Ngày 9/11/2022, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu sản phẩm tổ yến chính ngạch sang thị trường hơn 1 tỷ dân này. Theo đó, nghị định thư này có liệu lực ngay từ ngày ký, kéo dài 5 năm và tự động gia hạn mỗi 5 năm tiếp theo nếu không có vi phạm hoặc đề nghị chấm dứt của một trong hai bên.
Ngay sau khi có nghị định thư, ngày 1/12/2022, Bộ NN-PTNT đã có văn bản số 8107/BNN-TY, gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai thực hiện nghị định thư xuất khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Trong đó, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ các nội dung của nghị định thư. Với mặt hàng này, Việt Nam có nhiều địa phương có lợi thế, ví dụ như Bình Định với chiều dài bờ biển hơn 134km và bán đảo Phương Mai rộng lớn.
Theo ông Trần Văn Ơi, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Bình Định, đây được xem là khu vực cung cấp nguồn yến tự nhiên cũng như yến non và tạo lập đàn mới cho các vùng nuôi trong đất liền. Với những ưu đãi từ thiên nhiên, yến Bình Định được đánh giá có chất lượng tốt, tổ dày, được các nhà mua ưa chuộng.
Theo kế hoạch của địa phương, dự kiến đến năm 2035, tỉnh sẽ có từ 3.000 - 5.000 căn nhà yến nếu như các điều kiện về xuất khẩu tiếp tục thuận lợi như hiện nay.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, với mặt hàng tổ yến và sản phẩm tổ yến, Việt Nam là quốc gia đi sau so với một số nước trong khu vực mặc dù cả thế giới chỉ có 6 quốc gia có yến gồm: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Campuchia.
Ông Trần Phương Sỹ, Chủ tịch Hội Yến sào Quảng Đà cho rằng, tiềm năng về mặt hàng tổ yến của Việt Nam là rất lớn nhưng chưa đi sâu được về khai thác và chế biến nên phát triển chưa tương xứng và chưa đồng bộ.
Nếu nhận được sự đầu tư bài bản và đúng đắn thì trong thời gian ngắn tới đây, Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp được các quốc gia trong khu vực về mặt hàng tổ yến như Indonesia hay Malaysia.
Ngoài các quy định trong Nghị định thư, tổ yến xuất khẩu phải đáp ứng các quy định trong Luật An toàn thực phẩm, Luật Kiểm dịch động vật và thực vật xuất nhập khẩu, Luật Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, quy định đặc biệt về tăng cường giám sát và quản lý an toàn sản phẩm, quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài cùng các quy định hiện hành của Trung Quốc.
Doanh nghiệp chế biến sản phẩm phải đăng ký theo quy định của Trung Quốc về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ở nước ngoài nhập khẩu - Lệnh 248, chỉ những doanh nghiệp đã đăng ký thành công và có năng lực xử lý vệ sinh hiệu quả sản phẩm yến sào mới được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp phải nắm rõ các quy định của Nghị định thư.
Hai là tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Thêm vào đó là phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, mọi sản phẩm tổ yến đều được truy xuất đến từng nhà yến, đến từng lô sản xuất yến, đáp ứng đầy đủ các quy định của Việt Nam.
Cục cũng hướng dẫn cho các doanh nghiệp vào hệ thống của phía Trung Quốc khai báo đầy đủ, chi tiết toàn bộ thông tin kèm theo các hồ sơ để chứng minh nguồn gốc của sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Long cũng nhấn mạnh, Cục đã phối hợp với phía Hải quan Trung Quốc và các doanh nghiệp, tổ chức đánh giá trực tuyến. Đó có thể xem như những khó khăn nhưng cũng là cơ hội để cho các doanh nghiệp có thể nghiên cứu và thực hiện theo yêu cầu Nghị định thư.
Sau những nỗ lực được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đến nay, Việt Nam đã có lô hàng yến sào xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc của Công ty trách nhiệm hữu hạn Avanest.
Đây là điểm tựa để toàn chuỗi ngành hàng nâng cao giá trị, chuẩn hóa quy trình sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, đảm bảo phát triển bền vững.