| Hotline: 0983.970.780

Tôi "sống sót" sau đêm mua đơn vào trường Thực Nghiệm

Thứ Tư 16/05/2012 , 21:03 (GMT+7)

Tôi có mặt trong đám đông hỗn loạn 'xô đổ cổng trường' đêm đó, và tôi muốn chia sẻ với tư cách một phụ huynh học sinh.

Tôi là người mẹ có một con lớn đang học lớp 3 ở Trường Thực Nghiệm, và đang xin cho con thứ 2 vào học cùng trường. Tôi có mặt trong đám đông hỗn loạn 'xô đổ cổng trường' đêm đó, và đây là những lời tôi muốn chia sẻ - không phải tư cách nhà báo, mà là của một phụ huynh học sinh.

>> Vui buồn với clip ''chế'' diễn tả sự nhọc nhằn khi xin học cho con
>> Giá trị ảo ở Trường Thực nghiệm
>> Đạp đổ cổng trường, xô đẩy xin học lớp 1
 

Trước hết phải khẳng định luôn một điều, tôi viết bài này không nhằm mục đích 'thanh minh thanh nga' cho hành động của những phụ huynh học sinh xếp hàng đêm 12/5 vừa rồi. Đó là một là một việc quá tệ hại đáng xấu hổ, mà tôi đã là một người đóng góp vào sự tệ hại đó. Tôi và những phụ huynh ấy xứng đáng bị "ném đá".

Điều thứ 2 tôi muốn khẳng định là tôi không có ý định viết bài này nhằm PR cho trường Thực nghiệm, bởi trường đó không những không cần PR mà có lẽ giờ đây nhà trường và các phụ huynh chỉ cầu mong có cách thoát khỏi áp lực và độ quan tâm quá tải này.

Sau đêm kinh hoàng đó, những hình ảnh được đăng tải trên các trang báo đã nói lên nhiều điều, có câu hỏi lớn nhất đọng lại trên các diễn đàn là Vì sao các phụ huynh phải khổ sở đến vậy để cho con vào được trường Thực nghiệm bằng được? 

Tôi đã có mặt trong đám đông ấy...

Nhiều người 'đổ lỗi' cho Giáo sư Ngô Bảo Châu vì ông đã học trường này thời niên thiếu nên các phụ huynh mang ảo tưởng con họ sẽ thành những 'Ngô Bảo Châu' tiếp theo. Đó cũng là một thực tế, nhưng thực ra Ngô Bảo Châu chỉ học vài năm đầu ở Thực Nghiệm, sau đó ông chuyển sang trường khác, rồi du học...

Nói như thầy Hiệu trưởng Trường Thực Nghiệm Nguyễn Kim Xuân thì GS Ngô Bảo Châu là 'sản phẩm' của nhiều thầy cô, trường lớp và nền giáo dục khác nhau - và trên hết - là nỗ lực tự thân của Ngô Bảo Châu chứ không phải "Ngô Bảo Châu thành công vì học trường Thực Nghiệm".

Ảnh hưởng từ thành công và danh tiếng của Ngô Bảo Châu đến trường Thực Nghiệm (nếu có) chỉ là làm tăng thêm độ quan tâm của xã hội, và làm cơn ác mộng vốn có của nhà trường và các phụ huynh thêm trầm trọng (xin lỗi GS Châu!)

Trên thực tế, Ngô Bảo Châu mới được người dân biết đến từ khi ông nhận giải Field năm 2010. Nhưng những cảnh chen chúc mua đơn vào trường Thực Nghiệm đã trở thành quen thuộc trong nhiều năm trước đó.

Vì sao?

Trước khi xin cho con đầu vào trường, tôi cũng tham khảo thông tin trên khắp các diễn đàn dành cho những người làm cha mẹ, cũng như những người có con học trường này.

Cùng với kinh nghiệm thực tế từ mấy năm con trai học ở đây, và từ đêm đứng chôn chân đến nghẹt thở vừa rồi, nghe những chia sẻ của những phụ huynh khác, tôi ngộ ra một điều: trong đám đông trước cổng trường Thực Nghiệm, những người mang 'giấc mơ Ngô Bảo Châu' cũng có, nhưng tỷ lệ rất nhỏ, hầu hết là những người bà quá yêu cháu, hoặc những bà mẹ nội trợ mang một niềm tin (có phần ngây thơ) là con cháu họ sẽ thành tài khi được học tại trường Thực nghiệm; hoặc nhiều người khác chỉ đơn giản làm theo số đông 'nhiều người xin thế chắc phải tốt lắm'

Nhưng trong đám đông ấy hầu hết là thành phần trí thức trong xã hội: nhà báo, luật sư, bác sĩ, kiến trúc sư...

Tôi không có ý phân biệt trí thức hay không trí thức, nhưng tôi muốn nói những người đứng đó hầu hết có điều kiện tiếp cận thông tin, thực tế, có hiểu biết và quan điểm giáo dục rõ ràng. Họ không ảo tưởng về 'giấc mơ Ngô Bảo Châu' mà lại vì những mong ước cực kỳ giản dị, nếu không nói là tối thiểu cho con em họ.

Có sân trường cho cháu chơi!

Một bác lớn tuổi xếp hàng từ 12h đêm cho biết, nhà bác ở quận Hoàn Kiếm. Bác vốn là một cựu nhà giáo, bác lặn lội đến mua đơn cho cháu nội chỉ vì 'trường này khuôn viên rộng rãi, có sân cho các cháu chơi'.

Dưới những bài báo về cảnh mua đơn, có không ít phản hồi ngạc nhiên và thương hại cho 'dân Hà Nội'. Người ông nhà giáo về hưu tâm sự: họ không ở đây, không hiểu được sự đau lòng của các bậc phụ huynh khi phải nhốt con mình suốt 8 tiếng (thậm chí 10 tiếng cả thời gian học thêm) trong những căn phòng chật chội không một chút không gian xanh.

Người dân trong khu phố Triệu Việt Vương, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân.. quận Hai Bà Trưng đã không còn lạ cảnh đầu và cuối năm, công an phải chặn hai đầu phố Triệu Việt Vương để các em học sinh trường tiểu học Bà Triệu tổ chức lễ khai - bế giảng. Các em học sinh ngồi dưới lòng đường còn thầy cô giáo đứng trên vỉa hè. Buổi lễ thiêng liêng của các em luôn diễn ra chớp nhoáng, đơn giản để mau chóng trả lại đường phố cho người đi đường.

Học sinh tiểu học như mầm non, ăn ngủ học tại chỗ. Kỷ niệm sân trường là giấc mơ cực kỳ xa xỉ với nhiều em học sinh Hà Nội. "Thời chúng tôi đã thế, con tôi cũng thế, giờ tôi chỉ muốn cháu được hưởng những niềm vui thơ ngây một chút", cựu nhà giáo chia sẻ.

Con trai tác giả và GS Ngô Bảo Châu

Được "xơi ngỗng" vô tư!

Là một lý do các bậc phụ huynh mong muốn con được học tại trường Thực nghiệm. Vẫn biết bệnh thành tích vốn là một vấn nạn đau đầu trong ngành giáo dục. Nhưng nhiều bà mẹ vẫn không hình dung hết nỗi khổ có con 'là học sinh giỏi trong lớp toàn học sinh xuất sắc'.

Cơn say chạy đua điểm số giữa các trường tác động mạnh đến các bậc phụ huynh, và đứa trẻ phải gánh hết áp lực. Khi một đứa trẻ bị điểm kém, nó bỗng như một tội đồ đe dọa đến thành tích thi đua của lớp, của trường, của giáo viên và của niềm tự hào của cha mẹ.

Tôi vẫn cho rằng, với một đứa trẻ cấp 1, một bài văn lạc đề, vài phép tính cộng trừ nhân chia nhầm lẫn chẳng có nghĩa nó là đứa trẻ kém cỏi bỏ đi. Thế nhưng một khi 'con ngỗng' bỗng trở thành nỗi khủng hoảng của đứa trẻ và cả cha mẹ nó thì không còn là chuyện nhỏ nữa.

Nghe tâm sự của những người bạn có con học trong những trường 'điểm' 'chuẩn' mà tôi sợ, mà vẫn không lý giải được 'điểm' là thế nào? 'chuẩn' ra sao khi mà cả hệ thống trường toàn quốc đều học chung một chương trình do Bộ Giáo dục - Đào tạo soạn.

Trong một môi trường toàn 'siêu nhân' thì mơ ước cháy bỏng của nhiều phụ huynh, trong đó có tôi là mong con mình được là một đứa trẻ bình thường, được vui chơi phát triển hồn nhiên, trong đó có quyền  được "xơi ngỗng" mà không trở thành tội đồ.

Không phải làm bài tập!

Đây là lý do rất nhiều phụ huynh nói đến, nhưng họ nhầm. Học sinh thực nghiệm vẫn phải làm bài tập. Cháu nhanh nhẹn có thể làm luôn bài về nhà trong giờ tự học, những cháu khác phải làm khi ở nhà.

Con trai tôi học chương trình thực nghiệm, ngoài những môn nhóm 2 (nhạc, kỹ thuật, thể dục) chấm điểm A, B. Môn nhóm 1 gồm Văn, Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Bài tập chủ yếu là Toán và Tiếng Anh (số tiết gần ngang Tiếng Việt). Môn Văn giáo viên không khuyến khích bố mẹ tác động vào, các cháu tự do viết theo suy nghĩ. Mỗi tối cháu mất 2 tiếng làm bài tập.

Không học thêm!

Đúng! Trường có những lớp năng khiếu Võ, Nhảy, Cờ vua.. học sinh có thể tham gia nếu thích; không có chương trình dạy thêm, học thêm. So với học sinh trường khác, con trai tôi có thêm 1 - 2 tiếng mỗi ngày để giải trí.

Chương trình học tốt hơn!

Những năm gần đây, trường Thực Nghiệm có hai chương trình đào tạo: một nửa theo mô hình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại. Nửa còn lại theo chương trình đại trà của Bộ.

Nghĩa là một nửa chương trình KHÔNG CÓ GÌ KHÁC với trường ngoài, còn mô hình thực nghiệm có thực sự tốt hơn không phải có những cuộc kiểm tra đánh giá và phân tích của giới chuyên môn. Điểm khác giữa 2 chương trình chủ yếu ở môn Toán.

Chương trình ngoại khóa tốt!

Hàng kỳ học, các cháu có một buổi đi dã ngoại, trung thu, lễ hội... cuối kỳ có hội chợ để các cháu tự mua bán - trao đổi hàng hóa.

Với riêng tôi còn một lý do nữa tôi chọn trường Thực nghiệm cho con vì môi trường sư phạm khá sạch sẽ, xung quanh trường không có bất kỳ hàng quán nào. Tôi sợ cảnh nghe con mè nheo quà cáp khi ra khỏi cổng trường, hay quán game online chờ đợi 'nuốt chửng' các cháu.

Giáo dục chạm vào điểm yếu nhất của con người: on cái! Điều gì khiến những người trí thức bảnh bao hàng ngày ngồi văn phòng máy lạnh, đi xe hơi chịu ngồi vạ vật cả đêm, dầm mưa gió, nhẫn nhịn đến khổ sở, nếu không vì con cái họ.

Trở lại với cảnh xin học thâu đêm kỳ lạ ấy, mỗi người một ý kiến. Tự tôi cũng hỏi chính mình.

Chúng tôi có điên khùng không? Có, ít nhiều!

Chúng tôi có ảo tưởng không? Có, nhiều hoặc ít!

Chúng tôi đáng trách không? Có! Rất đáng trách, mọi việc thật tệ hại

Và đáng thương không? Có

Giáo dục chạm vào điểm yếu nhất của con người: con cái! Điều gì khiến những người trí thức bảnh bao hàng ngày ngồi văn phòng máy lạnh, đi xe hơi chịu ngồi vạ vật cả đêm, dầm mưa gió, nhẫn nhịn đến khổ sở, nếu không vì con cái họ.

Tại sao không nhân rộng mô hình lên để phụ huynh được tự chọn phương pháp giáo dục mà họ cho là phù hợp và đáng tin cậy cho con em mình?

Tại sao chúng ta có thể xây công viên, bảo tàng nghìn tỷ; bỏ một núi tiền ra kỷ niệm thành phố trong khi con em bị bỏ mặc chen chúc trong những căn phòng không có cửa sổ?

Là người lãnh đạo, hẳn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận biết các chuyên gia bắt đầu dùng cụm từ 'tị nạn giáo dục' trong các hội thảo. Vì sao?

Chẳng nhẽ chúng tôi có lỗi khi mong muốn những điều tốt đẹp, dù cực kỳ giản dị, cho con em mình?

Một điều lạ là, chưa nói chuyện chất lượng giáo dục thực nghiệm tốt hơn hay dở hơn, phải do những nhà khoa học nhận xét, nhưng có một điều rõ ràng: Trong 30 năm tồn tại, trường Thực Nghiệm đã cho ra rất nhiều lớp học sinh. Hầu hết trong số họ đều quay lại xin con, em mình vào trường.

Cũng không khó khăn để chỉ ra con, cháu của những lãnh đạo Bộ, Vụ, Viện... giáo dục được gửi tới trường học; và cảnh chen lấn kia cũng nói lên việc mô hình giáo dục thực nghiệm được xã hội thừa nhận và ưa thích.

Nhưng tại sao mô hình đó vẫn mãi là 'thực nghiệm' chỉ gói gọn trong một trường. Năm 2009, thậm chí dư luận đã ầm ĩ vì thông tin trường Thực Nghiệm sẽ bị giải tán để lấy mặt bằng cho Trụ sở Bộ Giáo dục - Đào tạo, và học sinh Thực Nghiệm được đưa về các trường.

Tôi không có ý định kêu ca đổ lỗi để thanh minh cho việc làm của mình. Nhìn cảnh ngôi trường nhếch nhác, hàng rào đổ gãy cành rơi hoa. Tôi nghĩ đến sáng thứ Hai đưa con trai đi học mà lòng đau xót, chẳng biết giải thích với con thế nào.

Chúng tôi có muốn điên khùng đứng giữa trời mưa lúc nửa đêm không? Chúng tôi có muốn bị bêu lên báo trong bộ dạng tồi tệ thế không? Chắc chắn không bao giờ.

Đau và xấu hổ lắm, mà chỉ vì những mong ước giản dị đến mức tối thiểu cho con em thôi, các bộ trưởng ạ!

Nguồn: (Vietnamnet)

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm