| Hotline: 0983.970.780

Cận cảnh ngành thủy sản nhiều tỷ đô ở vùng mỏ

Vùng đất đắc địa để phát triển ngành tôm

Thứ Tư 05/07/2023 , 09:15 (GMT+7)

Quảng Ninh hiện có gần 7.000ha tôm nuôi, trong đó khoảng 4.000ha nuôi tôm công nghiệp và trở thành địa phương có diện tích nuôi tôm lớn miền Bắc.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp công nghệ cao tại xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp công nghệ cao tại xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh là tỉnh có lợi thế lớn trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 6,6%. Từ khi Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đi vào thực tế đã cho hiệu quả, đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Doanh thu tiền tỷ từ nuôi tôm công nghiệp

Tại trang trại nuôi tôm công nghệ cao của anh Vũ Đình Quyến (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả), hàng xe trọng tải 1 tấn đang nối đuôi nhau chờ tôm lấp đầy khoang. “Năm 2022 vừa rồi, thời tiết thuận lợi nên bà con nuôi tôm ai cũng phấn khởi”, vừa nói, anh Quyến vừa xắn tay ao để thu lưới tôm cùng mọi người trong HTX do anh làm giám đốc.

Từng lồng tôm đầy ắp, nhảy tanh tách làm nước bắn ướt cả khuôn mặt vốn đen sạm vì nắng và gió biển của bà con nuôi tôm, quyện chung với từng giọt mồ hôi đầm đìa trên trán và tiếng hò reo kéo lưới xen lẫn tiếng cười nói rộn ràng cả một vùng. Năm 2022, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Quyến cho thu hoạch khoảng 20 tấn, mang lại doanh thu khoảng 4 tỷ đồng.

Hiện nay, ở Quảng Ninh, các mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi đa giai đoạn... đang được người dân áp dụng rộng rãi. Điển hình là những mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái... cho năng suất trung bình 20 - 25 tấn/ha/vụ, cá biệt có những mô hình đạt từ 45 - 50 tấn/ha/vụ. 

Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Bình Ngọc, TP Móng Cái) thử nghiệm thâm canh tôm thẻ chân trắng từ năm 2012. Ngay vụ đầu tiên, với 0,6ha tôm nuôi, ông đã thu hoạch được gần 10 tấn tôm thương phẩm, trừ mọi chi phí, ông Dũng thu lãi gần 600 triệu đồng. 

Hay như ở Công ty CP Thủy sản Tân An (TX Quảng Yên), hiện đơn vị có 20ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 10ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ 3 giai đoạn, siêu thâm canh. Trung bình mỗi năm, cho sản lượng thu hoạch khoảng 600 - 800 tấn tôm thẻ chân trắng, doanh thu đạt 70 - 80 tỷ đồng. 

Tính đến năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh Quảng Ninh đạt 7.000ha (bao gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú), trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 4.700ha, sản lượng đạt hơn 23 nghìn tấn; năng suất nuôi tôm đạt trung bình 3,1 tấn/ha, tăng 1,8 tấn/ha so với năm 2013.

Có thể khẳng định trong giai đoạn 2013 - 2022 thực hiện Nghị quyết 13, nghề nuôi tôm Quảng Ninh có những bước tiến bộ đáng kể. Diện tích nuôi tôm toàn tỉnh năm 2022 giảm 18,2% so với năm 2013, nhưng diện tích chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp đã tăng lên rõ rệt, nhờ đó sản lượng tôm nuôi năm 2022 đã tăng 246% so với năm 2013.

Tăng khả năng sản xuất giống tôm

Nằm trong khu vực quy hoạch trở thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 23 trại sản xuất với trên 400 bể ương dưỡng giống tôm, đã cung cấp cho thị trường Quảng Ninh gần 2 tỷ tôm giống sạch bệnh, đáp ứng trên 30% nhu cầu giống tôm trong thời gian qua.

Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh cung cấp giống tôm chất lượng cao, đảm bảo sạch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh cung cấp giống tôm chất lượng cao, đảm bảo sạch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trước đây, nuôi tôm vụ đông ở Quảng Ninh là bất khả thi, vì mùa đông thời tiết lạnh khiến tôm khó phát triển. Từ khi Công ty Việt Úc Quảng Ninh nghiên cứu thành công giống tôm chịu lạnh, người nuôi tôm đã yên tâm tăng vụ nuôi.

Những ngày cuối năm 2022, không khí trong khu vực đóng gói tôm giống xuất bán của Công ty Việt Úc sôi nổi hơn ngày thường. Toàn bộ nhân viên công ty hoạt động hết công suất để cung cấp tôm giống cho khách hàng.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc điều hành Công ty Việt Úc Quảng Ninh, cho biết, với giống tôm chịu lạnh VUS Leader 21, người nuôi tôm ở Quảng Ninh sẽ có cơ hội tăng thêm thu nhập đáng kể, vì tôm đến kỳ thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán, giá tôm lại cao hơn.

Hiện nay, nhu cầu số lượng giống tôm thả nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào khoảng trên 5 tỷ con giống. Các cơ sở sản xuất giống tôm trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nguồn tôm giống. Tuy nhiên năng suất nuôi đạt chưa cao và chưa xứng với tiềm năng của địa phương, nhất là sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, tiêu thụ còn yếu.

Để khắc phục hạn chế này, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ mới.

Nuôi tôm vụ đông “không còn khó”

Quảng Ninh mang đặc thù khí hậu điển hình của miền núi phía Bắc với các mùa trong năm khác nhau rõ rệt, mùa đông nền nhiệt rất thấp. Đặc thù này khiến hoạt động nuôi tôm vụ đông hiện rất khó khăn, bởi ở ngưỡng nhiệt độ 20 độ C, tôm đã chậm lớn, ăn ít, giảm sức đề kháng. Với nền nhiệt từ 16 độ C trở xuống, tôm có thể bỏ ăn hoàn toàn, suy kiệt và chết do đói rét. Chính vì vậy, nuôi tôm vụ đông luôn tiềm tàng nhiều rủi ro, thiệt hại.

Hiện nay, diện tích nuôi tôm vụ đông của tỉnh Quảng Ninh là 400ha. Ảnh: Văn Nguyễn.

Hiện nay, diện tích nuôi tôm vụ đông của tỉnh Quảng Ninh là 400ha. Ảnh: Văn Nguyễn.

Xã Hải Lạng là địa phương có diện tích nuôi tôm vụ đông 2022 - 2023 lớn nhất trên địa bàn huyện Tiên Yên với 14ha. Bằng việc nuôi tôm trong nhà bạt, thực hiện tốt công tác vệ sinh ao đầm, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để xuống giống, toàn xã đã thu hoạch được trên 250 tấn tôm vụ đông với doanh thu khoảng 40 tỷ đồng.

Được biết, Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh đã chính thức đưa giống tôm chịu lạnh ra thị trường. Thành công này là hoạt động trọng tâm thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi thủy sản trên địa bàn. Tôm giống chịu lạnh của công ty thích ứng với môi trường không khí, nước, nhiệt độ, độ mặn, pH… 

Mùa đông ở Quảng Ninh thường là thời điểm người nuôi tôm tháo nước phơi ao bởi nhiệt độ quá thấp, không phù hợp với việc sinh trưởng của con tôm. Tuy nhiên, đây là vụ có giá tôm luôn cao nhất so với các vụ tôm trong năm, nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo mang lại thắng lợi về lợi nhuận. Bằng việc chủ động áp dụng công nghệ để làm chủ được nền nhiệt, điều tiết được nguồn nước cấp phù hợp, sử dụng con giống chịu được lạnh, ngày càng có nhiều người dân nuôi tôm vụ đông.

Hiện nay, diện tích nuôi tôm vụ đông của tỉnh Quảng Ninh là 400ha, tăng 300% so với năm 2021 - 2022. Sản lượng tôm vụ đông 2022 - 2023 đạt 7.200 tấn, tăng 500% so với năm 2021 - 2022.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động khắc phục được tính mùa vụ trong nuôi trồng thủy sản, thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu của người nuôi tôm trên địa bàn, qua đó, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phục vụ ngành chế biến, từng bước hướng đến xuất khẩu. Đây là nền tảng quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý là việc áp dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến trong nuôi tôm, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là hướng đi mà tỉnh Quảng Ninh lựa chọn nhằm nâng cao giá trị và phát huy được tiềm năng thế mạnh về biển của địa phương.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho biết, Quảng Ninh hướng đến tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác thủy sản, nhất là tập trung nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao.

“Chúng tôi tiếp tục tham mưu tỉnh xây dựng quy hoạch, tạo quỹ đất, mặt nước ổn định để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất giống thủy sản, xây dựng các cơ sở ương dưỡng giống theo chuỗi liên kết, bảo đảm con giống rõ nguồn gốc, thích nghi điều kiện môi trường nuôi”, ông Sơn nhấn mạnh.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.