"Mọi người đang làm việc yên bình trên đất nông nghiệp của họ... Và đột nhiên xe tăng đến và bắn vào chúng tôi, và sau đó là các cuộc không kích", Abu Jazar, một nông dân ở Gaza, cho biết khi đứng bên cạnh một nhà kính bị phá hủy hoàn toàn ở nơi được quân đội Israel chỉ định là khu vực nhân đạo. Ông Jazar cho biết chiến dịch của Israel vào cuối tháng 6 vừa qua, đã phá hủy khoảng 40 dunam (4 ha) đất nông nghiệp và khiến 5 lao động thiệt mạng.
Đây không phải trường hợp duy nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Theo một đánh giá chung của Trung tâm Vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố hồi cuối tháng 6, trên khắp Dải Gaza, 57% diện tích đất nông nghiệp đã bị tàn phá kể từ khi xung đột nổ ra.
Thiệt hại về đất nông nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực ở Gaza, vì canh tác nông nghiệp đáp ứng đến 30% lượng tiêu thụ lương thực ở đây, Matieu Henry thuộc FAO nói với hãng tin AFP.
"Nếu gần 60% đất nông nghiệp bị phá hủy, điều này có thể có tác động đáng kể về an ninh lương thực và nguồn cung thực phẩm ở khu vực", ông Henry nói.
Khu vực Dải Gaza đã xuất khẩu nông sản trị giá 44,6 triệu USD vào năm 2022, chủ yếu sang Bờ Tây và Israel, với dâu tây và cà chua chiếm 60%, theo dữ liệu của FAO. Con số đó đã giảm xuống bằng 0 sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas hồi tháng 10/2024 vào miền nam Israel khiến 1.195 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, theo một thống kê của AFP dựa trên số liệu của Israel. Theo cơ quan y tế ở Gaza, chiến dịch tấn công trả đũa của Israel cũng đã khiến ít nhất 38.098 người thiệt mạng.
Đánh giá thiệt hại đất nông nghiệp được công bố sau khi hệ thống giám sát nạn đói của Liên hợp quốc hồi tháng trước ước tính rằng 96% khu vực ở Gaza phải đối mặt với nguy cơ cao mất an ninh lương thực.
Trả lời hãng tin AFP, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ "không cố ý phá hoại đất nông nghiệp". Trong một tuyên bố khác, IDF cho rằng Hamas "thường hoạt động từ bên trong vườn cây ăn quả, cánh đồng và khu vực nông nghiệp".
Không có việc làm, không có thu nhập
Các khu vực phía bắc chịu thiệt hại nặng nề hơn khi 68% đất nông nghiệp bị tàn phá, mặc dù khu vực phía nam bao gồm Al-Mawasi đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các hoạt động quân sự của Israel trong những tháng gần đây.
Lars Bromley, thuộc UNOSAT, nói với hãng tin AFP rằng đất nông nghiệp bị tàn phá chủ yếu là "do các hoạt động của xe tăng, thiết giáp hạng nặng, các cuộc không kích, pháo kích và các hoạt động quân sự khác".
Gần thành phố Rafah ở miền nam, nông dân 34 tuổi Ibrahim Dheir cảm thấy bất lực sau khi 20 dunam (2 ha) đất canh tác mà anh ta phải đi thuê, cùng với tất cả các thiết bị nông nghiệp, đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
"Ngay sau khi máy ủi và xe tăng của Israel tiến vào khu vực, họ bắt đầu san ủi các vùng đất canh tác với nhiều loại cây khác nhau, bao gồm trái cây, cam quýt, ổi, cũng như các loại cây trồng như rau bina, rau molokhia, cà tím, bí ngô và cây hướng dương. Chúng tôi từng phụ thuộc vào nông nghiệp để kiếm sống qua ngày, nhưng bây giờ không còn việc làm hay thu nhập", anh Dheir cho biết.
Thiệt hại lâu dài
Nông dân Abu Mahmoud Za'arab cũng cho biết ông "không còn nguồn thu nhập" kể từ khi xảy ra xung đột. Người đàn ông 60 tuổi này sở hữu 15 dunam (1,5 ha) đất canh tác và một vườn cây ăn quả. "Quân đội Israel đã đi qua vùng đất này, quét sạch hoàn toàn cây cối và hoa màu. Họ san ủi và pháo kích vào mặt đất, biến nó thành những cái hố cằn cỗi", ông nói với AFP.
Theo ông Bromley của UNOSAT, sự tàn phá đối với đất nông nghiệp ở Gaza sẽ không dừng lại ở những vết xe tăng và những hố bom.
"Với vũ khí hiện đại, một tỷ lệ bom đạn nhất định sẽ không phát nổ ngay lập tức. Vì vậy, rà phá bom mìn chưa nổ đó là một nhiệm vụ lớn", ông nói. Điều này sẽ cần "một nỗ lực dò phá bom mìn từng centimet đất trước khi có thể cho phép nông dân trở lại làm việc".
Bất chấp những rủi ro, anh Dheir vẫn muốn trở lại làm việc. "Chúng tôi muốn chiến tranh kết thúc và mọi thứ trở lại như cũ để chúng tôi có thể tiếp tục canh tác trên đất của mình".