| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu nông sản giúp thay đổi diện mạo nông nghiệp vùng cao

Thứ Ba 10/01/2023 , 10:03 (GMT+7)

Từ bỏ lối sản xuất nhỏ lẻ, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn đã tạo ra những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản.

Sản xuất rượu men lá truyền thống tại HTX Thanh Tâm. Ảnh Ngọc Tú.

Sản xuất rượu men lá truyền thống tại HTX Thanh Tâm. Ảnh: Ngọc Tú.

Bằng Phúc là xã vùng cao của huyện Chợ Đồn, với khí hậu mát mẻ, nơi đây là thủ phủ sản xuất rượu men lá truyền thống của tỉnh Bắc Kạn. Trước đây, dù rượu men lá Bằng Phúc đã có tiếng nhưng chủ yếu sản xuất quy mô hộ gia đình, sản lượng ít, chỉ tiêu thụ ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.  

Hai năm trở lại đây, với sự hỗ trợ, định hướng của chính quyền, một số hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất rượu đã được thành lập, nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên, mẫu mã, bao bì cũng được cải thiện.

Tháng 10/2022, lần đầu tiên sản phẩm rượu men lá của HTX Thanh Tâm (xã Bằng Phúc) đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Lô hàng xuất khẩu đầu tiên có số lượng hơn 8 nghìn chai, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã theo yêu cầu của đối tác.

Bà Nông Thị Tâm, Giám đốc HTX Thanh Tâm cho biết, để rượu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX phải chọn loại gạo ngon, thời gian ủ lâu hơn bình thường, men nấu rượu hoàn toàn làm từ các loại thảo dược theo bí quyết gia truyền.

Đặc biệt, phía đối tác yêu cầu rất khắt khe về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nên HTX phải chuẩn bị nhà xưởng sạch sẽ và đầu tư dây chuyền đóng chai hiện đại. Nhờ đó, lợi nhuận từ rượu xuất khẩu cao gấp 5 lần so với sản xuất bán trong nước.

Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là bước tiến lớn trong sản xuất rượu của các HTX ở xã Bằng Phúc (Chợ Đồn - Bắc Kạn). Ảnh Ngọc Tú.

Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là bước tiến lớn trong sản xuất rượu của các HTX ở xã Bằng Phúc (Chợ Đồn - Bắc Kạn). Ảnh: Ngọc Tú.

Miến dong là sản phẩm truyền thống của người dân huyện Na Rì, đây cũng là điểm sáng trong xuất khẩu của tỉnh Bắc Kạn. Nhiều năm nay, sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan (huyện Na Rì) đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết, trước đây, cơ sở chỉ có công suất khoảng 500kg miến/ngày, nhưng hiện nay nhờ đầu tư dây chuyền hiện đại nên có thể sản xuất tối đa hơn 2 tấn miến/ngày. Vùng nguyên liệu cũng phải theo phương pháp hữu cơ không sử dụng các chất hóa học.

Chế biến miến dong ở HTX Tài Hoan. Ảnh Ngọc Tú.

Chế biến miến dong ở HTX Tài Hoan. Ảnh: Ngọc Tú.

Ngoài 2 sản phẩm nói trên, hiện nay Công ty TNHH Việt Nam Misaki (huyện Chợ Mới) cũng phối hợp với người nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thu mua quả mơ vàng, rau cải Nhật Bản, cây kiệu để chế biến, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Việc xuất khẩu sản phẩm rượu men lá Bằng Phúc, miến dong Na Rì và một số nông sản khác là một bước tiến lớn trong sản xuất nông nghiệp tại một tỉnh miền núi như Bắc Kạn. Xuất khẩu được các sản phẩm sang thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu đã chứng tỏ năng lực sản xuất của các HTX ở miền núi.

Theo ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ các HTX quy trình tạo ra vùng nguyên liệu đầu vào để sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao như là các sản phẩm chế biến từ củ nghệ, chế biến miến, chè shan tuyết. Các sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, có chỉ dẫn địa lý.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục hỗ trợ 14 HTX đã có các sản phẩm OCOP về nhà xưởng, cơ sở hạ tầng để một số HTX có thể chế biến ra những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tỉnh Bắc Kạn chú trọng tạo vùng nguyên liệu sạch để chế biến sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Ảnh Ngọc Tú.

Tỉnh Bắc Kạn chú trọng tạo vùng nguyên liệu sạch để chế biến sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Tú.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá, các sản phẩm nông sản của tỉnh tuy quy mô không lớn nhưng có lợi thế về tính đặc hữu, được sản xuất trong môi trường sạch, đây là điều kiện rất quan trọng để tỉnh Bắc Kạn phát triển các sản phẩm để xuất khẩu.

Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, các HTX, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt chương trình OCOP sẽ tiếp tục tạo ra thêm những sản phẩm chất lượng cao. Đây cũng là hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh trong những năm tới.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.