Theo CNN, Nga là quốc gia sản xuất hàng hóa lớn từ dầu mỏ, khí đốt cho đến kim loại hay lúa mỳ và Ukraine cũng vậy, họ là quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn. Cuộc xung đột giữa 2 quốc gia này hiển nhiên làm ảnh hưởng đến nguồn cung của các sản phẩm thiết yếu nói trên.
"Rủi ro lớn nhất mà chuỗi cung ứng toàn cầu phải đối mặt đã chuyển từ đại dịch Covid-19 sang xung đột Nga - Ukraine, kèm theo đó là những bất ổn về địa chính trị và kinh tế", nhà kinh tế Tim Uy của Moody’s Analytics nhận định.
Tổ chức này cũng cảnh báo cuộc xung đột chỉ làm nghiêm trọng hơn tình hình của các công ty trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là những đơn vị phụ thuộc vào năng lượng. Trong đó, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do giá năng lượng tăng đột biến vì họ phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, CNN nhận định.
Giá dầu trên thế giới tăng vọt, điều này khiến giá xăng tăng theo và dẫn đến chi phí của nhiều ngành bị đẩy lên như vận tải, hàng không hay sản xuất sử dụng xăng dầu. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine cũng khiến nguy cơ thiếu chip máy tính hiện hữu, vốn bắt đầu từ thời Covid-19 khiến giá xe ô tô cũng tăng theo.
Cụ thể, Nga là quốc gia cung cấp 40% palladium toàn cầu, đây là kim loại quan trọng trong công nghệ bán dẫn còn Ukraine thì cung cấp 70% neon cho thế giới, loại khí được sử dụng trong quá trình sản xuất chip máy tính.
Giá neon đã tăng vọt vào giai đoạn 2014-2015 khi xảy ra khủng hoảng ở Ukraine, mặc dù các công ty sản xuất chip có tích trữ từ trước nhưng số lượng chẳng thấm vào đâu và không thể duy trì được lâu trước làn sóng tăng giá.
Theo nhà kinh tế Tim Uy, nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận trong vài tháng tới, việc thiếu chip sẽ trở nên tồi tệ hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất ô tô, công ty điện tử, nhà sản xuất điện thoại và các công ty khác.
Theo CNN, sự kết hợp giữa giá nhiên liệu cao và tình trạng thiếu chip sẽ làm phức tạp hơn tình hình lạm phát trong thời gian tới.