| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thủy sản cuối năm phụ thuộc vào tiêm vacxin

Thứ Năm 05/08/2021 , 09:31 (GMT+7)

Xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay nhưng đã sụt giảm trong tháng 7 do hàng loạt nhà máy ở phải tạm ngừng sản xuất vì Covid-19.

Xuất khẩu thủy sản có nguy cơ tụt dốc trong nửa cuối năm khi hàng loạt nhà máy phải tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu thủy sản có nguy cơ tụt dốc trong nửa cuối năm khi hàng loạt nhà máy phải tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của cả nước vẫn đạt mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, mang lại giá trị 4,1 tỷ USD.

Nửa đầu tháng 7, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng 16% so với nửa đầu tháng 7/2020. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản nửa cuối tháng tháng 7 bị sụt giảm rõ rệt (giảm khoảng 15% - 20% so với nửa đầu tháng) khiến cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng ước đạt 763 triệu USD, ước giảm khoảng 4% so với cùng kỳ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, Hiệp hội hiện có 270 doanh nghiệp thành viên, tập trung chủ yếu tại ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung Bộ. Hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” được phép duy trì hoạt động. 

Với những nhà máy được phép hoạt động, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ chiếm 30 - 50%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Điều này khiến cho công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 - 50% so với trước đây.

Theo bà Trương Thị Lê Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), các công ty chế biến cá tra đang rất khó khăn trong việc thu mua cá nguyên liệu do phải mua gom ở nhiều địa bàn khác nhau, trong khi nhân công thu hoạch rất khó di chuyển do các địa phương tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, VASEP dự tính nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt 20 - 30% do giảm khai thác, giảm thả giống nuôi trồng và giảm cả nguồn nhập khẩu và xuất khẩu trong nửa cuối năm có nguy cơ tụt dốc.

Công nhân các nhà máy chế biến thủy sản đang thực hiện '3 tại chỗ' cần được ưu tiên tiêm vacxin. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Công nhân các nhà máy chế biến thủy sản đang thực hiện "3 tại chỗ" cần được ưu tiên tiêm vacxin. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn. VASEP và các doanh nghiệp cho rằng, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa.

Các doanh nghiệp lớn hơn cũng chỉ duy trì tối đa 4-5 tuần do phải gồng gánh quá nhiều các khoản chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất, thực hiện các quy định chống dịch tại nhà máy. Chưa kể, những hệ lụy nhãn tiền là nguy cơ mất đi lực lượng lao động đã qua đào tạo khiến kế hoạch phục hồi sản xuất khó khăn hơn, những rủi ro công nhân trong nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” có thể bị nhiễm Covid-19 xảy ra nếu việc sàng lọc kiểm soát ban đầu và trong suốt quá trình vận hành không được tốt.

Trong khi đó, phương châm “1 cung đường 2 địa điểm” cũng có nhiều bất cập khi các địa phương còn cứng nhắc trong việc xác định 2 địa điểm cần kiểm soát, hoặc yêu cầu cần tập hợp công nhân tại một điểm và xe công ty phải đón đến nhà máy. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi công nhân ở nhiều nơi khác nhau, phải di chuyển đến điểm tập kết chung mà xe ô tô đưa đón thì có hạn, số lượng công nhân trên xe cũng phải đảm bảo không quá 50% số ghế.

Chính vì vậy, trong công văn mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, VASEP khẩn thiết đề nghị ưu tiên tiêm vacxin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” ở các địa phương.

VASEP cho rằng, nếu tiêm ngay vacxin cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường, đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông, ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.