| Hotline: 0983.970.780

5 giống gà hướng trứng năng suất, chất lượng được thị trường đón nhận

Thứ Ba 21/11/2017 , 07:40 (GMT+7)

Tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) vừa tổ chức hội nghị khánh hàng năm 2017 và giới thiệu tới người chăn nuôi cả nước 5 giống gà hướng trứng năng suất, chất lượng.

13-27-53_20171118_111458
Lãnh đạo Viện Chăn nuôi và Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương trao quà cho các khách hàng thân thiết

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của thị trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương, Nguyễn Quý Khiêm chia sẻ, với vai trò là đơn vị tiên phong của Viện Chăn nuôi trong việc nghiên cứu, chọn tạo ra các giống gia cầm phục vụ sản xuất, đơn vị đã hình thành nên nhóm giống gà hướng trứng đa dạng cả về năng suất lẫn chất lượng.

Qua đó, 5 giống gà hướng trứng chủ lực Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương đang cung cấp, chuyển giao ra thị trường hiện nay gồm: Gà Ai Cập; Gà HA1, HA2; Gà GT34 và Gà VCZ16.

Trong đó, giống gà Ai Cập là kết quả thuộc đề tài trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2001 - 2005, nghiên cứu chọn tạo một số dòng gà chăn thả Việt Nam năng suất, chất lượng cao. Năng suất trứng gà Ai Cập đạt 180 - 200 quả/mái/năm, tỷ lệ lòng đỏ rất cao, đạt 31 - 32%. Ai Cập giờ trở thành giống gà hướng trứng được ưa thích trong sản xuất, đồng thời đây là nguồn gen quý để lai tạo ra các giống gà hướng trứng năng suất chất lượng sau này.

Với gà HA1 và HA2, đây là kết quả thuộc đề tài cấp ngành, nghiên cứu chọn tạo, phát triển một số dòng gà lông màu hướng trứng và thịt giai đoạn 2006 - 2010. Gà HA1 và HA2 có năng suất trứng đạt 230 - 240 quả/mái/năm, trứng gà HA có màu vỏ trắng hồng tương tự gà ri (gà ta), khối lượng trứng 47 - 48gr/quả, tỷ lệ lòng đỏ cao, đạt 30 - 31%, hiện được thị trường tiêu dùng rất ưa chuộng.

Ngoài 3 giống gà hướng trứng chất lượng ở trên, Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương cũng đang cung cấp 2 giống gà hướng trứng năng suất cao khác là GT34 và VCZ16. GT34 là sản phẩm của đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu chọn tạo bốn dòng gà chuyên trứng cao sản giai đoạn 2011 - 2016. GT34 có màu lông trắng đặc trưng, tuổi thành thục 134 - 137 ngày, năng suất trứng đạt 255 - 260 quả/mái/năm, tỉ lệ tiêu tốn thức ăn/10 trứng từ 1,8 - 1,9kg.

Riêng giống gà VCZ16, đây là sản phẩm của chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, nghiên cứu lựa chọn và phát triển hai dòng gà hướng trứng, hướng thịt phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam. Gà VCZ16 có đặc điểm lông màu trắng, thân hình gọn, da, chân, mỏ đều vàng. Năng suất trứng/mái/78 tuần tuổi đạt 315 quả. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn/10 trứng của gà VCZ16 chỉ là 1,6 - 1,7kg, trong khi khối lượng trứng đạt 62 - 63g/quả. Vỏ trứng gà VCZ16 có màu trắng kem, phù hợp cho bếp ăn công nghiệp và chế biến thực phẩm.

13-27-53_g_h-thuy-phuong
Giống gà hướng trứng HA của Thụy Phương

Theo chia sẻ của bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương luôn là đối tác, địa chỉ tin cậy, uy tín đồng hành với Khuyến nông Quốc gia trong các chương trình, dự án cung cấp, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, các giống gia cầm mới tới bà con nông dân.

Cho đến thời điểm hiện tại, các chương trình, dự án hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương đều đạt kết quả tốt, đặc biệt là các đề tài, dự án chuyển giao giống gà hướng trứng cho các tỉnh, thành đang thực sự trở thành điểm sáng trong công tác đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào đời sống.

Xem thêm
18 người tử vong do bệnh dại, Thủ tướng chỉ đạo nóng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại do số người chết 2 tháng đầu năm 2024 tăng đột biến.

Sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác Đài Thơm 8 Vinarice

Hồ hởi khoe được mùa, được giá, đa số nông dân đang sử dụng giống lúa Đài Thơm 8 Vinarice xác nhận sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác với giống lúa này.

‘Thủ phủ’ mía xứ Thanh chật vật tìm lại thời vàng son

Gần 10 năm, diện tích trồng mía toàn tỉnh Thanh Hóa giảm gần 2,5 lần. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng sắn và nhiều cây trồng khác.