| Hotline: 0983.970.780

Trò chơi tốn đất

Thứ Năm 22/09/2011 , 10:49 (GMT+7)

Việt Nam có thể là “cường quốc sân gôn. Tuy nhiên, đời sống của nông dân được đền bù đất trong quá trình xây dựng các sân gôn lại rất khó khăn.

Việt Nam có thể là “cường quốc sân gôn”, bởi số lượng các dự án quá lớn, lấy quá nhiều đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đời sống của nông dân được đền bù đất trong quá trình xây dựng các sân gôn lại rất khó khăn.

>> Sân gôn - Được ít, mất nhiều

Đằng sau vẻ hào nhoáng của của những căn nhà to, được xây bằng tiền đền bù đất canh tác, lại là những lo toan rất thường nhật: bữa ăn của nông dân.

Người dân thôn Thọ Đa, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh cứ thắc mắc không hiểu vì sao người ta gọi là sân gôn Vân Trì mà không phải là tên làng họ đang sống. Cái lý vùng quê này đưa ra là vì hầu hết diện tích sân gôn Vân Trì hiện tại lấy từ đất canh tác với khoảng 93 ha đất lúa và 35 ha diện tích mặt nước của hơn 620 hộ dân trong thôn. Độ 10 năm trước, 90% đất canh tác của thôn Thọ Đa bị thu hồi làm sân gôn Vân Trì với giá đến bù từ 5- 21 triệu đồng một sào.

Nhà ông Lê Văn Trịnh ở thôn Thọ Đa bị thu hồi 7 sào đất. Đứa con gái tên Tuyết xin xỏ mãi cuối cùng được nhận vào thử việc nhổ cỏ ở sân gôn Vân Trì. Người không biết cứ tưởng thế là ổn định, nhưng với lão nông này, năm lần bảy lượt ông cứ khuyên nó bỏ quách cho khỏe người.  

Nhường đất xây dựng sân gôn, nhiều nông dân bỗng dưng... thất nghiệp

Con gái ông, sáng 5 giờ đã phải lọc cọc dậy đi làm đến tận 5 giờ chiều mới được về nhà nghỉ. Cơm ăn luôn tại sân gôn, thậm chí có những hôm đột xuất chủ đầu tư còn yêu cầu đi làm từ 4 giờ sáng. Tháng làm 24- 25 ngày tùy vào mức độ tăng ca nhưng lương chỉ có 1,2 triệu đồng.

Đã thế, tối về Tuyết lại phải đi học thêm tiếng Anh. Ông Trịnh thấy nó xin tiền đi học thêm nhiều quá cũng xót, nhưng hỏi thì nó bảo rằng: Sân gôn bắt học tiếng Anh phòng khi nhổ cỏ có khách Tây đánh còn biết đường nghe người ta nói để biết mình phải làm gì. Chỉ riêng chuyện nghề nghiệp cũng đủ để ông Trịnh khẳng định rằng sân gôn khiến dân Thọ Đa khổ sở hơn.

 “Ngày xưa còn ruộng dù không giàu nhưng cũng ổn định. 1 sào 7 nồi thóc, một năm 2 vụ được khoảng 70 nồi thóc. Đó là chưa kể những khoản “phụ thu” như chăn nuôi, đi làm thêm. Giờ đong ăn hàng tháng, mỗi tháng 2 nồi gạo 500 ngàn rồi. 1 nồi 24 kg không ăn sáng, không chăn nuôi vậy mà lắm lúc vẫn cứ thiếu ăn”.

Cảnh sống của nông dân xung quanh sân gôn, môn thể thao chỉ dành cho những người giàu, lại ngày càng nghèo đi. Khách lạ qua thôn Rổng Tằm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) chắc hẳn sẽ phải ngỡ ngàng trước sự hoành tráng của những ngôi nhà nơi đây. Tuy nhiên, ẩn trong cái vỏ bề ngoài ấy là hoàn cảnh thảm thương của những gia đình đang chạy ăn từng bữa.

"Tiền xây nhà là tiền đền bù đất cát mà bà con nhận được từ dự án sân gôn Phượng Hoàng. Đất thổ cư thì được đền bù 150 nghìn đồng/m2, còn đất vườn tạp chỉ được hơn 30 nghìn đồng/m2. Mà đất canh tác của bà con thì nhiều vô kể. Tính cả thảy đất nhà ở và đất vườn tạp, mỗi hộ được đền bù khoảng vài trăm triệu đồng, xây xong cái nhà mới ở khu tái định cư thì cũng vừa hết tiền, có gia đình còn đang xây dở dang nhưng không còn tiền để hoàn thiện, đành để đấy"- bà Hải bán nước ven đường nói với tôi.

Năm 2004, UBND tỉnh Hoà Bình quyết định thu hồi hơn 350 ha đất tại địa bàn xã Lâm Sơn cho dự án sân gôn Phượng Hoàng. Thế là chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ các hộ dân của ba xóm Rổng Vòng, Rổng Cấn, Rổng Tằm phải giải toả, nhường lại 60 ha đất nông nghiệp để “mua” lại một suất đất khoảng 200 m2 (một hộ) tại khu tái định cư mới giáp quốc lộ 6A, với giá 64 triệu đồng, số tiền đền bù còn lại thì để xây nhà ở.

Khi lấy đất của nông dân bao giờ người ta cũng hứa và hứa, viễn cảnh là chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang dịch vụ, thủ công nghiệp rất hoành tráng. Người dân Lâm Sơn cũng đã từng hy vọng cứ “ăn theo” cái mác “sân gôn lớn nhất Đông Nam Á”, ắt sẽ no cơm ấm áo. Vậy mà…

Trò chơi tốn đất

Việc sân gôn “ăn” đất, làm cho nông dân bản địa “nghèo hóa” chẳng có gì mới, nếu như người ta không nêu lên những con số giật mình: Trong 90 sân gôn được phê duyệt, đã có 59 dự án có quyết định thu hồi đất, tổng diện tích 15,65 nghìn ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm đến 41%, tức là gần 6,4 nghìn ha. Nhưng điều đáng nói hơn, sự “khổng lồ” này lại chỉ dành cho hơn 5.000 người tham gia. Trong khi đó, hàng vạn người dân đang phải lao đao hứng chịu hậu quả của những dự án từ trên trời rơi xuống. Liệu có đáng đánh đổi? 

Những sân gôn thế này đã lấy đi của nông dân nhiều đất canh tác

Việc dùng đất nông nghiệp, đất trồng lúa làm sân gôn không chỉ tạo ra một bộ phận nông dân không còn đất hoặc trở nên thiếu đất mà còn làm cho đồng ruộng bị chia cắt, làm biến đổi cơ cấu nông nghiệp của địa phương, làm rối loạn sinh hoạt và sản xuất của nông dân bản địa. Đã mấy năm nay, bà con nông dân thôn Rổng Cấn đã quá quen với việc đi làm nương bằng… ô tô.

Câu chuyện bi hài này xuất phát từ việc sân gôn Phượng Hoàng “ăn” vào con đường mà bà con thường lên nương. Do đó, họ phải đi đường vòng xa đến 7-8km. Bởi vậy, phía sân gôn mới nghĩ ra “diệu kế” là đầu tư chiếc xe tải 2,5 tấn để đưa bà con đi làm. Tuy nhiên, việc này cũng bất tiện cho bà con, bởi nếu chậm chân, hoặc làm cố cho xong việc trên nương, thì chỉ còn cách chờ chuyến xe... ngày hôm sau.

Lo ngại cho số phận người nông dân mất đất, PGS-TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN-MT (Bộ TN-MT) cho biết: Đối với các hộ nông thôn, nguồn gốc chính của nghèo đói là sự hạn chế về số lượng đất thực tế cho từng hộ. “Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, đất nông nghiệp lại bị tấn công mãnh liệt, có tổ chức, quy mô rộng và đầy quyết tâm như hiện nay. Trong những “sát thủ” của cây lúa, của nghề nông ngày càng đông... nay là sân gôn, mai có thể là bóng chày hay nhiều môn thể thao quý tộc khác”, ông Chinh lo ngại.

Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, trong tổng số 90 sân gôn nằm trong quy hoạch, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân gôn, còn lại là các dự án kết hợp kinh doanh, chủ yếu kinh doanh bất động sản, khu du lịch…

Ngoài ra, trong 59 sân gôn có quyết định thu hồi đất, chỉ có 13 dự án sử dụng đất đúng mục đích, diệc tích được giao. Số còn lại là xây dựng chậm so với tiến độ được duyệt, hồ sơ về đất đai chưa đúng với thực tế sử dụng đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất theo quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, với việc “nở rộ” các dự án đầu tư lĩnh vực này, Việt Nam đang có nguy cơ trở thành… cường quốc sân gôn. Nhiều nơi nông dân hết đất sản xuất, thiếu việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ gây mất ổn định trên địa bàn nông thôn. Và thực tế là những người nông dân có đất bị thu hồi để xây dựng sân gôn đang rơi vào tình thế dở khóc, dở cười vì chẳng biết làm gì khi “bờ xôi, ruộng mật” đã gắn bó với họ qua bao nhiêu thế hệ bỗng dưng biến mất.

Theo nhiều nhà khoa học, việc xây dựng sân gôn là một yêu cầu tất yếu của phát triển và hội nhập, là một nét sinh hoạt văn hóa mới vừa để thu hút, đầu tư vừa góp phần làm phong phú các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cho toàn xã hội. Tuy nhiên, với một quốc gia vốn “đất chật, người đông” như Việt Nam, thì khi phát triển “trò chơi tốn đất” này cần được chú ý từ nhiều mặt với một chiến lược lâu dài, không để lấn vào đất trồng lúa, đồng thời hết sức chú ý đến các yếu tố văn hóa và môi trường.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm