| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi

Thứ Tư 26/04/2023 , 18:04 (GMT+7)

Xuất khẩu gạo quý I đã tăng trưởng rất mạnh cả về lượng và giá trị. Dự báo xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm tiếp tục thuận lợi.

Các tỉnh phía Nam vừa trải qua một vụ đông xuân được mùa, được giá. Ảnh: Sơn Trang.

Các tỉnh phía Nam vừa trải qua một vụ đông xuân được mùa, được giá. Ảnh: Sơn Trang.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng ấn tượng

Tại Hội nghị “Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I/2023 và phương hướng điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới”, do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM sáng 26/4, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 4, nước ta đã xuất khẩu được gần 2,4 triệu tấn gạo, trị giá 1,25 tỷ USD, tăng 34% về lượng và 45% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, gạo là một trong số ít mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nay. Nhu cầu tăng từ các thị trường nhập khẩu cùng chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao là những nguyên nhân chính giúp cho xuất khẩu gạo đang tăng trưởng mạnh.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết, việc Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.

Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, trong khi nước này giảm nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, thì lại tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Qua đó, nâng thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc lên mức 19,2% so với 6,7% của cùng kỳ năm 2022.

Việc Philippines duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35% đến hết năm 2023 được kỳ vọng sẽ có lợi cho doanh nghiệp gạo Việt Nam. Hay Indonesia cần nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ trong năm nay, trong đó 500 nghìn tấn phải nhập càng sớm càng tốt … là những điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Xuất khẩu gạo trong quý I đã ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống (Philippines tăng 44,8%; Trung Quốc tăng 118,8%…) và thị trường tiềm năng (Chile tăng gấp 25 lần; Singapore tăng gần 30%…).

Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo phẩm chất chất lượng cao với giá trị gia tăng cao. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Tiếp tục thuận lợi

Tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm được dự báo tiếp tục thuận lợi. Về sản xuất, ông Nguyễn Văn Đoan (Cục Trồng trọt), cho biết, chúng ta vừa có một vụ đông xuân được mùa, được giá ở các tỉnh, thành phía Nam. Dự báo các vụ lúa hè thu và thu đông ở ĐBSCL trong năm nay sẽ tiếp tục ổn định. Do đó, trong cả năm nay, ĐBSCL sẽ duy trì được sản lượng lúa 24 triệu tấn. Sau khi trừ lượng gạo cho tiêu thụ trong nước, sẽ có 6,5 - 6,6 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Thậm chí lượng gạo để xuất khẩu có thể lên tới 7 triệu tấn.

Trong khi sản xuất lúa gạo ở Việt Nam ổn định, thì sản xuất ở nhiều nước xuất khẩu lớn khác gặp nhiều khó khăn do thời tiết. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, tại buổi làm việc mới đây giữa VFA và Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu gạo Thái Lan, phía Thái Lan cho biết, đầu năm nay, họ đặt mục tiêu xuất khẩu 8,5 triệu tấn gạo, nhưng rồi do ảnh hưởng cùa thời tiết và một số lý do khác, đã phải điều chỉnh theo hướng giảm xuống, hiện chỉ còn đặt mục tiêu 7,5 triệu tấn. Ấn Độ nhiều khả năng sẽ giảm xuất khẩu gạo năm nay do ảnh hưởng của El Nino.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xung đột Nga - Ukraina, lạm phát cao trên toàn cầu … nhiều quốc gia đang có xu hướng tăng dự trữ gạo.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Philippines sẽ tăng nhập khẩu gạo từ nay cho tới giữa năm 2023 do sản lượng gạo nội địa giảm đồng thời các cơn bão sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Philippines vào cuối quý II, đầu quý III năm nay.  Việc tăng nhập khẩu gạo sẽ nâng tổng nhập khẩu năm 2023 của Philippines lên ở mức 3,4 triệu tấn gạo.

Chính phủ Indonesia đã thông báo sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá gạo, hỗ trợ gạo cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác.

Indonesia cũng cho biết Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, Myanmar và Ấn Độ là 5 nhà cung cấp gạo tiềm năng cho hoạt động nhập khẩu gạo trong năm 2023 của quốc gia này. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh… cũng đang tăng nhập khẩu gạo.

Theo báo cáo của FAO, dự báo nguồn cung lương thực thế giới (2022 - 2023) sẽ thiếu hụt từ 25 triệu tấn đến 28 triệu tấn thực phẩm (phần lớn là lúa mỳ, các loại ngũ cốc thô, ngô và gạo do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine), 5 triệu tấn nguyên liệu thô và 3 triệu tấn dầu thực vật. Thực trạng mất an ninh lương thực đã diễn ra trong nhiều năm nhưng đang lan rộng trên toàn cầu do cùng lúc chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng, đe dọa an ninh, sự ổn định chính trị kinh tế thế giới, đặc biệt khu vực châu Phi chịu thiệt hại nặng nề nhất do phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.