Tìm cơ hội cho ngành yến
Chiều 16/12, Hội yến sào Đắk Lắk tổ chức hội thảo kết nối các chuỗi cung ứng xuất khẩu tổ yến - kỹ thuật nhà yến - chăm sóc vận hành nâng cao chất lượng tổ yến.
Tại hội nghị, Hội yến sào Đắk Lắk đã ký kết hợp tác cung ứng, xuất khẩu yến sào với các Công ty TNHH TM Hải Yến Nha Trang, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung và Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến.
Tỉnh Đắk Lắk có khoảng 1.300 nhà yến, phân bố khắp các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, các địa phương như TP Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, huyện Ea Súp, huyện Krông Pắc có số lượng nhà yến nhiều nhất.
Dù nghề nuôi yến với mục đích thương mại mới xuất hiện khoảng 10 năm nay nhưng đang phát triển rất mạnh, mang lại lợi nhuận cao cho chủ cơ sở.
Đắk Lắk được đánh là địa phương có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, phù hợp để phát triển vùng nuôi yến, tốc độ phát triển nhà yến nhanh, chất lượng sản phẩm tổ yến cao tương đương với yến đảo và yến miền Trung.
Ông Ngô Đình Vạn, Phó Chủ tịch Hội yến sào Đắk Lắk cho biết, yến sào ngoài giá trị dinh dưỡng cao đây còn là nguồn lợi rất lớn cho người chăn nuôi và nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay sau một thời gian phát triển nóng, sản lượng tăng nhanh, cộng với kinh tế có phần khó khăn nên việc tiêu thụ các sản phẩm về yến bắt đầu khó khăn, giá bán bắt đầu giảm. Đứng trước thực trạng đó, việc tìm giải pháp mới, tìm hướng đi mới, đặc biệt là công tác đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trở nên cần thiết.
Theo ông Vạn, vấn đề mở rộng thị trường ra thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành và đặc biệt các doanh nghiệp lớn về yến sào quan tâm.
Tuy nhiên, để ngành yến phát triển bền vững, các doanh nghiệp, người dân không chỉ sản xuất ra những sản phẩm thật tốt, có giá trị cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà cần kết nối, tạo ra chuỗi giá trị.
Cụ thể những người nuôi yến cần phải liên kết với các doanh nghiệp đầu ngành, tiên phong trong việc đẩy mạnh xuất khẩu yến sào và đặc biệt là đã ký được hợp đồng hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp phía Trung Quốc để xuất chính ngạch.
Liên kết để bền vững
Bà Trần Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH TM Hải Yến Nha Trang cho biết, ngành yến sào Việt Nam đang có những bước tiến vô cùng khởi sắc khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo bà Hải, thị trường Trung Quốc có tính cạnh tranh và đào thải cao. Hiện nay, các quốc gia trong khu vực cạnh tranh gắt gao vì xem đây là thị trường quan trọng.
Ngoài ra, người tiêu dùng và đối tác Trung Quốc đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải trãi qua nhiều vòng kiểm định để được cấp phép.
“Hải Yến Nha Trang quan tâm đến chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết để chinh phục khách hàng và có thể tạo nên con đường phát triển lâu dài, bền vững. Nếu nông sản không đạt chất lượng ngay lập tức bị trả về sẽ ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu. Để có sản phẩm chất lượng, yếu tố chất lượng nguyên liệu thô luôn được công ty chú trọng và phát triển.
Chúng tôi luôn có những chính sách tốt để hỗ trợ các nhà yến về quy trình, kỹ thuật từ việc gây đàn, chăm sóc và thu hoạch. Việc nâng cao được giá trị sản phẩm từ nguồn gốc xuất xứ sẽ tạo ra một sản phẩm chất lượng, có độ hoàn thiện cao nhất”, bà Hải thông tin.
Còn theo bà Phạm Thị Phương Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung, doanh nghiệp luôn tâm huyết, hướng đến sức mệnh tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang lại một nguồn năng lượng, sức khỏe cho người tiêu dùng.
Công ty định hướng mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tạo chuỗi cung ứng khép kín, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp. Để làm được việc này, doanh nghiệp đã đẩy mạnh liên kết sản xuất, thu mua của rất nhiều nhà yến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.
Hiện, doanh nghiệp đã liên kết trên 250 nhà yến tại Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định. Doanh nghiệp xác định khi xuất khẩu người chăn nuôi và doanh nghiệp cùng có lợi nhuận.
“Trong quá trình liên kết, công ty đã tổ chức các buổi đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm đến các hộ nuôi yến về quy trình xây dựng, dẫn dụ chim, vệ sinh nhà yến đến việc kiểm soát dịch bệnh. Việc này nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn cho các sản phẩm yến. Như vậy mới hình thành chuỗi liên kết bền vững được.
Các doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu mua sản lượng rất lớn, không giới hạn. Doanh nghiệp xuất khẩu được bao nhiêu họ đều mua hết.
Hiện nay, các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã sang Việt Nam đặt vấn đề liên kết với các công ty để thu mua, xuất khẩu yến. Việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là tín hiệu vui cho nông dân cũng như doanh nghiệp”, bà Dung nói.
Nữ chủ tịch HĐQT cho biết thêm, tiềm năng nuôi yến tại Đắk Lắk cũng như Việt Nam còn rất lớn. Hiện sản lượng yến của Việt Nam chưa đáp ứng đủ cho xuất khẩu.
“Là đơn vị đầu tiên tại Đắk Lắk cũng như của Tây Nguyên hoàn thành các thủ tục và thực hiện xuất khẩu lô yến đầu tiên sang Trung Quốc nên công ty mong muốn mở rộng liên kết đối với các hộ dân nuôi yến tại Đắk Lắk cũng như của cả nước để hình thành chuỗi liên kết xuất khẩu bền vững”, bà Dung chia sẻ.