| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thủy sản đang từng bước phục hồi

Thứ Ba 18/07/2023 , 16:59 (GMT+7)

Xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm nay giảm mạnh, nhưng đang có dấu hiệu phục hồi dần trong những tháng gần đây, tạo nhiềm tin hơn cho xuất khẩu nửa cuối năm.

Xuất khẩu tôm và thủy sản nói chung sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm nay. Ảnh: Sơn Trang.

Xuất khẩu tôm và thủy sản nói chung sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm nay. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4 tỷ USD, giảm 1,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tôm đạt 1,4 tỷ USD, hải sản 1,1 tỷ USD, cá tra 900 triệu USD, ngừ 400 triệu USD…

Tuy giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid), xuất khẩu thủy sản năm nay đạt giá trị tương đương. Điều này cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy giảm.

Về tổng thể, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ 2022, nhưng lại đang có sự phục hồi qua từng tháng, dù mức phục hồi này còn chậm. Cụ thể, về sản lượng xuất khẩu, từ tháng 3 đến tháng 6 đều có sự gia tăng qua từng tháng, tháng sau cao hơn tháng trước.

Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu đang có những tín hiệu tốt trong việc giải phóng hàng thủy sản tồn kho đã mua quá nhiều trong năm 2022. Chẳng hạn, tại thị trường Mỹ, các kho lạnh trữ tôm đang vơi dần. Các nhà nhập khẩu, phân phối ở Mỹ bắt đầu xem xét việc tăng nhập khẩu trở lại.

Mùa lễ hội cuối năm đang sắp đến, trong khi nhiều quốc gia sản xuất thủy sản lớn sắp kết thúc vụ nuôi các loài thủy sản, cũng là cơ hội để xuất khẩu thủy sản Việt Nam phục hồi trở lại. Mặt khác, sau khi bãi bỏ chính sách Zero Covid, sức tiêu thụ thủy sản ở thị trường Trung Quốc đang phục hồi.

Ngư dân đưa cá ngừ lên bờ ở Phú Yên. Ảnh: Sơn Trang.

Ngư dân đưa cá ngừ lên bờ ở Phú Yên. Ảnh: Sơn Trang.

Ngành thủy sản vẫn đang theo dõi và đánh giá mức độ tiêu thụ của thị trường Mỹ, là thị trường lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam và có tác động lớn tới các thị trường khác. Theo quan sát của VASEP, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở Mỹ đang tăng lên. Ngoài việc đã giải phóng xong hàng tồn kho, người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy tình trạng lạm phát ở nước này đã được kiểm soát, vì vậy họ đã mạnh dạn hơn trong việc chi tiêu.

Còn theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, giá tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống tới tận cùng, xuống tới đáy, khiến cho nhiều người nuôi không còn muốn thả nuôi tôm trong thời gian tới. Giá không thể thấp hơn nữa là nền tảng để các doanh nghiệp có thể chế biến, tiêu thụ tốt hơn.

Tình trạng giá tôm thấp không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Ở Ecuador, khoảng 10% người nuôi tôm đã nghỉ nuôi vì thua lỗ do giá thấp. Ở Ấn Độ, do giá thấp, số người giảm thả giống cũng rất lớn, có thể khiến cho sản lượng tôm nuôi của Ấn Độ trong năm nay giảm 20-30%. Giá tôm thế giới hiện cũng đã không thể thấp hơn được nữa, qua đó dẫn tới việc các hệ thống tiêu thụ sẽ tích cực mua vào.

Trước đây, đầu quý 3 là cao điểm thu hoạch tôm của Việt Nam và Ấn Độ. Riêng Indonesia và Ecuador thu hoạch chính vụ sớm hơn. Nhưng theo tình hình hiện tại, sắp tới đây tôm thương phẩm trên lưu thông các nước đều giảm mạnh, vì giảm thả nuôi trong thời gian vừa hoặc đã vào cuối vụ. Do nguồn cung giảm nên sắp tới giá tôm có thể hồi phục.

Với những cơ sở đó, ông Hòe nhận định, xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm nay có thể đạt hơn 4 tỷ USD. Và xuất khẩu cả năm có thể đạt khoảng 9 tỷ USD hoặc hơn. Qua đó, giúp cho ngành thủy sản chuẩn bị tốt hơn cho năm 2024.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.