| Hotline: 0983.970.780

Bé 3 tuổi rưỡi biết đọc chữ thông thạo

Thứ Hai 07/03/2011 , 09:06 (GMT+7)

Bé Trần Đình Hiếu biết đọc thông thạo mọi chữ viết, con số đến hàng triệu, thậm chí cả những chữ viết tắt, số La Mã.

Bé Trần Đình Hiếu con của đôi vợ chồng công nhân ở Đồng Nai, biết đọc thông thạo mọi chữ viết, con số đến hàng triệu, thậm chí cả những chữ viết tắt, số La Mã, dù cháu chưa đến trường.

Mặc dù giọng nói còn ngọng nghịu nhưng cầm báo, giấy tờ, cậu bé đều đọc nhanh gọn, hầu như không sai chính tả, thậm chí nhiều chữ viết tắt như TP HCM, VN, UBND, HĐND cũng được em dịch đúng nghĩa và đọc nhanh chóng.

Bé Hiếu sinh ngày 14/7/2007, là con anh Trần Đình Hoàng (31 tuổi) và chị Phạm Thị Yến (29 tuổi), quê ở Lâm Đồng, làm công nhân và đang ở trọ tại khu phố 2, phường Trảng Dài, Đồng Nai.

Mặc dù chưa đi học nhưng bé Hiếu đọc được thông thạo bất kỳ loại sách nào. Trong ảnh, bé đang đọc sách "cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" trước sự chứng kiến của các giáo viên trường mẫu giáo Khiết Tâm, phường Trảng Dài, Đồng Nai

Anh Đình Hoàng (công nhân Công ty Epic Dersners) cho biết, vợ chồng làm thuê bận rộn cả ngày đến tối về tranh thủ vài phút tập cho bé làm quen với 24 chữ cái mà chưa dạy ghép vần. Trước đó Hiếu cũng được gửi ở một nhóm trẻ tư nhưng do ốm triền miên nên chỉ được 2 tháng phải nghỉ học.

"Ngay từ lúc cháu lên 2, thấy con bập bẹ đọc theo dòng chữ chạy trên tivi, gia đình ngạc nhiên lắm nhưng cũng chỉ nghĩ bé nghe người lớn đọc rồi thuộc lòng", anh Hoàng kể.

Khi Hiếu được 3 tuổi, người phát hiện ra khả năng đặc biệt này của em là cô Lê Thị Duyên, giảng viên một trường cao đẳng tại Đồng Nai, ở trọ gần nhà anh Hoàng.

Cô giáo cho biết, trong một lần cô dọn dẹp nhà cửa, bé Hiếu đến chơi rồi cầm cuốn sách Giáo trình tâm lý học đại cương dày cộp lên đọc vanh vách những dòng chữ trên bìa sách. Cô thấy ngạc nhiên nên tiếp tục lật giở những trang khác nhau, cháu đều đọc được nhanh nhảu mà không phải nhẩm đánh vần.

"Từ trước đến giờ tôi chưa từng thấy một đứa bé nào mới 3 tuổi, chưa đi học mà biết đọc chữ lưu loát như thế. Nhiều người tò mò đến xem cũng đưa sách, báo và viết chữ ngoằn nghoèo để thử, nhưng Hiếu vẫn đọc chính xác", cô giáo thuật lại.

Nói về trường hợp của em Hiếu, ông Thái Văn Hưng, Giảng viên trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Đồng Nai (sống tại khu phố 2, phường Trảng Dài) nhìn nhận: "Đối với những đứa trẻ bình thường phải đi học trường lớp và nỗ lực học tập mới bập bẹ đánh vần được, trong khi cháu Hiếu lại đọc lưu loát khi mới 3 tuổi là một khả năng đặc biệt. Tôi đang động viên phụ huynh cho cháu theo học những chương trình đặc biệt để tài năng của bé có điều kiện được khuyến khích phát triển".

Trong khi đó, cha của bé băn khoăn: "Vợ chồng tôi cũng bối rối không biết nên làm thế nào để bé lớn lên phát huy được khả năng của mình. Tạm thời hôm qua mới xin cho cháu học ở trường mầm non khu vực thôi".

3/3 là ngày đầu tiên bé Hiếu được cha mẹ đưa đến học ở trường Mẫu giáo Khiết Tâm gần đó. Ngồi trong lớp học, Hiếu trông có vẻ lanh lợi, nhanh nhẹn hơn các bạn cùng trang lứa. Khi xem xét khả năng nhận diện mặt chữ của bé, các giáo viên ở trường cũng rất ngạc nhiên. "Chúng tôi đang thiết kế chương trình đặc biệt để dạy cho cháu vì trường hợp như thế này rất hiếm gặp", bà Trần Thị Phi Long, Hiệu trưởng trường Khiết Tâm cho biết.

Trước đây, bé trai Phan Chí Bảo (3 tuổi) ở thành phố Vinh và Phan Đình Quốc Bảo (4 tuổi) ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cũng được nhiều người biết đến bởi khả năng đọc, viết, làm toán từ rất sớm.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng, TP HCM, khuyên khi phát hiện một khả năng đặc biệt khác thường của con, phụ huynh nên đưa bé đến trung tâm nghiên cứu khả năng đặc biệt của con người để được các chuyên gia đầu ngành thẩm định và có phương pháp giáo dục phù hợp. Bởi trên thực tế, một số trẻ bộc lộ sớm những khả năng đặc biệt khi còn bé, sau đó năng khiếu ấy dừng lại khi không được tiếp tục khuyến khích, giáo dục.

"Cha mẹ cũng đừng nghĩ con mình là thần đồng rồi khen ngợi, thổi phồng thái quá làm cho trẻ phát triển lệch lạc, thậm chí bỏ bê việc học hành, đến khi lớn lên lại không theo kịp bạn bè thì rất tiếc", bà nói.

Hiện nay các chuyên gia Tâm lý học Trường Đại học sư phạm TP HCM đã có một chương trình cụ thể để trắc nghiệm trí thông minh và giáo dục trẻ có khả năng đặc biệt. Song song đó, TP HCM còn có Câu lạc bộ Thần đồng Milmax được thành lập từ năm 2007, tập hợp hàng chục bé bộc lộ khả năng sớm ở khắp mọi miền đất nước. Các bé đến đây được kiểm tra năng khiếu ở vài lĩnh vực như: âm nhạc, ngôn ngữ, toán học, tư duy logic, cảm xúc và trí tưởng tượng. Nếu vượt qua vòng này, bé sẽ nhận được giấy chứng nhận là "thần đồng" cùng với suất học bổng 10 triệu đồng.

Riêng đối với những trẻ ở vùng sâu vùng xa có năng khiếu đặc biệt, thì câu lạc bộ hỗ trợ bằng nhiều cách để giúp các em phát triển phù hợp.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất