Y tế thông minh, bệnh nhân hưởng lợi
Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM về đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, sáng 25/10, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhi đến khám, cao điểm lên đến 8.200 trẻ. Số bệnh nhi nội trú trung bình 1.500, cao điểm gần 2.200. Đặc biệt, mùa cao điểm bệnh hô hấp, sốt xuất huyết số bệnh nhân tăng cao, đơn cử như ngày 24/10, khoảng 1.800 trẻ điều trị nội trú.
Với số lượng lớn bệnh nhân đều là trẻ nhỏ thì việc ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành bệnh viện đã đem lại hiệu quả trong thời gian qua như giúp giảm thời gian chờ đăng ký, tiếp nhận, khám bệnh; bệnh nhân không phải xếp hàng; quy trình khám bệnh 1 điểm dừng; tra cứu tự động giá dịch vụ khám chữa bệnh và giảm công việc cho nhân viên y tế.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai các ứng dụng tiện ích cho người bệnh như tương tác với người bệnh, thẻ khám bệnh thông minh, thanh toán điện tử; về khám chữa bệnh, ứng dụng telemedicine và AI trong telemedicine, IAI và robot trong phẫu thuật, máy học trong thực hành kê đơn, chuỗi cung ứng, giám sát tồn kho, blockchain chứng sinh, kết quả xét nghiệm...
Cũng theo TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, việc ứng dụng phần mềm kê đơn thuốc có hệ thống giúp nhắc nhở về chống chỉ định, thực phẩm chức năng, cảnh báo về tương tác thuốc, tác dụng phụ, liều dùng, cách pha và bảo quản. Ngoài ra, ứng dụng còn cảnh báo thuốc "nghe giống nhau", để bác sĩ điều chỉnh thuốc kê toa phù hợp, cảnh báo dạng bào chế không phù hợp, hoặc thuốc được kê toa không phù hợp phác đồ điều trị...
Bệnh viện bắt đầu triển khai số hóa scan chứng từ BHYT, giấy hẹn khám lại, giấy nghỉ hưởng BHXH, trong 10 năm trở lại đây. Người thân của bệnh nhi có thể lấy số thứ tự đăng ký khám, thực hiện xét nghiệm tại ki-ốt lấy số thứ tự đăng ký tự động, ki-ốt lấy số thứ tự làm xét nghiệm, hoặc tra cứu nhanh tại ki-ốt tra cứu giá khám chữa bệnh. Ngoài ra, có thể đăng ký khám bệnh trực tuyến qua web, điện thoại, mobile app.
Đặc biệt, bệnh viện có ki-ốt tiếp nhận và thanh toán nhanh, không cần phải qua quầy tiếp nhận xếp hàng và không dùng tiền mặt mà thanh toán qua thẻ, app, QR Code, POS... Năm 2021, bệnh viện đã triển khai giải pháp thanh toán qua QR động, bệnh nhân chỉ cần cầm giấy chỉ định của bác sĩ thay vì đi đóng tiền ở quầy thì tự scan QR Code trong giấy chỉ định để đóng tiền, rất thuận lợi.
Ở khu vực điều trị nội trú, bệnh viện số hóa hầu hết chứng từ, giấy tờ chuyên môn như biên bản hội chẩn, giấy chuyển tuyến, tờ điều trị; chuyển đổi số hoạt động quản lý, giám sát; thí điểm bệnh án điện tử 4 khoa và dự kiến hai năm tới triển khai toàn viện. Các khoa phòng, đơn vị đều trang bị chữ ký số.
Về quản lý bệnh nhân, bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện bảng kiểm an toàn phẫu thuật. Để giảm nguy cơ nhầm người bệnh, nhầm bộ phận phẫu thuật, mỗi bệnh nhân mang lắc đeo tay có mã vạch, trước khi vào phòng mổ, trước khi rạch da hay phát thuốc sẽ được tra mã vạch... Phần mềm quản lý giường bệnh, máy thở, trong bối cảnh quá tải giường bệnh, giúp bác sĩ biết khoa nào còn bao nhiêu giường, bao nhiêu máy thở.
Ngoài ra, các phần mềm duyệt thuốc online, giám sát sử dụng kháng sinh, quản lý y lệnh, cấp phát thuốc tại khoa dược. Phần mềm giám sát kho thuốc thông minh với kiểm soát vào ra như sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, vân tay để xác thực mở cửa kho, giám sát trạng thái cửa đóng hay mở.
Ở khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh tiện lợi, gọi là quy trình "một điểm dừng" theo thứ tự tiếp nhận - khám bệnh - xét nghiệm - kê đơn - lãnh thuốc - thanh toán một lần. Theo đó, bệnh nhân không phải đóng tiền nhiều lần, không phải di chuyển nhiều, giảm thời gian chờ đăng ký, tiếp nhận, khám bệnh.
Tuy vậy, bác sĩ Minh cũng cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình tiến tới y tế thông minh.
Kỹ sư Đặng Thanh Hùng, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện chỉ có 12 nhân sự công nghệ thông tin nhưng phải quản lý gần 700 máy tính. "Đây là thách thức lớn khi thực hiện đề án y tế thông minh", kỹ sư Hùng nói.
Nhiều máy móc trang thiết bị, phần mềm được bệnh viện xây dựng từ những năm 1994, được nâng cấp và bổ sung tính năng từ những năm 2003 đến nay, hệ thống phần mềm nhiều phần (module) và nhiều chức năng. Do đó, các phần mềm bị lỗi thời, hệ thống không mang tính tổng thể, các yêu cầu phát sinh được đáp ứng nhưng chỉ mang tính tạm thời. Máy tính không mua sắm kịp thời khi có phát sinh do nằm trong danh mục mua sắm tập trung của thành phố.
"Bệnh viện trăn trở rất nhiều về việc làm sao để đội ngũ công nghệ thông tin không ngừng phát triển, bên cạnh đó bệnh viện còn gặp khó khăn trong công tác mua sắm các máy tính. Làm sao để giữ được nguồn công nghệ thông tin, trong khi cơ chế của bệnh viện nhà nước, đặc biệt là cơ chế về lương không nhất quán. Một kỹ sư của bệnh viện nếu ra ngoài làm mức lương có thể lên đến vài nghìn đô la một tháng, bệnh viện không thể nào trả được như vậy.
Việc nâng cấp, xây dựng một hệ thống mới cũng gặp khó khăn do lượng dữ liệu hiện tại của bệnh viện rất lớn, khó khăn trong việc chuyển đổi, tương thích dữ liệu sang hệ thống mới", bác sĩ Minh nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 đề xuất xây dựng các hướng dẫn về pháp lý tạo điều kiện thuận lợi đầu tư hệ thống R1S/PACs - là thành phần quan trọng để thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Chi phí công nghệ thông tin cần được cơ cấu trong giá dịch vụ kỹ thuật để bệnh viện có đủ kinh phí đầu tư hạ tầng và các phần mềm ứng dụng triển khai.
Bác sĩ không phải làm công việc không tên
Theo Sở Tài chính TP.HCM, Đề án Y tế thông minh sẽ được thực hiện đến năm 2030 từ nhiều nguồn kinh phí, trong đó, ngân sách nhà nước chiếm hơn 1.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2022-2023, tổng kinh phí là gần 100 tỷ đồng, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo nhu cầu.
Về việc máy tính không mua sắm kịp thời, bệnh viện tự đảm bảo chi thường xuyên, nếu sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp không bắt buộc bệnh viện mua sắm tập trung.
Về cơ chế thu hút đội ngũ công nghệ thông tin, Sở Tài chính cho biết bệnh viện là đơn vị sự nghiệp có khoản thu nhập tăng thêm theo cơ chế tự chủ, trong phạm vi tài chính mình có, bệnh viện có thể tự chủ động trong vấn đề này.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM cho biết, Đề án Y tế thông minh do UBND TP.HCM ban hành, mục tiêu triển khai chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, nổi bật là tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, hệ thống điều hành cấp cứu thông minh... "Làm sao để bác sĩ không làm những công việc không tên, tập trung chăm lo người bệnh và thời gian chuyên môn", ông Bình nói.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, mong muốn bệnh viện tiếp tục phát huy vai trò của công nghệ thông tin, tích hợp các thẻ dùng chung thông minh với các tiện ích khác, sự liên thông giữa các phòng khoa... để bác sĩ thực hành có môi trường nâng cao tay nghề chăm sóc sức khỏe nhân dân.