| Hotline: 0983.970.780

Lợi kinh tế, sạch môi trường

Thứ Năm 20/09/2012 , 10:25 (GMT+7)

Thanh long hữu cơ có vị ngọt thanh mát, hương vị đậm đà và bảo quản được lâu hơn.

Xe vừa chạm tới vùng thanh long ở huyện Châu Thành (Long An), tôi đã thoáng ngửi thấy mùi thuốc BVTV phảng phất đây đó. Nhưng khi vào trong vườn thanh long 1,5 ha của ông Huỳnh Văn Tây ở ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội, thì không còn thấy một chút mùi thuốc BVTV nào nữa.

>> Tôm- lúa bền vững
>> Không thể ''tự bơi''
>> Cánh đồng hữu cơ Đất Mũi
>> Khỏe người, nặng túi
>> Lợi ích lớn
>> Ruộng lúa, bờ hoa

Khỏe người

Đang thu hái thanh long chín, ông chủ vườn Huỳnh Văn Tây (Ba Tây), tạm ngừng tay tiếp chuyện tôi. Nhắc tới chuyện mùi thuốc BVTV mà tôi đã ngửi thấy trước khi đến vườn ông, Ba Tây cười bảo: “Thanh long mùa này nhiều bệnh vì mưa nhiều, cứ 6-7 ngày người ta lại phải xịt thuốc BVTV một lần. Ngoài ra còn dùng một loại thuốc tăng trưởng để vuốt tai thanh long cho nó giữ màu xanh, không bị chín theo trái. Vậy nên cậu ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu là phải thôi”.

“Vườn của anh không dùng thuốc sao?”, tôi hỏi. Ba Tây trả lời: “Chỉ dùng một loại thuốc hóa chất với liều lượng rất thấp để xịt bông thôi. Còn khi đã đậu trái, chỉ xử lý bằng thuốc sinh học. Phân bón cũng không xài phân hóa chất, mà toàn là phân hữu cơ, cộng thêm phân chuồng. Vì thế, vườn không còn bị ô nhiễm như trước đây nữa”.

Về môi trường là vậy. Còn về sức khỏe người SX? Ba Tây bật mí: “Khi chưa dùng thuốc sinh học. Mỗi lần phun thuốc hóa chất để trừ bệnh, là người lại cảm thấy nôn nao, mệt mỏi, khó chịu lắm, dù đã đeo khẩu trang. Bây giờ, vẫn 6-7 ngày phun thuốc một lần, nhưng thuốc sinh học không làm mình bị mệt mỏi, khó chịu như trước”.

Ba Tây là người đầu tiên ở Dương Xuân Hội trồng thanh long theo hướng không sử dụng các loại phân bón bằng hóa chất và giảm thiểu tối đa thuốc BVTV có nguồn gốc hóa chất. Thấy được tác dụng lớn trong việc giữ gìn môi sinh, bảo vệ môi trường của hình thức canh tác này, nhiều hộ trồng thanh long ở Dương Xuân Hội và các xã, thị trấn lân cận cũng thuộc huyện Châu Thành như thị trấn Tầm Vu, xã An Lục Long, xã Hiệp Thành... đã học theo.


Thanh long hữu cơ của Ba Tây

Ông Hai Trạng, một nông dân ở xã Hiệp Thạnh, trồng thanh long đã gần chục năm nay. Trước đây, ông dùng toàn phân bón vô cơ và phun nhiều thuốc trừ sâu, nên ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của gia đình. Bắt đầu từ năm nay, ông chuyển 1,3 ha sang làm thanh long hữu cơ, sức khỏe của gia đình ông có chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh đó, nhờ được giá bao tiêu ổn định, đảm bảo cho nông dân có lời khá, nên ông cũng thêm khỏe người bởi không phải lo chuyện giá lên giá xuống như trước đây nữa.

Phong trào trồng thanh long hữu cơ cũng đang lan nhanh sang huyện Chợ Gạo của tỉnh Tiền Giang (huyện Chợ Gạo nằm sát bên huyện Châu Thành của Long An, tạo thành một vùng thanh long lớn của ĐBSCL). Nếu như ở các xã, thị trấn nói trên của huyện Châu Thành (Long An), những diện tích trồng thanh long hữu cơ hãy còn lẻ tẻ theo từng hộ, thì ở xã Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo), đã bắt đầu hình thành một vùng thanh long hữu cơ liền thửa gồm nhiều hộ tham gia với diện tích tới gần chục héc ta.

Lãi lớn

Mô hình trồng thanh long hữu cơ ở Long An và Tiền Giang đã chứng minh được hiệu quả kinh tế rất đáng ghi nhận. Theo Ba Tây thì Cty CP Nông nghiệp GAP đang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thanh long hữu cơ với nông dân theo 3 mức giá: Thanh long loại 400 gram/trái trở lên giá 20.000 đ/kg, loại 350 gram/trái trở lên giá 17.000 đ/kg, loại 300 gram/trái trở lên giá 15.000 đ/kg.

Các kết quả phân tích cho thấy trái thanh long hữu cơ giàu dinh dưỡng và an toàn với sức khỏe con người: Calories 60 kcal, Protein 0.15g-0.5g, Total lipid 0.1g-0.6g, Total Carbohydrate 9g, Iron, Fe 0.3-0.7mg, Phosphorus 36.1mg, Ascorbic Acid 4-25mg, Water 83.0g, Ashes 0.68g, Riboflavin 0.045mg, Calcium 8.8g, Niacin 0.43mg ...

Thanh long hữu cơ có vị ngọt thanh mát, hương vị đậm đà và bảo quản được lâu hơn. Điều đặc biệt, những trái thanh long hữu cơ có tỷ lệ hợp chất oxy hóa cao hơn so với thanh long dùng phân vô cơ. Vì vậy thanh long hữu cơ được đánh giá là loại trái cây tốt cho sức khỏe, một sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ và giúp phòng ngừa một số bệnh tật cho người sử dụng.

Ba Tây nói: “Bình quân, mỗi trụ thanh long cho 15 kg trái, trọng lượng bình quân mỗi trái khoảng 350 gram. Nếu nhân với giá 17.000 đồng, thì mỗi trụ thanh long cho doanh thu 240.000 đồng. Nếu trừ chi phí, còn lãi được 1 nửa là 120.000 đồng. Đó là năng suất bình quân chung ở đây. Riêng vườn thanh long nhà tôi, mỗi trụ phải cho tới 20 kg trái. Vậy là mình lời thêm được 5 kg, tương đương với 85.000 đồng. Tính ra với mỗi trụ thanh long, sau hơn 70 ngày từ khi chong đèn tới khi trái chín, tôi thu lời được 205.000 đồng”.

Vườn thanh long của Ba Tây hiện có 1.800 trụ thanh long. Như vậy, mỗi vụ trồng thanh long hữu cơ, Ba Tây thu lời được xấp xỉ 370 triệu đồng. Mặt khác, nhờ dùng phân hữu cơ, những cái tai của trái thanh long đều giữ được màu xanh mà không bị chín theo trái, dù nông dân chẳng cần phải vuốt tai bằng thuốc tăng trưởng như ở những vườn thanh long dùng phân bón vô cơ.

Theo bà Lê Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Nông nghiệp GAP, Cty này đang muốn mở rộng diện tích bao tiêu thanh long trồng theo phương thức sử dụng phân bón hữu cơ 100% lên 100 ha để xuất khẩu đi Mỹ. Đến thời điểm này, Cty đã triển khai được trên 20 ha ở huyện Châu Thành (Long An) và huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Phân bón hữu cơ sẽ do Cty cung cấp cho bà con theo hình thức trả chậm.

Ngoài việc xuất khẩu thanh long hữu cơ tươi sang Mỹ, Cty đã xuất thanh long hữu cơ sấy khô và nước ép thanh long. Vì thế, Cty đã có thể bao tiêu toàn bộ thanh long hữu cơ, kể cả những trái bị đồng tiền, mục cóc. Hợp đồng ký đầu tư và bao tiêu sản phẩm thanh long hữu cơ sẽ được Cty ký nguyên năm, với giá phân bón và giá bao tiêu sản phẩm cố định.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm