| Hotline: 0983.970.780

Nhân lực ngành nông nghiệp cần đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường

Thứ Hai 12/12/2022 , 14:12 (GMT+7)

Giới chuyên gia nhận định, duy trì và phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, yếu tố nguồn nhân lực là quan trọng hàng đầu, bên cạnh các lợi thế về vật chất như đất đai, khí hậu, cầu đường,...

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ tại Tọa đàm Gọi 'đại bàng' và 'chim sẻ' về làm tổ, sinh sôi ở nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Q.L.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ tại Tọa đàm Gọi 'đại bàng' và 'chim sẻ' về làm tổ, sinh sôi ở nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Q.L.

Hiện nay, lực lượng lao động đang có sự dịch chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ… Đây là xu thế chung và tất yếu. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhất là lao động trẻ. Do đó, để đào tạo, giữ chân nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn thì cần coi nông dân là nghề chuyên nghiệp.

“Để nông dân thực sự là trung tâm của kinh tế nông thôn như Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề cập, nông dân phải là một nghề chuyên nghiệp, được đào tạo căn bản, có giá trị tôn vinh và ngay từ trong ghế nhà trường, học sinh cũng phải biết được cách làm thế nào để trở thành một nông dân chuyên nghiệp”, ông Toản nhấn mạnh.

Để giữ chân lao động nông thôn, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, nhà nước không chỉ cần quan tâm về các giá trị cứng về cơ sở hạ tầng như cầu, đường, trường, trạm,… mà cần quan tâm cả những giá trị về tinh thần, tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục cho cộng đồng dân cư.

Hệ thống cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN-PTNT hiện có 38 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ, 39 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ và 96 ngành đào tạo trình độ đại học… Ảnh: Q.L.

Hệ thống cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN-PTNT hiện có 38 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ, 39 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ và 96 ngành đào tạo trình độ đại học… Ảnh: Q.L.

Nghị quyết số 19 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định: “Cần tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn” và đưa ra mục tiêu đến năm 2030 phải đạt tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 70%, mỗi năm, đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn.

Để giảm tình trạng thiếu hụt lao động ở khu vực nông thôn hiện nay, các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn áp dụng chưa đồng đều do phải thay đổi tập quán canh tác của nông dân.

Bên cạnh ứng dụng máy móc vào sản xuất, các chuyên gia cho rằng, hoạt động tổ chức sản xuất cũng cần cần chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu, chọn lọc và có định hướng phát triển lâu dài.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho rằng, nông dân tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh khó khăn vẫn canh tác nông nghiệp chủ yếu theo phương thức manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, để thu hút doanh nghiệp nhờ nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, nông dân văn minh thì việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nông dân là vô cùng cấp bách.

“Việc phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, không chỉ tạo ra lợi thế trong thu hút đầu tư, mà đó còn là cách để nông thôn Việt Nam gìn giữ hồn cốt. Từ đó, đưa các giá trị văn hóa vào từng sản phẩm tiêu dùng, xuất khẩu”, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhấn mạnh.

Hệ thống cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN-PTNT hiện có 38 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ, 39 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ và 96 ngành đào tạo trình độ đại học… Hàng năm, hệ thống này tuyển sinh đào tạo trên 76.000 học sinh, sinh viên, bước đầu đã gắn kết với thực tiễn sản xuất và các doanh nghiệp trong huy động nguồn lực và định hướng đầu ra.

Để tạo nguồn sinh viên ngành nông, lâm nghiệp, đồng thời thu hút học sinh vùng dân tộc, ông Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp cho biết, trường đã xây dựng mô hình trường trung học phổ thông trong trường đại học.

Trường còn có Hệ phổ thông Dân tộc nội trú dành cho con em dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn. Nhà nước hỗ trợ học phí, ăn, ở, có khu ký túc xá riêng, được cấp học bổng chính sách hàng tháng. Đặc biệt, trường có hợp tác với doanh nghiệp tại địa phương có con em dân tộc sinh sống để đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.