngành hàng nông sản đang gặp khó khăn bởi Covid-19, xuất khẩu gạo lại đang tăng trưởng ấn tượng.

Thu hoạch lúa ở Long An. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu hoạch lúa ở Long An. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đã đạt 890 ngàn tấn, trị giá 410 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo 2 tháng qua đã tăng tới 27% về lượng và 32,6% về giá trị.

Như vậy, gạo đang là điểm sáng về tăng trưởng xuất khẩu của ngành nông nghiệp, bởi phần lớn các mặt hàng đều đang giảm tăng trưởng do ảnh hưởng của Covid-19 và các nguyên nhân khác.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho thấy, cũng trong 2 tháng đầu năm: xuất khẩu cao su ước đạt 160 nghìn tấn, trị giá 231 triệu USD, giảm 32,4% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; cà phê đạt 295 nghìn tấn, trị giá 497 triệu USD, giảm 6,6% về lượng và giảm 9,8% về trị giá; hạt tiêu đạt 35 nghìn tấn, trị giá 81 triệu USD, giảm 2,8% về lượng và giảm 19,2% về trị giá; rau quả ước đạt 481 triệu USD, giảm 17,4%; sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 362 nghìn tấn, trị giá 121 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 20% về trị giá; thủy sản ước đạt 223,6 nghìn tấn, trị giá 911,6 triệu USD, giảm 15% về lượng và 18% về trị giá…

Do không còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như trước đây, nên dịch Covid-19 không ảnh hưởng mấy đến xuất khẩu gạo Việt Nam. Ngược lại, Covid-19 gây khó khăn lớn cho xuất khẩu gạo của Trung Quốc, nhất là sang châu Phi, nên đang tạo cơ hội cho Việt Nam và các nước khác.

Từ sau Tết Canh Tý, xuất khẩu gạo của Việt Nam khá sôi động nhờ nhu cầu từ Philippines, Malaysia… Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu gạo vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Theo báo cáo tháng 1 về Triển vọng thị trường lúa gạo thế giới 2019/2020, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu là 496,7 triệu tấn, giảm tới 1,7 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm so với mức kỷ lục của niên vụ trước. Còn thương mại gạo toàn cầu được dự báo là 46 triệu tấn, cao hơn so với niên vụ trước.

Cũng theo USDA, dự báo những thị trường sẽ tăng nhập khẩu gạo trong năm 2020 là Australia, Brazil, Burkina Faso, Cameroon, Colombia, Bờ Biển Ngà, Cuba, Indonesia, Nam Phi… Trong đó, Indonesia (thị trường truyền thống của gạo Việt Nam) có thể sẽ tăng nhiều nhất. Còn Bờ Biển Ngà hiện là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam ở châu Phi (đạt gần 584 triệu tấn năm 2019).

Đặc biệt, việc người dân nhiều nước tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu, trong đó có gạo, để đề phòng dịch Covid-19, đang ít nhiều tác động tới hoạt động thương mại gạo. Đến thời điểm này, việc tích trữ gạo đang thể hiện rất rõ rệt ở Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore.

Đại dịch châu chấu ở Đông Phi cũng đang mở ra những tiềm năng mới cho thương mại gạo. Theo USDA, dự báo năm 2020, nhu cầu nhập khẩu gạo châu Phi nói chung vẫn ở mức cao, ước khoảng 15,7 triệu tấn.

Nguyên nhân là do trong thời gian vừa qua, đại dịch châu chấu bùng phát ở Đông Phi phá hoại mùa màng, thêm vào đó là dịch Covid-19 dẫn đến tâm lý người dân tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm trong đó có gạo.

Ngoài những yếu tố nói trên, gạo Việt Nam đang có những cơ hội riêng để đẩy mạnh xuất khẩu. Trước hết là việc một trong những đối thủ lớn nhất của gạo Việt Nam là Thái Lan, đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cung cũng như khả năng cạnh tranh.

Do bị thiếu nước trên diện rộng dẫn tới phải thu hẹp diện tích vụ lúa phụ, sản lượng gạo Thái Lan năm nay dự báo sẽ giảm xuống còn 18 triệu tấn, là mức thấp thứ 2 trong vòng 10 năm qua (chỉ sau năm đại hạn 2015/2016).

Vì vậy, theo ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Thái Lan, trong cả năm nay, Thái Lan chỉ có thể xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đưa ra dự báo tương tự. Giá gạo Thái Lan đang ở mức khá cao so với các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam, nên sức cạnh tranh cũng kém hơn.

Bên cạnh đó, việc ký kết các Hiệp định EVFTA và Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên của CPTPP trong năm nay.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.