| Hotline: 0983.970.780

Bão ô nhiễm từ nhà máy sắn: “Sống mòn” bên nhà máy

Thứ Tư 08/10/2014 , 09:19 (GMT+7)

Hơn 10 năm qua, cuộc sống của người dân 5 xã dọc sông Chảy (Yên Bình – Yên Bái) nhiều phen bị đảo lộn vì nhà máy chế biến tinh bột sắn. Nước thải nhà máy sắn tới đâu, lúa, cá, tôm… chết sạch tới đó. 

Một ngày mới của nhiều hộ dân thôn Làng Mấy, xã Vũ Linh (Yên Bình) bắt đầu bằng công việc đi xin nước ăn. Can lớn, can bé, họ kéo nhau đi lên thượng nguồn sông Chảy lấy nước về sinh hoạt.

Bởi lẽ, nước thải của nhà máy sắn kề bên, ngấm vào nguồn nước ngầm nhiều năm nay khiến họ không thể sử dụng. Nước nổi váng vàng khè, bốc mùi hôi thối.

“Không chỉ nước ăn đâu, người dân lấy nước từ hệ thống thủy lợi vào ao thì cá, tôm, cua chết trắng. Đến như ba ba cũng phải ngoi lên đồi…”, Phó chủ tịch xã Vũ Linh, ông Trần Ngọc Tâm than thở.

Chưa chết ngay đâu

Cứ vào dịp cuối năm, “cơn ác mộng” mang tên Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Bình của người dân xã Vũ Linh lại hoạt động. Hoạt động từ năm 2003, nhà máy này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt nhiều thôn trong xã. Mà nặng nhất là thôn Làng Mấy, bởi nằm cách nhà máy này đúng một con đường.

Ông Mai Xuân Hùng, người thôn Làng Mấy, nói về nhà máy chế biến sắn với giọng chán nản: “Không phải ô nhiễm mà là quá ô nhiễm. Mỗi khi nhà máy hoạt động, mùi hôi thối bốc lên kinh khủng. Ăn cơm hay ngủ, lúc nào cũng có mùi thum thủm ứ trong cổ họng. Nước ăn không thể dùng được. Nước bơm lên phủ một lớp vàng quánh, mùi như chuột chết”.

Vợ chồng ông Hùng đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy, ông bảo, biết là bẩn nhưng vẫn phải ăn, già cả làm sao đi xin nước ở xa. Ông Hùng xây một bể lắng, bơm nước lên rồi xả xuống sử dụng. Dưới đáy bể, chất bẩn đóng thành tảng như bê tông nguyên khối. Trên mặt nước, lớp váng vàng cũng kết đông chặt. Ngày một lần, ông Hùng lại mở lắp bể để vớt lớp váng.

“Chúng tôi già rồi, sống chẳng bao lâu. Chỉ lo cho bọn trẻ bây giờ, phải ăn nguồn nước ô nhiễm bao năm qua. Chết thì chưa chết ngay đâu nhưng chết lúc nào chẳng ai biết”, ông Hùng thở dài não nề. Chỉ tay về phía nhà máy, ông bảo, nơi đó từng là nhà, là ruộng, là đồi của ông. 7 sào ruộng, 1 ha đồi nhà ông được nhà máy đền bù 67 triệu. Đến chỗ ở mới, ông chỉ mua được mảnh đất bé xíu. Không đất SX, tuổi cao, không lương, vợ chồng ông Hùng cứ như “sống mòn”.

Tay xách can nước vừa đi xin cách thôn Làng Mấy gần 2 cây số, anh Lê Văn Lương nói như phát khóc khi chúng tôi hỏi chuyện. Nhà anh Lương chỉ cách nhà máy sắn đúng một cái tường rào. “Nước đục, tanh lắm, không ăn được đâu. Chỉ cần bơm lên mà để qua một đêm thì vàng như nước ruộng. Ngày nào tôi chả đi xin nước về ăn. Ăn nước này để mà chết à”.


Anh Lê Văn Vương, thôn Làng Mấy đi xin nước về ăn

Hằng ngày, anh Lương phải đi xin ít nhất 10 can nước về tắm giặt, nấu cơm. Nước uống thì mua bình loại 20 lít. Nước ngầm bơm lên chỉ để rửa chân tay, dội nhà vệ sinh. Quần áo thay ra, anh Lương phải đưa xuống nhà mẹ vợ ở thôn dưới giặt nhờ rồi đem về phơi. Trừ hai đứa con phải mặc đồ trắng để đi học. Quần áo vợ chồng anh Lương, tìm đỏ mắt cũng không có một chiếc áo sáng màu.

“Anh thấy có nhục không, nhà tôi, thậm chí cả cái xóm này chả ai dám mặc đồ sáng màu. Mặc vào mà dính nước ở đây thì vài bữa cũng thành cháo lòng…”. Ngày qua ngày, anh Lương không còn nhớ mình đã phải đi xin bao nhiêu can nước trong vòng chục năm qua.

Anh Lê Tuấn Anh, cùng thôn Làng Mấy lắc đầu khi chúng tôi hỏi thăm về nhà máy sắn. Anh bảo, trước nhà máy sắn chưa về, nguồn nước ở đây trong và mát lắm, bơm lên là sử dụng được ngay. Giờ thì… Nói đoạn, anh dẫn chúng tôi ra khu bể nước sau nhà. Nước bơm lên, chảy tới đâu vàng khè, bám cặn tới đó. Téc nước trên mái nhà, chỗ bị hở, nước cũng bám một màu như nghệ.

“Trước đây, sáng nào tôi cũng phải lên thôn Vũ Sơn để xin nước về cho cả nhà. Nhưng xin mãi cũng ngại, sao mà mãi được. Vợ chồng bàn nhau mua một cái máy lọc nước. Nước có vẻ trong hơn nhưng cũng chẳng biết thế nào. Vợ chồng tôi thì chả lo, chỉ lo cho mấy đứa trẻ. Nói gở mồm, lỡ chúng bị bệnh tật gì thì khổ”, anh Anh giọng đầy đau khổ.


Nước bơm lên và để qua một đêm

Chị Nguyễn Thị Hải, tay bế đứa con chừng 2 tuổi, túm lấy chúng tôi, giọng rưng rức: “Nước à, không ăn được đâu các chú ơi, giặt quần áo ố hết. Thậm chí rửa nhà, rửa sân, gạch mới chỉ độ hai lần là biến thành màu vàng. Tôi thì ốm yếu, ngày nào cũng đi tận Ngòi Tu xa 2 – 3 cây số để xin nước về dùng. Chúng tôi giờ có chết cũng chẳng sao, chỉ lo lũ trẻ con. Các chú bảo, ô nhiễm thế này sống làm sao?!”.

Nước vẫn đạt chuẩn (?)

Từ thực tế xóm Làng Mấy, chúng tôi trò chuyện với ông Trần Ngọc Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Vũ Linh. Ông Tâm gật gù, đúng là việc SX của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Bình ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.

Và rằng, việc xử lí môi trường của nhà máy này còn nhiều yếu kém, bất cập. Việc nguồn nước thải của nhà máy thẩm thấm vào nguồn nước ngầm của địa phương là điều dễ hiểu. Theo ông Tâm, chẳng cần lấy mẫu hay xét nghiệm gì hết, chỉ bằng mắt thường cũng biết được nguồn nước ăn của người dân bị ô nhiễm như thế nào.

Nhiều lần người dân kiến nghị lên xã, xã phản ánh lên huyện rồi nhà máy sắn. Cũng có đoàn về kiểm tra, lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Kết quả là nguồn nước vẫn đạt chuẩn, không hề có ô nhiễm (?). Chúng tôi hỏi, bao giờ Vũ Linh có nước sạch để dùng.

“Không riêng Vũ Linh, năm rồi nước thải của nhà máy sắn này cũng gây thiệt hại nhiều ha lúa ở xã Vĩnh Kiên, bên dưới xã tôi. Nghe đâu nhà máy xuống kiểm tra và bồi thường thiệt hại cho người dân một sào là 500 nghìn. Vụ xuân tới chúng tôi lại tiếp tục lo nơm nớp đây”, ông Trần Ngọc Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Vũ Linh thở dài.

Phó chủ tịch xã Trần Ngọc Tâm chậm rãi bảo, trước mắt thì dùng hệ thống lọc tại nhà, không thì đi xin nước ăn. Còn nước sạch tập trung, chưa biết bao giờ có được. 

Đến chạch cũng chết

Không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân, nước thải từ nhà máy sắn này còn tàn phá hoạt động SXNN của một loạt các xã từ thượng nguồn đổ xuống.

Ông Tâm cho biết, nước thải của nhà máy được bơm thẳng vào hệ thống mương thủy lợi đầu nguồn. Các hộ dân lấy nước từ hệ thống thủy lợi vào ao thì cá chết đường cá, tôm chết đường tôm.

“Nói thật với các anh, bao nhiêu năm nay, ao hồ ở xã tôi chẳng còn nuôi được con gì nữa. Đến ba ba, rắn rết cũng phải ngoi lên đồi để sống chứ nói gì đến cá tôm. Con chạch sống dưới bùn sâu như thế cũng phải ngoi lên, chết phơi bụng. Trâu bò của người dân mà uống phải nước này kiểu gì cũng bị chướng bụng, đầy hơi, bỏ ăn đến mấy ngày”, ông Tâm ngậm ngùi.


Khu vực đập thôn Đồng Hen (xã Vũ Linh) “bể chứa” nước thải của nhà máy sắn 

Theo ông Trần Ngọc Tâm, nhà máy sắn còn lắp đặt một đường ống xả chất thải ngầm dưới lòng đất, xả ra còn đập thôn Đồng Hen. Nước thải này chảy ra con suối Bỗng rồi hòa vào con sông Chảy. Tính cả Vũ Linh, có đến 5 xã của huyện Yên Bình đang phải lãnh hậu quả của nhà máy sắn này.

Năm 2003, ngay khi đặt chân đến Vũ Linh, nhà máy này xả thải làm nhiều ha lúa, hoa màu của người dân bị thiệt hại. Người dân lên tận cổng nhà máy đòi bồi thường. Nhà máy sắn phải ra mặt, bồi thường thiệt hại cho người dân. Có năm, vì không chịu đựng được ô nhiễm, người dân Vũ Linh kéo cả đoàn người, chặn xe tải chở sắn, yêu cầu nhà máy đóng cửa.

Gần đây nhất, vụ xuân 2014, nước thải của nhà máy sắn đã khiến cho gần 10 ha lúa của mấy chục hộ dân hai thôn Ba Luồn và Đồng Hen (xã Vũ Linh) chết vàng như cỏ cháy.

Ông Lương Văn Minh, Trưởng thôn Đồng Hen cho biết, nước thải của nhà máy khiến người dân mất trắng vụ xuân. Cây lúa trồng xuống đang xanh tươi bỗng úa vàng, chết hàng loạt. 10 năm nay, người dân Đồng Hen chưa biết đến chuyện nuôi một con cá. Lúa thì năng suất ngày một giảm.

Ông Lương Đình Luyện, xã viên thôn Đồng Hen nói như khóc, gần hai mẫu ruộng của nhà tôi, lúa đang xanh mơn mởn thì nước thải từ nhà máy đổ về. Nước đen đặc, sủi bọt, thối khủng khiếp. Cây lúa cứ thế héo khô, thối rễ rồi chết trước sự bất lực của người dân và chính quyền xã Vũ Linh.

Vụ đó, bên nhà máy sắn về kiểm tra thiệt hại rồi lại “điệp khúc” bồi thường. Mức bồi thường là 500 nghìn đồng/sào. Ông Luyện kể thêm, nhà ông nuôi một ít ngan, vịt để ăn Tết. Cứ cuối năm, trước tháng 11, ông lại nhốt vịt vào một chỗ vì sợ chúng uống phải nguồn nước thải của nhà máy. Kinh nghiệm này được ông rút ra sau 3 năm liền khi đàn vịt nhà ông đang yên lành bỗng dưng lăn quay.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm