| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Dốc sức phòng trừ sâu bệnh

Thứ Ba 03/03/2015 , 06:11 (GMT+7)

Sau Tết Nguyên đán, nhiều cánh đồng lúa ĐX 2014-2015 ở Bình Định đang bị nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là rầy nâu và rầy lưng trắng. 

Ngành chức năng và nông dân “xắn tay áo” cùng nhau xuống đồng triển khai đồng loạt các giải pháp phòng trừ...

Chi cục BVTV Bình Định đã ra quân kiểm tra đồng ruộng và phát hiện nhiều cánh đồng lúa đang bị một số đối tượng sâu bệnh uy hiếp. Ông Kiều Văn Cang, Chi cục phó Chi cục BVTV Bình Định cho biết, rầy non (gồm rầy nâu và rầy lưng trắng) đang nở rộ trên những diện tích lúa trong giai đoạn đòng - trổ, mật độ từ 1.500 - 3.000 con/m2, cục bộ có nhiều diện tích đang bị rầy uy hiếp với mật độ cao từ 3.000 - 5.000 con/m2, cục bộ có nơi xuất hiện những ổ rầy có mật độ trên 6.000 con/m2.

Những diện tích lúa bị rầy gây hại tập trung ở các huyện Phù Cát, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước và TX An Nhơn. Tổng diện tích lúa nhiễm rầy trên địa bàn tỉnh khoảng gần 99 ha và đang được tích cực phòng trừ. Ở những cánh đồng rầy xuất hiện mật độ dày, từ ngày 28/2 Chi cục BVTV vận động bà con phun thuốc trừ rầy ngăn lây lan diện rộng.

Ngoài ra, nhiều diện tích lúa đang đứng cái - làm đòng đang phát sinh bệnh đạo ôn lá, tập trung trên các giống BC 15, ĐV 108, 0M 6162. Tỷ lệ phổ biến từ 1 - 5%, nhiều diện tích có tỷ lệ bệnh khá cao, từ 10 - 20%. Tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá trên địa bàn Bình Định hiện nay là hơn 79 ha, tập trung tại các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn và TX An Nhơn.

“Chúng tôi đang chỉ đạo cho nông dân phun phòng đạo ôn cổ bông trên lúa chân 3 vụ và tiếp tục phun trừ bệnh đạo ôn lá trên chân lúa 2 vụ/năm. Ngoài ra, lúa còn bị một số đối tượng sâu bệnh khác như chuột, sâu năn, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh vàng lá sinh lý... phát sinh gây hại rải rác”, ông Kiều Văn Cang cho biết thêm.

Theo nhận định của Chi cục BVTV Bình Định, trong thời gian tới, cây lúa ĐX ở tỉnh này sẽ còn bị rầy tấn công dữ dội hơn. Rầy sẽ tiếp tục ra rộ từ nay đến ngày 5/3, gây hại nặng diện rộng lúa chân 3 vụ trong giai đoạn làm đòng trổ - chắc xanh và lúa chân 2 vụ giai đoạn làm đòng. Các địa phương sẽ bị rầy tấn công mạnh là huyện Phù Cát, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ và TX An Nhơn.

Về bệnh đạo ôn, do thời tiết hiện nay có biên độ nhiệt ngày và đêm cao, tối và sáng sớm có sương mù, ẩm độ không khí cao nên tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh gây hại diện rộng. Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ lá cũng sẽ tiếp tục gây hại trên lúa chân 2 vụ đứng cái, làm đòng. Bệnh đạo ôn cổ bông đã phát sinh từ giữa đến hết tháng 2 trên chân 3 vụ và sẽ còn kéo dài đến hết tháng 3 trên chân 2 vụ, gây hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn đang trổ bông, đặc biệt trên các giống 13/2, BC 15, Q5, ĐV 108, OM 6162…

“Chi cục BVTV đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn các huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình phát sinh của rầy nâu, bệnh đạo ôn; dự tính, dự báo chính xác thời gian phát sinh và mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh để cùng với địa phương tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ có hiệu quả”, ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Định cho biết.

Theo ngành chuyên môn, khi bệnh đạo ôn xuất hiện phải ngừng ngay việc bón phân, nhất là đạm, urê; không sử dụng phân bón lá và kích thích sinh trưởng để phun cho cây lúa. Sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới tiến hành bón phân và phun phân bón qua lá, kích thích sinh trưởng. Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun phòng khi bệnh chớm xuất hiện: Beam 75 WP liều lượng 24 gram thuốc pha 24 lít nước phun 1 sào (500 m2); Katana 20SC liều lượng 24 ml thuốc pha 24 lít nước phun 1 sào; Filia 525SE, liều lượng 24 - 36 ml thuốc pha 16 - 24 lít nước phun cho 1 sào...

Để trừ bệnh đạo ôn, nông dân nên dùng một trong các loại thuốc sau để phun trừ: Fujione 40 EC, liều lượng 100 ml pha 32 lít nước phun cho 1 sào; Fujione 40WP liều lượng 50 gram thuốc pha 24 lít nước phun cho 1 sào; Ninja 35SE, liều lượng 50 ml pha 20 lít nước phun 1 sào; Vista 72.5WP liều lượng 24 - 36 gram thuốc pha 20 - 30 lít nước phun 1 sào.

"Chúng tôi khuyến cáo bà con khi phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông nên tiến hành phun thuốc 2 lần: Lần 1 khi lúa trổ lác đác, lần 2 lúa trổ đều”, ông Cang nói.

Đối với rầy nâu và rầy lưng trắng, khi phát hiện rầy có mật độ 1.500 - 3.000 con/m2 trở lên thì dùng một trong các loại thuốc đặc trị rầy sau để phun: Thuốc Chess 50 WG, liều lượng 3 gói (7,5 gram/gói) thuốc pha 24 lít nước phun 1 sào, chỉ phun khi lúa ở giai đoạn lúa ngậm sữa trở về trước; thuốc Bassa 50 EC (hoặc Hoppecin 50 EC), liều lượng 100 ml thuốc pha với 32 lít nước phun 1 sào (500 m2).

Đối với ruộng có mật độ rầy cao trên 6.000 con/m2, rầy có nhiều giai đoạn phát dục (có cả rầy non và rầy trưởng thành), nguy cơ cháy rầy cao có thể sử dụng kết hợp 100 ml Bassa 50 ND (hoặc Hoppecin 50 EC) với 10 gram Dantotsu 16 WSG (hoặc 2 gram Tango 800 WG) pha 32 lít nước phun 1 sào.

Đối với lúa đòng có thể sử dụng kết hợp 100 ml thuốc Bassa 50ND (hoặc Hoppercin 50 EC) với 50 ml Sutin 5 EC pha 32 lít nước phun cho 1 sào.

Ông Kiều Văn Cang khuyến cáo: “Sau khi phun từ 3 - 5 ngày, bà con cần tiến hành kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy rầy còn sót lại (mật độ trên 1.500 con/m2) thì phun lại lần 2. Thuốc phun lần 2 khác so thuốc lần 1. Phun thuốc phải đảm bảo lượng nước như hướng dẫn, ướt đều trên thân, gốc lúa. Nên phun vào chiều mát hoặc sáng sớm. Giữ nước trên ruộng từ 5 - 15 cm”.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm