Ưu đãi đầu tư
Nhằm tạo điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.
Chủ trương của tỉnh Bình Dương xác định, phát triển trang trại tập trung theo hướng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh là trọng tâm. Theo đó, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương. Hạn mức vay ưu đãi từ 80 - 90% tùy theo quy mô.
Ông Đinh Ngọc Khương, một hộ chăn nuôi gà chuồng lạnh công nghệ cao nổi tiếng ở Bình Dương, đã lập nghiệp từ năm 2010 với trang trại nuôi gà thương phẩm rộng 50.000m², nuôi 600.000 con mỗi lứa, xuất chuồng khoảng 900 tấn gà thịt/tháng và 30.000m² nuôi gà đẻ hiện đại. Doanh thu mỗi tháng dao động khoảng 800 triệu đồng. Ông Khương cho biết, thành công của mình nhờ nỗ lực cá nhân cùng sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đặc biệt là vốn ưu đãi và các chính sách thông thoáng.
“Mô hình nuôi gà lạnh chưa được áp dụng nhiều tại Bình Dương, mô hình này mặc dù đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên để theo nghề, người nông dân không chỉ cần vốn mà phải có chút am hiểu về chăn nuôi”, ông Khương chia sẻ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, để hỗ trợ cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Nghị quyết số 09 về việc quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh hiện đã có 28 dự án đề nghị vay vốn, trong đó có 27 dự án chăn nuôi và 1 dự án đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến, với tổng số vốn duyệt hỗ trợ gần 400 tỷ đồng.
“Mới đây, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 16 về việc quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, phê duyệt danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay giai đoạn 2022 - 2026... Các nghị quyết đã và đang trở thành xung lực tiếp tục thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển”, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương cho biết thêm.
Đẩy mạnh chuỗi liên kết
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết, ngành chăn nuôi địa phương đã có nhiều cải thiện, nhờ đầu tư vào chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng giống và hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ. Hiện 4 huyện phía bắc tỉnh đã phát triển chăn nuôi quy mô trang trại và liên kết với chế biến.
Đến nay, tỉnh có khoảng 945 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm. Hơn 50% đàn chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao, và 100% cơ sở giết mổ tuân thủ quy định về vệ sinh thú y.
Ông Trần Phú Cường cho biết thêm, đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đạt trên 80% sản phẩm chăn nuôi chủ lực từ các cơ sở an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; hơn 90% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ cơ sở giết mổ tập trung; và trên 60% sản phẩm chăn nuôi chính phải qua sơ chế, chế biến, trong đó ít nhất 20% được chế biến sâu.
“Nhằm gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người chế biến và người tiêu thụ, ngành chăn nuôi Bình Dương đang đẩy mạnh cơ cấu lại quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đổi mới dây chuyền thiết bị đồng bộ, công nghệ tiên tiến và gắn với bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại…”, ông Trần Phú Cường nhấn mạnh.