Ngành yến sào sẽ bứt phá
Ngày 16/11/2023 là dấu mốc mở ra cơ hội tươi sáng cho ngành nuôi yến và sản xuất, chế biến tổ yến đầy tiềm năng của nước ta, khi những lô sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sau 5 năm đàm phán.
Tin vui về xuất khẩu khiến người nuôi yến cả nước vui mừng, tạo thêm niềm tin về con đường phát triển ngành yến sào bứt phá trong thời gian tới. Là một trong những hộ nuôi chim yến, ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang (Khánh Hòa) bày tỏ phấn khởi trước thông tin này và cho biết, trước đây người dân tự nuôi chim yến rồi tự bán tổ. Nhưng bây giờ có doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch nên ông tin rằng đầu ra cho sản phẩm cũng như giá yến sẽ được thu mua ổn định hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, hiện gia đình ông có 3 nhà yến, với sản lượng hàng chục kg tổ yến/nhà/năm. Để gìn giữ và phát triển đàn chim yến bền vững, hằng năm ông đều bảo trì, tạo điều kiện môi trường tốt nhất để chim trú ngụ, sinh sản và làm tổ. Đồng thời, ông chú trọng cả công tác vệ sinh nhà yến cho đến thu hoạch sản phẩm chất lượng.
Còn bà Trần Bảo Châu, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Khang Châu cho biết, hiện công ty có 8 nhà yến lâu năm với sản lượng thu hoạch lớn tại Phú Yên. Thời gian qua, tổ yến của công ty đã cung cấp ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước và đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Trước mắt, công ty đã đăng ký 3 nhà yến để liên kết chuỗi cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu.
“Để nâng cao chất lượng tổ yến, công ty luôn cập nhật công nghệ mới và chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, hiện sản phẩm tổ yến của công ty đã đạt rất nhiều chứng nhận như: OCOP 4 sao, HACCP, ISO... Bên cạnh đó, các quy định và tiêu chuẩn cho sản phẩm tổ yến xuất khẩu cũng được thực hiện đúng và đủ theo định kỳ hằng tháng, nếu có sai sót sẽ được điều chỉnh kịp thời”, bà Trần Bảo Châu chia sẻ.
Tương tự, tại vùng Tây Nguyên, người nuôi yến cũng phấn khởi trước thông tin tổ yến “bay” chính ngạch sang Trung Quốc. Chị H’Mó H’Loan, ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, gia đình nuôi yến từ năm 2018. Thông thường, cứ 3 tháng, gia đình thu hoạch 1 lần với sản lượng khoảng 4kg.
Cũng như đa số người nuôi khác, thời gian qua, tổ yến của gia đình chủ yếu bán lẻ với giá thành hơn 30 triệu đồng/kg (khi được làm sạch) nên đầu ra của sản phẩm chưa thật sự ổn định. Vì vậy, trước thông tin tổ yến "bay" chính ngạch sang Trung Quốc, gia đình đã làm các thủ tục liên kết với doanh nghiệp để sản xuất yến theo tiêu chuẩn xuất khẩu nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cũng như hy vọng bán được giá cao hơn.
Theo ông Ngô Đình Vạn, Phó Chủ tịch Hội yến sào Đắk Lắk, vấn đề mở rộng thị trường yến sào ra thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành và các doanh nghiệp lớn quan tâm. Tuy nhiên, để ngành yến phát triển bền vững, các doanh nghiệp, người nuôi không chỉ sản xuất ra những sản phẩm thật tốt, có giá trị cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà cần kết nối, tạo ra chuỗi giá trị.
Để làm được điều đó, người nuôi yến cần phải liên kết với các doanh nghiệp đầu ngành, tiên phong trong việc đẩy mạnh xuất khẩu yến sào; đặc biệt là các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp phía Trung Quốc để xuất chính ngạch.
Hướng tới xuất khẩu tỷ đô
Ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cho biết, hiện ngành yến sào Việt Nam đã mở ra hướng đi mới trong việc tiêu thụ tổ yến - vốn nổi tiếng lâu nay mà chưa được xuất khẩu chính ngạch.
Người tiêu dùng trong nước và cộng đồng người Hoa trên thế giới, cũng như một số nước châu Á rất ưa chuộng tổ yến của Việt Nam vì có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn tổ yến của một số nước khác. Do vậy, đây cũng là lợi thế để ngành yến sào Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu.
Theo ông Phạm Duy Khiêm, tính sơ bộ hiện nay, cả nước có trên 43 tỉnh, thành, với khoảng 24.000 nhà yến, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 120 - 150 tấn tổ yến mỗi năm, giá trị từ 500-600 triệu USD.
Thời gian gần đây, khu vực ĐBSCL như Long An, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh và một số tỉnh lận cận, giáp biên giới với Campuchia cũng như Tây Nguyên phát triển mạnh nuôi chim yến. Vì vậy, dự kiến sản lượng tổ yến trong thời gian tới sẽ tăng, cùng với các hoạt động của doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu và ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ, khả năng ngành yến đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tỷ đô sẽ không xa vời.
Tuy nhiên, ông cho rằng, dù thị trường Trung Quốc đã mở cửa cho tổ yến của Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, Nghị định thư yêu cầu tới 16 điều với các quy định liên quan đến an toàn dịch; an toàn thực phẩm; sản phẩm tổ yến được giám sát theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và Trung Quốc.
Các tiêu chí của tổ yến mà phía Hải quan Trung Quốc yêu cầu phải đáp ứng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Cụ thể, màu sắc trắng, trắng ngà đối với tổ yến nhà và đỏ, cam đối với tổ yến đảo. Mùi đặc trưng, không có mùi lạ; dùng kính hiểm vi phóng đại 5-10 lần kiểm tra không nhìn thấy tạp chất; độ ẩm <15%; protein >=40%; acid amin 46-50%; H5N1 âm tính; Salmonellosis âm tính/25g… Vì vậy, việc vận hành nhà yến theo đúng tiêu chuẩn và đúng cách là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, chúng ta phải xây dựng, đảm bảo các sản phẩm tổ yến có thể truy xuất được tới các nhà nuôi chim yến; hoàn tất quy trình đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu và các yêu cầu khác về quy trình sản xuất, nhãn mác, bao bì… cũng rất quan trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Trung Quốc với trên 1,4 tỷ người là thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc và sắp tới còn một số doanh nghiệp nữa, đây là “đầu kéo” rất quan trọng cũng như động lực đưa ngành yến Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp tập trung đi theo hướng đã đàm phán trong 5 năm với thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác, Bộ NN-PTNT sẽ định hướng và đề xuất các giải pháp để làm hành lang pháp lý và căn cứ cho ngành yến phát triển bền vững.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngoài doanh nghiệp xuất khẩu, chúng ta cũng phải tập huấn kỹ thuật cho người nuôi để đảm bảo được truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, đáp ứng tiêu chí rất cao của các thị trường; đồng thời thành lập hệ sinh thái gồm doanh nghiệp, Hợp tác xã và người nuôi yến, khép kín từ chăn nuôi đến chế biến xuất khẩu.
Bà Trịnh Thị Hồng Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa cho biết, ngày 16/10 và 24/11, công ty lần lượt xuất khẩu lô nước yến và lô sản phẩm yến sào chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc.
Theo bà Trịnh Thị Hồng Vân, Trung Quốc là thị trường rất am hiểu về yến sào nên đầy tiềm năng để công ty hướng tới và phát triển hệ thống kênh siêu thị, nhà phân phối cũng như đại lý tại nước này. Để đáp ứng chất lượng cho xuất khẩu, công ty đã triển khai xây dựng chuỗi hơn 300 nhà yến, trong đó 142 nhà yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sắp tới, công ty sẽ tiếp tục chuẩn hóa các nhà yến khác để đăng ký, cũng như tăng cường năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm để xuất sang thị trường Trung Quốc.