Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong giai đoạn 2016-2020, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng trưởng trung bình 5% đạt 8,4 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm 3,7 tỷ USD, cá tra 1,5 tỷ USD, hải sản 3,2 tỷ USD.
Xuất khẩu trong 5 năm qua có sự trồi sụt do biến động nhu cầu, cạnh tranh trên thị trường thế giới và những rào cản lớn như thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra tại thị trường Mỹ, thẻ vàng IUU của EU…
Tuy trồi sụt nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng. VASEP dự tính trong giai đoạn 2021-2025, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trung bình 7%/năm và tới năm 2025 đạt 12 tỷ USD. Trong đó, tôm đạt 5,5 tỷ USD, cá tra đạt 2,3 tỷ USD và hải sản đạt 4,2 tỷ USD.
Khối lượng thủy sản xuất khẩu tới năm 2025 sẽ tương đương khoảng 6 triệu tấn. Trong đó, 4,7-4,8 triệu tấn sản xuất trong nước, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu dự kiến khoảng 1,2-1,3 triệu tấn (khoảng 2,4-2,6 tỷ USD).
Những cơ sở để VASEP tin tưởng rằng xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới là đại dịch Covid-19 tuy làm giảm nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản trong giai đoạn trước mắt, nhưng định hình xu hướng mua – bán online và thúc đẩy bán lẻ gia tăng. Dịch bệnh đã hình thành thói quen nấu ăn tại nhà, vì vậy, nhu cầu của phân khúc bán lẻ (kênh siêu thị) tăng lên, kèm với đó là tăng nhu cầu các dạng sản phẩm tiện lợi, ăn liền, chế biến sẵn (đồ hộp, hàng khô, bữa ăn tiện lợi…).
Từ năm 2021, đại dịch Covid-19 cũng làm tăng nhu cầu các sản phẩm có giá vừa phải, phù hợp mặt bằng thu nhập (sụt giảm): cá, tôm cỡ nhỏ, surimi, chả cá, một số loài cá biển… Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc, tính bền vững, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường của chuỗi sản xuất sản phẩm.
Một điều rất đáng chú ý là nhiều sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cá tra, cá ngừ, cua ghẹ, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ … nằm trong nhóm các loài thuỷ sản được tiêu thụ nhiều nhất trên toàn cầu. Trong đó, nhu cầu tôm trong thời gian tới vẫn sẽ vẫn ổn định vì là lựa chọn của người tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia. Nhu cầu các loại cá thịt trắng (trong đó có cá tra) tiếp tục tăng. Do bối cảnh kinh tế sau đại dịch, nhu cầu cá thịt trắng và một số loài cá nổi nhỏ trên thị trường thế giới dự kiến sẽ tăng khả quan hơn các loài khác.
VASEP cho rằng, trong 5 năm tới, nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu vốn khá đa dạng từ nhiều nguồn (nuôi trồng, khai thác trong nước và nhập khẩu hợp pháp) sẽ là nòng cốt tạo ra sức cạnh tranh của thuỷ sản Việt Nam. Ngành thủy sản đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu, tận dụng tối đa năng lực chế biến và đảm bảo là một nguồn cung ổn định, chất lượng trên thị trường quốc tế. Dự kiến nguồn nguyên liệu tốt, ổn định và năng lực chế biến hiện đại sẽ tiếp tục là thế mạnh của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa gia tăng, dự kiến chiếm khoảng 20% doanh số, cũng sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành thủy sản. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xuất khẩu (cầu, cảng, giao thông, kho lạnh…) sẽ có xu hướng được đầu tư, cải tạo nhiều hơn từ nguồn ngân sách và cả xã hội hoá, qua đó tạo tác động tích cực đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản.
Các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cùng với hoạt động xúc tiến thương mại (xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh thuỷ sản, kết nối giao thương…) sẽ là những yếu tố tích cực tiếp theo tác động xu hướng phát triển của thuỷ sản Việt Nam. Định hướng phát triển, chính sách thúc đẩy của Chính phủ và công cuộc cải cách hành chính của các bộ, ngành sẽ có các kết quả khả quan trong giai đoạn 2021-2025, thúc đẩy và tạo dư địa phát triển cho ngành thủy sản.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với một số khó khăn không nhỏ như giá thành sản xuất cao, các biến động thị trường (nhu cầu, quy định, chính sách thuế, rào cản) và xu thế đòi hỏi chứng nhận bền vững cũng nhiều lên. Đó sẽ là những thách thức tiếp tục mà cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản sẽ phải đương đầu để vượt qua với nhiều chi phí hơn và khó khăn hơn.